Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài khoảng 1 giờ, nhưng liên tục bị ngắt quãng bởi hàng loạt cuộc gặp, cuộc điện thoại đến điện thoại của Đại sứ. Tất cả các câu chuyện đều xoay quanh một chủ đề duy nhất: Giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến công tác bảo hộ công dân (BHCD) Việt Nam sau vụ việc.
Thử thách ở địa bàn mới
12 ngày - đó là thước đo thời gian cho kinh nghiệm ít ỏi của Đại sứ Trần Thành Công tại địa bàn mới. Từng là Đại sứ tại Romania, nhưng theo tân Đại sứ: “Vụ đánh bom tại Giza gây sốc với bất cứ cán bộ ngoại giao nào, vì có lẽ đây là lần đầu tiên người Việt là nạn nhân đánh bom khủng bố ở nước ngoài”.
Chiếc xe khách bị đánh bom ở Ai Cập khiến 3 người Việt thiệt mạng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ai Cập) |
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tích cực triển khai các hoạt động bảo hộ công dân, thăm hỏi, động viên những người bị nạn, làm việc với cơ quan chức năng sở tại và Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam yêu cầu phối hợp, hỗ trợ cứu chữa người bị nạn, tạo mọi điều kiện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trợ giúp của gia đình các nạn nhân Việt Nam, cấp thị thực khẩn cấp cho thân nhân của các khách du lịch bị thiệt mạng và bị thương sang Ai Cập để giải quyết quyền lợi cho các nạn nhân. |
Đó là buổi tối thứ Sáu - ngày làm việc cuối cùng của năm. Khi mọi người vừa ngồi vào bàn tiệc tất niên thì Đại sứ Công nhận được tin: Xe buýt chở 15 du khách Việt Nam bị trúng bom và có người Việt thiệt mạng. “Lúc đó, tôi không dám tin vào tai mình, nhưng như một bản năng, tôi yêu cầu anh em lập tức thẩm định thông tin qua các kênh sở tại. Chỉ ít phút sau, được báo cáo: Có người Việt Nam thương vong. Thi thể vẫn đang được bảo vệ tại hiện trường, còn người bị thương đã được chuyển đến Bệnh viện” – Đại sứ nhớ lại.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập có số lượng nhân viên khá khiêm tốn. Chính vì vậy, trong tình huống cụ thể này, Đại sứ đã nhanh chóng quyết định chia nhân viên thành 3 nhóm: Hai nhóm chính đến hiện trường và bệnh viện, nhóm còn lại “trực chiến” tại Đại sứ quán để tiếp nhận tất cả các liên hệ từ trong nước và sở tại. Đại sứ chia sẻ: “Có công dân tử nạn là điều vô cùng đau xót, nhưng điều khiến tôi lo lắng hơn là con số thiệt mạng có thể tăng lên, trong khi chúng tôi chưa có ngay được danh sách đoàn khách, con số thương vong, bị thương như thế nào. Vì thế, tôi quyết định dẫn đầu đoàn đến bệnh viện và cử đoàn còn lại đến ngay hiện trường”.
Bình tĩnh trong khủng hoảng
Hiện trường vụ tấn công cách Cairo khoảng 30km. Đại sứ chia sẻ: “Trong tình hình này, tất cả đều bị xáo trộn và người dân hạn chế ra đường. Có ai đi ôtô qua sa mạc ban đêm mà không hề có lực lượng bảo vệ lại không lo sợ cho tính mạng của mình? Nhưng khi đó, những suy nghĩ bộn bề về các tình huống có thể xảy ra, các phương án đối phó, cũng như những cuộc điện thoại liên tục từ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự và các cơ quan hữu quan trong nước cũng như sở tại trên suốt quãng đường... đã át hết nỗi sợ của chúng tôi”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập thăm hỏi nạn nhân trong vụ đánh bom. |
Tại hiện trường vụ tấn công, tất cả đều choáng váng trước khung cảnh hoang tàn, chiếc xe buýt vỡ nát ám khói bom đen kịt, máu của nạn nhân... Khi đoàn đến Bệnh viện Al Harmal, khung cảnh nơi đây cũng hỗn loạn không kém hiện trường vụ tấn công. Vượt qua vòng vây của giới truyền thông, qua vòng bảo vệ của lực lượng an ninh, đoàn do Đại sứ Trần Thành Công dẫn đầu phải khó khăn lắm mới vào được bên trong. “Lúc đó, tôi bỏ qua hết những hình thức lễ tân ngoại giao. Dù tôi chưa trình Quốc thư, nhưng đi đến đâu tôi cũng xưng danh Đại sứ Việt Nam để người ta cho đi tiếp. Chúng tôi vào từng phòng bệnh để tìm xem ai là công dân Việt Nam. Tổng cộng có 12 người Việt, trong đó có 2 du khách (là một cặp vợ chồng) không bị thương. Nhưng đoàn ở hiện trường báo lên rằng đại diện an ninh của Ai Cập tại đó cho biết chỉ có 2 thi thể là người Việt. Vậy người còn lại đi đâu?” – Đại sứ kể lại.
Để đảm bảo không bỏ sót, Đại sứ đã yêu cầu nhóm hiện trường xin nhận dạng thi thể tại nhà xác. Tại đây, các cán bộ Sứ quán xác nhận, trong số các thi thể được đưa về từ hiện trường có 3 thi thể là người Việt.
Nói đến đây, giọng Đại sứ nghẹn lại. Ông bảo, “phải có mặt ở hiện trường ở thời điểm đó, chứng kiến khung cảnh hoang tàn, các mảnh vỡ và máu, chứng kiến các nạn nhân tử vong và bị thương, trong đó có đồng bào mình, mới cảm nhận hết được nỗi đau mà ‘tấn công khủng bố’ đã và đang reo rắc ở khắp nơi trên thế giới”.
Không chỉ là một đêm trắng
“Sau khi hỏi thăm từng bệnh nhân và chắc chắn về con số người Việt thương vong, tôi đến gặp Giám đốc Bệnh viện và yêu cầu họ khẩn trương làm tất cả những gì tốt nhất có thể để cấp cứu cho các nạn nhân. Có hai vợ chồng không bị thương, nhưng quá hoảng loạn nên khi nhìn thấy chúng tôi, hai anh chị một mực “Đại sứ đi đâu cho chúng tôi đi theo với!”, nên chúng tôi đã đưa họ về Đại sứ quán để nghỉ ngơi, trấn tĩnh”.
Đêm 28/12, Đại sứ quán có được danh sách đoàn khách và rạng sáng ngày 29/12 đã xác minh được danh tính từng người. Tiếp theo đó là hàng loạt những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Du lịch Ai Cập, cùng các cơ quan sở tại để triển khai công tác BHCD, cũng như chăm sóc các thành viên của đoàn và các thủ tục cho họ về nước theo nguyện vọng... Sau cuộc làm việc giữa Đại sứ Việt Nam với Bộ trưởng Y tế Ai Cập, các bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Sheikh Zayed Specialized, bệnh viện tốt nhất tại Ai Cập.
Đến lúc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập vẫn đang khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến 3 nạn nhân bị nặng, đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Sheikh Zayed Specialized và làm việc với các hãng vận chuyển để sớm đưa được thi hài của 3 nạn nhân xấu số về nước, theo nguyện vọng của gia đình.
Cuối cuộc trò chuyện, Đại sứ Trần Thành Công đã chia sẻ những trăn trở của ông trong suốt những ngày tất bật vừa qua: “Ai Cập không chỉ là một thiên đường du lịch. Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, bất kỳ ai đều có thể trở thành nạn nhân của một vụ tấn công. Dù tại các điểm du lịch nổi tiếng của Ai Cập, an ninh luôn được thắt chặt. Nhưng đau lòng thay, đoàn khách của chúng ta tình cờ trở thành mục tiêu tấn công khi đang trên đường trở về để ra sân bay, một kết thúc đau thương cho một chuyến đi đã được cho là tuyệt vời. Vì thế, trong tình hình hiện nay, các đơn vị cung cấp tour cần hết sức cân nhắc khi triển khai các tour tại các địa bàn nhạy cảm”.
Tại Sân bay quốc tế Cairo, các nạn nhân chuẩn bị lên máy bay về nước vào đêm 31/12 vẫn nhắc đến những tô cháo, bát mỳ được các cán bộ Đại sứ quán chăm sóc trong những ngày qua, đã giúp họ vững tin hơn khi không có người thân bên cạnh. Rơm rớm nước mắt, chị Nguyễn Thị Anh Thư đã cầm tay Đại sứ nói: “Cảm ơn Đại sứ và anh em Đại sứ quán thật nhiều, mong sẽ có ngày được gặp lại”.
“Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực lên án hành động khủng bố làm chết và bị thương nhiều người Việt Nam vô tội và yêu cầu phía Ai Cập sớm mở cuộc điều tra, truy tìm và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố này. Việt Nam kêu gọi chính phủ cùng nhân dân các nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách không khoan nhượng để xây dựng cuộc sống hòa bình và đi lại an toàn tự do cho người dân lương thiện trên toàn thế giới. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực hợp tác của Chính phủ và nhân dân Ai Cập trong việc hỗ trợ điều trị và bảo hộ các công dân Việt Nam bị tấn công trong vụ việc này”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |