Công du châu Âu ‘chữa lành’, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trông cậy vào Hungary và Serbia. (Nguồn: Scmp) |
Rời Pháp với một EC cứng rắn và một Paris đầy toan tính, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dừng chân ở Serbia và Hungary mang theo hy vọng “hạ nhiệt” căng thẳng với châu Âu theo một cách khác. Bởi ít nhất, hai thành viên châu Âu này vẫn kiên trì và ủng hộ xây dựng quan hệ với Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Eurostat, trong năm 2023, 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) có mức thâm hụt thương mại hàng hóa lên tới 292 tỷ Euro (314,72 tỷ USD) với Trung Quốc, giảm so với mức thâm hụt 397 tỷ Euro một năm trước đó nhưng vẫn là mức cao thứ hai từ trước đến nay.
Hơn cả đồng minh?
Giới quan sát bình luận, cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić mang nhiều tính biểu tượng vì đúng với dịp kỷ niệm 25 năm NATO ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Trong khi, Hungary - dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orban lại là một điểm đến “tin cậy” khác với tư cách là tiếng nói thân thiện nhất khi cả EU và NATO đều áp dụng đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Trên thực tế, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Belgrade trong chặng thứ hai của chuyến công du châu Âu đã khơi dậy sự nhiệt tình chưa từng có ở Serbia - một quốc gia thường được coi là một trong những đồng minh trung thành nhất của Trung Quốc ở châu Âu.
“Tôi đã nói với ông ấy rằng, với tư cách là nhà lãnh đạo của một cường quốc, ông có thể nhận được sự trọng thị trên toàn thế giới, nhưng tình yêu mà ông ấy có được ở Serbia sẽ không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác”, Tổng thống Aleksandar Vučić nói sau lễ đón ở Palata Srbije - một khu phức hợp sang trọng được Belgrade sử dụng cho các chuyến thăm cấp nhà nước.
Trong khi, trước giờ đặt chân tới Budapest, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gửi tới Thủ tướng Hungary Viktor Orbán "bức thư tình", nhắc tới kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. “Mặc dù hai nước cách nhau một khoảng cách địa lý rất lớn, nhưng tình hữu nghị giữa Trung Quốc-Hungary vẫn có thể tự hào với một lịch sử quan hệ lâu dài”, bức thư được đăng vào ngày 8/5 trên một tờ báo của Hungary.
Trở lại tháng 10 năm ngoái, khi Trung Quốc trải thảm đỏ đón các nguyên thủ nước ngoài tại Diễn đàn Vành đai và con đường, các nhà lãnh đạo Serbia và Hungary là hai cái tên châu Âu duy nhất trong danh sách khách mời.
Sáu tháng sau, cả Serbia và Hungary là 2 trong 3 điểm đến quan trọng trong lịch trình công du châu Âu đầu tiên sau 5 năm của Chủ tịch Tập. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vấn đề gây xích mích với EU, do căng thẳng thương mại và những nghi ngờ lan rộng về mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow trong xung đột Nga-Ukraine.
Việc lựa chọn "hai điểm đến thân thiện", vốn đang có căng thẳng riêng với Brussels – từ bên trong khối trong trường hợp Hungary và từ bên ngoài trong trường hợp Serbia – được các nhà phân tích ngoại giao coi là lựa chọn “an toàn”.
Một số nhà quan sát tin rằng, chuyến công du sẽ mang đến cho Trung Quốc cơ hội đánh giá cách họ được nhìn nhận ở châu Âu, cũng như củng cố các mối quan hệ đã được thiết lập và đưa ra tầm nhìn về một thế giới đa cực, bằng cách làm nổi bật “vết sẹo” còn sót lại trong mối quan hệ của nước này với phương Tây. Vụ đánh bom ở Belgrade cuối cùng đã được Washington thừa nhận là một sai lầm, nhưng nó vẫn là một điểm nhức nhối trong quan hệ Trung-Mỹ.
Ở điểm dừng chân Hungary và Serbia, Chủ tịch Tập được cho là sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế để củng cố hình ảnh của Bắc Kinh như một đối tác quan trọng ở Trung và Đông Âu. Dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ công bố các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư mới (mặc dù có giới hạn) của Trung Quốc, đồng thời tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế để chứng tỏ nước này tiếp tục giữ vai trò quan trọng với tư cách đối tác then chốt của Trung và Đông Âu.
Chỉ có điều, trong bối cảnh sự hiện diện về tài chính của Trung Quốc trên trường quốc tế đang bị thu hẹp và tham vọng của nước này trong các dự án BRI đang suy yếu, Bắc Kinh gần đây chuyển trọng tâm từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang các dự án “nhỏ nhưng hiệu quả”.
Serbia - đối tác chiến lược của Trung Quốc ở Tây Balkan, đã chính thức trở thành ứng cử viên gia nhập EU. Belgrade và các quốc gia Tây Balkan khác đang trở thành một điểm nóng địa chính trị, nơi các cường quốc khác nhau tranh giành ảnh hưởng.
Bỏ qua những tính toán mang tính chính trị, Hiệp định thương mại tự do mà nước này ký với Bắc Kinh (10/2023) sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2024, theo đó, hàng xuất khẩu từ Serbia sang Trung Quốc bao gồm chủ yếu là quặng đồng và đồng tinh chế. Không chỉ là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai và con đường, Belgrade đã trở thành cửa ngõ quan trọng vào châu Âu cho chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Serbia (chỉ đứng sau EU). Khoảng 10,3 tỷ Euro (11 tỷ USD) đầu tư của Bắc Kinh đã đổ vào Serbia từ năm 2009 đến năm 2021. Đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp.
Serbia được giới quan sát đánh giá là một "lựa chọn an toàn" cho chuyến công du, “đây được coi là chuyến thăm tới một đất nước thân thiện, nơi Chủ tịch Trung Quốc được chào đón nồng nhiệt”. Ông Tập Cận Bình đã mô tả mối quan hệ với Serbia vững chắc như được “bọc sắt” với hàng loạt hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực ô tô, khai thác mỏ, sản xuất kim loại, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời...
Trên thực tế, khi tiếp tục đầu tư vào Serbia, Trung Quốc bị cáo buộc là gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nhưng theo nhà phân tích kinh tế Mijat Lakićević của Tạp chí kinh tế Serbia Novi Magazin, “ở những quốc gia như Serbia, sinh thái vẫn đứng hàng thứ hai sau lợi ích kinh tế”.
Hungary - đối tác lý tưởng của Bắc Kinh
Ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc chuyến công du châu Âu tại Hungary - thành viên EU thường xuyên có mâu thuẫn với Brussels. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hai nước đã "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị" trong những năm gần đây.
Dưới thời của Thủ tướng Viktor Orban, Hungary gay gắt chỉ trích EU và có quan điểm thực dụng về quan hệ kinh tế - thể hiện qua việc nước này tiếp tục và ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Moscow, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine và việc Brussels nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Điều này khiến Budapest trở thành đối tác lý tưởng của Bắc Kinh trong EU.
Theo đánh giá của giới phân tích, Hungary đang trở thành "đầu tàu" của Trung Quốc tại một thị trường châu Âu có tầm quan trọng sống còn đối với "công xưởng của thế giới". Khi Washington đóng cửa và hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ chủ chốt của Mỹ, chẳng hạn như chất bán dẫn, châu Âu là chìa khóa để Trung Quốc đảm bảo đầu ra cho hàng xuất khẩu và khả năng tiếp cận công nghệ cao.
Trong khi toàn bộ EU đang nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng kinh tế, thì Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orban đã tăng gấp đôi việc thu hút thêm đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất xe điện và pin.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Shi Zhiqin tại Đại học Thanh Hoa cho biết, ông kỳ vọng chuyến công du sẽ “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ hiện có với Serbia và Hungary, mang lại sự hợp tác “thậm chí còn tốt hơn” với Bắc Kinh trong tương lai.
Thủ tướng Orban của Hungary cũng nồng nhiệt đánh giá mối quan hệ song phương với Trung Quốc đang đạt đến “tầm cao chưa từng có”. Tất cả những điều này hoàn toàn trái ngược với thông điệp “giảm rủi ro” của EU từ Trung Quốc.