Trưởng thành từ nhân viên đến vị trí cao nhất là trưởng cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, ông đã tới những địa bàn xa xôi với tinh thần thử thách và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được Bộ giao phó.
Vợ chồng ông Tích sang thăm mẹ Tổng thống Michelle Bachelet vào năm 2015. |
Đại sứ Nguyễn Văn Tích là một trong những ví dụ điển hình của những người ngoài Ngành, làm ngoại giao “tay ngang” nhưng đã nỗ lực rèn luyện qua các lớp bổ túc nghiệp vụ và công tác thực tế để đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp. Được Nhà nước cử đi học tại Cuba từ năm 1968 -1972, sau khi tốt nghiệp ngành Tổng hợp Văn Tây Ban Nha, ông được nhận ngay vào Bộ Ngoại giao và công tác tại Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cuba với công việc phiên dịch ở bộ phận báo chí.
Khoảng thời gian sau này, ông Tích tiếp tục có nhiều năm công tác tại Vụ Cuba – Mỹ Latin, tiếp đến là Vụ châu Mỹ. Ông cũng được luân chuyển công tác tới nhiều nước trong khu vực Mỹ Latin, trực tiếp có mặt trong các sự kiện mở Tổng Lãnh sự quán tại Sao Paulo (Brazil), Venezuela..., đặc biệt là được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Chile kiêm nhiệm Peru và Ecuador từ 2007-2011.
Đại sứ “n trong 1”...
Trong suốt quãng đời làm cán bộ ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Văn Tích luôn có duyên với những địa bàn có biên chế tinh giản và gọn nhẹ. Thậm chí, ở cơ quan mới mở thường chỉ có duy nhất một Trưởng cơ quan đại diện cùng một cán bộ ngoại giao. Sau này, cơ quan phát triển hơn thì có thể có thêm một lái xe hoặc một nhân viên giúp việc. Biên chế ít như vậy, nhưng những đầu công việc vẫn phải thực hiện giống như các nước khác, đòi hỏi lãnh đạo và nhân viên phải phát huy ý thức hợp tác cao độ để có thể hoàn thành nhiệm vụ, kể cả huy động sự tham gia của các phu nhân và người đi theo khi cần thiết.
Ông Tích kể, khi ông làm Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sao Paulo (Brazil), hay Trưởng cơ quan đại diện tại Venezuela làm Đại sứ Việt Nam tại Chile, cơ quan dù hiếm người nhưng vẫn luôn kết hợp với phía bạn tổ chức được nhiều sự kiện có ý nghĩa nhân những dịp lễ lớn. Làm lãnh đạo cao nhất ở cơ quan nhưng ông không nề hà bất kỳ công việc gì từ tổ chức tập hợp cán bộ nhân viên triển khai chương trình công tác đến những công việc mang tính chuyên môn nghiệp vụ như cơ yếu, lái xe, hậu cầu.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao, ông Tích còn may mắn có “cánh tay phải” hỗ trợ đắc lực chính là phu nhân Trần Thị Thu Hương. Vốn đảm đang và khéo léo, bà không chỉ làm tốt vai trò phu nhân ngoại giao, mà còn quán xuyến nhiều công việc khác nhau như giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, chọn các tiết mục văn nghệ kết hợp quảng bá trang phục truyền thống. Là người yêu thích văn nghệ, bà Hương luôn đồng hành và trợ giúp cho ông rất nhiều trong hoạt động văn hóa, hữu nghị. Những lúc ấy phu nhân Đại sứ thường kiêm luôn đầu bếp và trở thành diễn viên biểu diễn nghệ thuật. Mỗi khi có lãnh đạo của Đảng, Nhà nước sang thăm, mọi người đều rất ngạc nhiên và ấn tượng vì Đại sứ quán dù ít người nhưng đều đón tiếp Đoàn rất chu đáo.
...để nhận được “những tấm lòng rộng mở”
Dù địa lý cách trở, nhưng theo ông Tích, người dân ở Mỹ Latin luôn nghĩ đến Việt Nam với tình cảm tốt đẹp, dành sự quý trọng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự ngưỡng mộ về cuộc cách mạng của Việt Nam.
Ông Tích nhắc lại tình cảm của cố Tổng thống Chile Salvador Allende - vị khách quốc tế cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trước khi mất năm 1969, cũng là người đặt cầu nối thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không chỉ vậy, trong những năm kháng chiến 1968 - 1969, hàng nghìn sinh viên Chile đã có cuộc tuần hành đi bộ tới 120km để bày tỏ tình thần đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chống xâm lược.
Chile còn có những người bạn rất đáng quý đến từ Viện Văn hóa Chile – Việt Nam do bà Patricia Abarzua hiện đã gần 70 tuổi làm Chủ tịch. Những người bạn này chủ yếu là các giáo sư, nhân sĩ, thợ thủ công từng ủng hộ và có tình cảm yêu mến Việt Nam. Ông Tích cho biết, những thành viên của Viện Văn hóa Chile – Việt Nam dù nghèo về vật chất nhưng tấm lòng của họ dành cho Việt Nam luôn rộng mở. Họ làm việc tự nguyện dù không có nguồn hỗ trợ tài chính hay văn phòng, trụ sở để hoạt động.
Trong thời gian ông làm Đại sứ, Viện thường xuyên kết hợp tổ chức, hỗ trợ Đại sứ quán tổ chức các triển lãm giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tại các trường đại học và các khu dân cư. Điều đặc biệt là Chủ tịch danh dự của Viện chính là mẹ đẻ của Tổng thống Chile Michelle Bachelet - người từng hoạt động rất nhiệt tình trong phong trào ủng hộ Việt Nam.
Ông Tích kể, mẹ Tổng thống ở một căn hộ khá đơn sơ trên tầng bốn – nơi có một phòng khách nhỏ và khu vườn ở ban công. Vì ở gần nhà bà nên vào cuối tuần, Đại sứ và phu nhân thường sang đây chơi. Thi thoảng, phu nhân còn làm thức ăn mang đến biếu bà, hoặc hướng dẫn làm các món ăn Việt như phở, nem... khiến mẹ Tổng thống rất thích thú.
Thời gian sau khi về nước nghỉ hưu, vợ chồng ông Tích luôn ghi nhớ những kỷ niệm sâu đậm với những người bạn Chile. Đây cũng là một trong lý do khiến ông quyết định tiếp tục hoạt động ngoại giao nhân dân và được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Chile. Ông Tích cho biết, hiện số lượng hội viên của Hội rất khiêm tốn, chủ yếu là số cựu lưu học sinh từng học ở Cuba và sinh viên học tiếng Tây Ban Nha ở Đại học Hà Nội.
Gặp khó khăn nhiều về nhân lực và tài chính, nhưng những thành viên trong Hội vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân đều đặn, kết hợp hỗ trợ các hoạt động của Đại sứ quán Chile tại Việt Nam nhân các ngày lễ của bạn, giúp thu thập thông tin để xây dựng dự án về hỗ trợ nhận nhân chất độc màu da cam, phối hợp triển khai dựng đoạn tranh gốm vào Quốc khánh Chile sắp tới...
Ông Tích cho rằng, có rất nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp bởi Chile là nước có công nghệ tiên tiến về nuôi trồng nông-lâm-hải sản và khai khoáng. Việt Nam có thể tham thảo, học hỏi những kinh nghiệm quý từ phía bạn.