Back to E-magazine
e magazine
13:50 | 28/04/2021
Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

13:50 | 28/04/2021

Những ngày rong ruổi ở vùng "đất lửa" Quảng Trị, tìm đọc lại các tài liệu lịch sử về vùng đất “bị chiến tranh hủy diệt đến 200%” này, bất giác tôi rùng mình.
Món đồ chơi mang tên lựu đạn và chuyện người đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Những ngày rong ruổi ở vùng "đất lửa" Quảng Trị, tìm đọc lại các tài liệu lịch sử về vùng đất “bị chiến tranh hủy diệt đến 200%” này, bất giác tôi rùng mình.

Theo Trung tâm Hành động bom mìn Quảng Trị, sau chiến tranh, Quảng Trị có 391.500/461.297 ha (chiếm khoảng 83,8%) tổng diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại.

Trong chiến tranh, Mỹ đã thực hiện 115.000 phi vụ ném bom với khoảng 1,8 triệu tấn bom đạn các loại, đất và người Quảng Trị chịu nhiều ảnh hưởng rất nặng nề của chiến tranh. Chỉ riêng dọc hai bên sông Bến Hải đã có khoảng 1 triệu tấn bom đạn địch dội xuống. Mùa Hè năm 1972, thị xã Quảng Trị cũng phải oằn mình hứng chịu những trận "mưa bom, bão đạn", có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, ngày 8/4, tại Hà Nội.

Sau ngày tiếng súng vừa ngưng, nhiều nhóm nông dân, thanh niên, chiến sĩ công binh đã tập hợp thành nhóm thực hành tháo gỡ bom đạn để lấy đất canh tác, sinh sống. Phương tiện, kỹ thuật còn hạn chế, việc tháo gỡ bom mìn khi đó chỉ như “liệu pháp tinh thần” giúp người dân mạnh dạn bổ nhát cuốc xuống ruộng đồng. Nhiều nhát cuốc đã trở thành “tử thần”. Và vẫn có hàng trăm người ngã xuống trên mảnh đất quê nhà, ngay sau tiếng cười mừng vui ngày hòa bình vẫn còn vang.

Quảng Trị, vùng đất máu đổ suốt thời chiến vì bom đạn, hàng chục năm sau máu vẫn tiếp tục rơi bởi những quả bom, trái đạn còn nằm sâu trong lòng đất. Những "lưỡi hái tử thần" ấy vẫn hằng ngày rình rập, lạnh lùng cướp đi sinh mạng và làm bị thương gần 8.540, trong đó trẻ em chiếm trên 31%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 13.174 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin và tác hại của chất độc dioxin đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba.

Trước thực trạng trên, năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài luôn nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn và thương vong gây ra bởi bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Công việc của đội rà phá bom mìn được nhiều người gọi là "đi săn tử thần". Hằng ngày, hằng tuần, công việc tiếp diễn mà chỉ cần một tích tắc bất cẩn cũng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình và đồng đội. Thế nhưng, họ vẫn cứ miệt mài dò, đào bới, tách từng lớp đất để biến những vùng "đất chết" trở thành vùng đất sạch và xanh cho khoai sắn, cao su mọc lên, để người dân an cư lạc nghiệp, trẻ em đến trường không còn vất vả, lo âu.

Họ - những người làm công việc rà phá bom mìn, nếu một ngày nào đó thất nghiệp, chắn chắn họ sẽ rất hạnh phúc.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Chiều hôm ấy, chiếc xe chở chúng tôi lao nhanh trên con đường đèo để đến khu vực xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trước khi đội rà phá bom mìn SEDP (thuộc dự án rà phá kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ) do chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên làm giám sát kết thúc ngày làm việc.

Như mọi ngày, Khuyên và đồng đội vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Đội của chị chuyên về rà những khu vực thuộc các dự án phục vụ phát triển kinh tế cho huyện, gồm 17 thành viên, người trẻ nhất sinh năm 1994.

Giữa vùng đất rộng hàng chục ha cằn cỗi nằm gối lên vạt rừng xanh ngát, 2 người trong đội của Khuyên dùng dây chia ô kích thước 50mx50m, rồi lại chia thành các luống ngang chừng 1,5m để rà tìm bom mìn. Khuyên trực tiếp hướng dẫn các thao tác kỹ thuật tỉ mỉ cho mỗi người.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Nguyễn Thị Lệ Khuyên (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn thành viên trong nhóm các thao tác kỹ thuật.

Mỗi lần tiếng máy rà vang lên khi gặp phải kim loại, cả đội vừa mừng, vừa lo. Nếu phát hiện ra vật kim loại, thành viên đội nhanh chóng đánh dấu vị trí. Tiếp đó, một người khác cầm máy dò tay đến kiểm tra, dùng xẻng đào nhẹ lớp đất. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, họ sẽ bóc tách dần lớp đất cho đến khi phát hiện bom, mìn hoặc vật liệu nổ…

Các thành viên trong đội phần lớn là người bản địa. Họ được đào tạo bài bản từ các chuyên gia nước ngoài và không ngừng được nâng cao trình độ. Nhớ lại quãng thời gian khi mới bắt tay vào công việc đi tìm “tử thần” này, Khuyên và nhiều đồng đội từng gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng giờ đây, họ dần bản lĩnh, kinh nghiệm hơn.

“Ngay từ nhỏ tôi đã từng nghe và chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm từ bom mìn chưa phát nổ. Chiến tranh đã qua rất lâu mà đau xót thay, người dân quê hương tôi vẫn ngày ngày đối mặt hiểm họa còn sót lại. Đó chính là lý do thôi thúc tôi đến với công việc này", nữ giám sát đội chia sẻ.

Những ngày đầu, khi mới bước chân vào dự án, Khuyên còn do dự và từng nghĩ khó có thể gắn bó với công việc này vì xa gia đình, con nhỏ, nắng lẫn mưa đều khổ. Giờ thì cả đội đã quen với những đợt gió Lào quạt lửa, hay cái lạnh thấu xương mùa đông.

“Từ lâu, tôi đã không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa. Khi gặp vật liệu nổ, tôi không còn sợ hãi, chỉ hình dung trong đầu các phương án để xử lý. Đó chính là bản lĩnh tôi có được nhờ trải qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp về rà phá bom mìn”, vừa sắp xếp dụng cụ lên xe để kết thúc ngày làm việc, Khuyên vừa nói.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Trò chuyện thêm với Khuyên, tôi được biết, cô cùng đồng đội đã hoàn thành việc rà phá, xử lý vật liệu nổ, làm sạch 19 con đường, 1 trường mầm non, nhà cộng đồng và khu tái định cư trên tổng diện tích gần 30ha. Đội đã tìm thấy tổng cộng 50 vật liệu nổ di chuyển được, 2 vật liệu hủy tại chỗ.

Khuyên cho biết, với những vật liệu nổ không di chuyển được thì cả đội sẽ tiến hành hủy tại chỗ. Những vật liệu được đánh giá không nguy hiểm khi vận chuyển sẽ được đưa về kho, hủy nổ tập trung cách hiện trường rà phá gần 20km.

“Với những vật liệu hủy tại chỗ, trước khi xử lý, chúng tôi báo chính quyền địa phương, đồn biên phòng, cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh khu vực”, Khuyên nói.

Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mọi động tác phải chính xác 100%. Phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và người dân.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Việc vô hiệu hóa bom mìn ở nhiều nơi, trong đó có khu vực biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn vì những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ. Nhưng, sau mỗi lần dò, đào bới, những nơi họ đi qua, màu xanh cây cối và nhiều công trình được mọc lên.

Và sau mỗi hành trình đi tìm “thần chết” ấy, thành quả Khuyên và những người đang hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhận được lớn nhất là gặp người dân lao động trên những mảnh đất đã rà phá bom mìn, trở thành đất sạch và xanh, họ nói giờ đây đã không còn sợ hãi.

"Thậm chí, khi phát hiện ra vật liệu nổ, người dân đã biết và báo cho chúng tôi. Việc học hành của trẻ em nơi hẻo lánh này đã vô cùng khó khăn, trường thì ở xa. Nhưng khi có đất sạch, trường sẽ được xây dựng gần nơi ở, các em tới trường chuyên cần hơn”, Khuyên xúc động nói.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

“Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Trị, nơi khu phi quân sự được sử dụng ngăn cách hai miền từ năm 1954-1975. Chúng tôi đã phải hứng chịu những trận đánh bom kinh khủng nhất trên thế giới”, từng chữ, từng câu dứt khoát, dõng rạc và có phần mạnh mẽ cất lên tại Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, diễn ra vào ngày 8/4.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị, thuộc Quỹ hỗ trợ nhân dân Na Uy (NPA), cô cũng là một trong ba đại biểu phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận.

Tại mảnh đất từng hứng chịu những trận bom kinh hoàng của quân đội Mỹ trong chiến tranh, năm 2009, Linh bắt đầu bước chân vào làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Nguyễn Thị Diệu Linh phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, diễn ra vào ngày 8/4. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ một phiên dịch, Diệu Linh trở thành cán bộ hoạt động hiện trường, rồi đảm nhiệm cương vị quản lý hiện trường vào năm 2015. Cô gái với vóc dáng dường như có phần nhỏ bé coi công việc rà phá bom mìn như một duyên nợ.

Hiện nay, cô là Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 300 nhân viên. Hằng ngày, thành viên trong đội đi đến các làng tìm kiếm và tiêu hủy những vật nổ còn sót lại sau chiến tranh với mong muốn trả lại màu xanh cho vùng “đất chết”.

Nhờ quãng thời gian khi làm phiên dịch, cô mới biết sức ảnh hưởng khủng khiếp của những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đối với người dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vật liệu nổ hằng ngày, vẫn được tìm thấy ở đồng ruộng, trường học hay ngay cả ở trong khu dân cư.

“Tôi nhận ra rằng, những vật lạ mà chúng tôi nhặt được và đem ra chơi hồi nhỏ chính là lựu đạn. Nhưng không phải ai cũng may mắn như chúng tôi”, Diệu Linh nghẹn ngào nói. May mắn là, trong vòng 3 năm qua đã không xảy ra vụ tai nạn nào, nhờ có tăng cường rà soát, phá bỏ và nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Diệu Linh trao đổi với các đại biểu bên lề Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên lề Phiên thảo luận, nói về các thành viên trong đội của mình, cô không khỏi tự hào: "Trước đây, mọi người thường nghĩ, rà phá bom mìn là công việc của đàn ông, vì thế phụ nữ chủ yếu làm công việc y tế trên thực địa. Ngày nay, phụ nữ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn chiếm tỷ lệ 30% và giữ nhiều vị trí trong các tổ chức khắc phục hậu quả bom mìn, từ giám đốc quốc gia, quản lý chương trình, lãnh đạo các nhóm đến nhân viên tìm kiếm và y tế.

Khi tham gia vào công việc này, các nữ nhân viên được tập huấn và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật rà phá bom mìn.

Linh cho biết, mình chưa khi nào thấy sợ khi phải đối mặt với nguy hiểm từ các vật liệu chưa nổ vẫn đang rình rập xung quanh cô và đồng đội mỗi ngày. Cách đây vài năm, một vụ tai nạn bom mìn đáng tiếc xảy ra đã cướp đi sinh mạng một đội trưởng khảo sát kỹ thuật. Tuy rất sốc nhưng cô vẫn giữ được bình tĩnh, xử lý tình huống kịp thời.

“Tôi rất tự hào là một trong những người sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, phụ nữ có thể làm công việc rà phá bom mìn như đàn ông”, Linh nói. Hơn nữa, Linh cho rằng, phụ nữ còn có thể khẳng định vai trò quan trọng và cần thiết trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn cũng như trong chương trình nghị sự lớn hơn về hòa bình và an ninh.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Với Linh, khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị đã có được những thành tựu đáng kể trong giảm thiểu nguy cơ từ các vật nổ, nhưng cô cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều ngôi làng vẫn cần được rà soát và loại bỏ vật nổ, còn nhiều người vẫn phải chịu tác động từ những vật nổ này.

Sự ủng hộ cho lĩnh vực này từ Chính phủ Việt Nam và các nước viện trợ quốc tế, trong đó có Chính phủ Mỹ, Na Uy, Irland, Anh vô cùng quan trọng, giúp đồng nghiệp và cô tiếp tục giữ cho người dân và vùng đất Quảng Trị được an toàn trước những vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Nguyễn Thị Diệu Linh cập nhật cho các đại biểu đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam về tiến độ và kết quả của khảo sát dấu vết bom chùm tại Quảng Trị, ngày 29/3/2021. (Nguồn: NPA)

“Bông hồng thép” từ vùng "đất lửa" Quảng Trị không ngần ngại đưa ra những khuyến nghị nhằm giúp hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được triển khai hiệu quả hơn.

Thứ nhất, nâng cao năng lực quốc gia và tính làm chủ quốc gia để đảm bảo được thành công lâu dài của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Kinh nghiệm chuyên gia từ nước ngoài rất quan trọng đối với hoạt động này ở Quảng Trị. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ người dân Việt Nam tự giải quyết những vấn đề liên quan tới vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chuyên môn của Việt Nam trong 15 năm qua đã giúp dẫn dắt các hoạt động quản lý cũng như trên thực địa.

Phát triển, nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn là một ưu tiên của các tổ chức viện trợ. NPA đã giúp nâng cao cũng như phối hợp giám sát hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của chính quyền địa phương và Chính phủ. Để hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn thành công, khả năng lãnh đạo của chính quyền địa phương và tính chủ động quốc gia là rất quan trọng.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres . (Nguồn: Reuters)

Thứ hai, tất cả các chủ thể khắc phục hậu quả bom mìn ở cấp quốc gia cũng như quốc tế cần phải phối hợp chặt chẽ. Ở các cấp thực địa và quản lý cũng như chính sách phải bảo đảm được sự trôi chảy của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Thời gian qua, Quảng Trị đã đạt được những thành công đáng kể như: Hơn 600 làng đã được rà soát, 21 triệu mét vuông đất đã được loại bỏ bom mìn, 748 nghìn chất nổ đã được hủy và gần 900 nghìn người trong đó có hơn 300 nghìn phụ nữ và trẻ em gái đã được hỗ trợ trực tiếp.

Đây là kết quả rõ ràng của hợp tác chặt chẽ ở Quảng Trị giữa Chính phủ, quân đội, chính quyền, các tổ chức quốc tế và tổ chức viện trợ nước ngoài. Một ví dụ của hợp tác này là hoạt động hằng ngày ở Quảng Trị giữa các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quân đội khi các chiến sĩ đến từng làng để bảo đảm hoạt động rà soát và loại bỏ vật nổ diễn ra suôn sẻ.

Các nhóm hoạt động thực địa của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quân đội làm việc cùng nhau dưới sự điều phối của UBND tỉnh Quảng Trị. Các chủ thể đều hướng tới mục đích chung đặt ra trong kế hoạch 5 năm khắc phục hậu quả bom mìn của tỉnh và hằng ngày phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tất cả mọi người đều có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Đi săn ‘tử thần’ ở Quảng Trị

Thứ ba, cộng đồng quốc tế có thể được hưởng lợi từ kinh nghiệm chuyên môn của các nước chịu ảnh hưởng lâu dài từ vật nổ.

Khi chúng ta thấy ngày càng có nhiều thách thức, nguy cơ mới, xung đột mới, cần phải được hỗ trợ nhân đạo. Chúng ta không nên quên ảnh hưởng của những loại vũ khí đã từng được sử dụng ở Việt Nam.

Những kinh nghiệm và kỹ năng đã được đúc kết ở khu vực này trong một thời gian dài. Tổng kết thường xuyên và ghi chép những bài học có được, chia sẻ những bài học này ở các diễn đàn quốc tế là cách tốt nhất để đảm bảo kiến thức được chia sẻ có tầm ảnh hưởng không chỉ ở một quốc gia.

Cuối cùng, sự tham gia của phụ nữ trong mọi khía cạnh của khắc phục hậu quả bom mìn cần được thúc đẩy và tăng cường. Phụ nữ có thể làm công việc rà phá bom mìn như đàn ông và phụ nữ có vai trò quan trọng, cần thiết trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn cũng như trong chương trình nghị sự lớn hơn về hòa bình và an ninh.

Với hơn một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực rà phá bom mìn, cùng những khuyến nghị, Diệu Linh kỳ vọng việc khắc phục hậu quả bom mìn tiếp tục được nằm trong chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế và những kiến nghị mà cô đưa ra sẽ được xem xét kỹ để tất cả những nước bị ảnh hưởng có thể sống an toàn, công cuộc phát triển sẽ không bị hạn chế bởi những vật nổ này.

Nguyễn Hồng

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.