Cuối mùa lũ, gió chướng nổi lên, con nước quay đầu, lũ cá đã trưởng thành lại trở về nguồn. |
Mùa này những bầy cá linh, cá duồn... vừa đi vừa lớn, theo dòng nước lũ từ Biển Hồ đổ về miền sông nước Cửu Long. Từ tháng 7, "tháng bảy nước nhảy khỏi bờ", cá lớn nhanh như thổi. Khi trời chuyển sang thu, tiết trời se lạnh, điên điển vàng đồng, mực nước rút dần cũng là lúc con cá trưởng thành, bụng đầy mỡ và lấp lánh ánh bạc, mọi người tha hồ đánh bắt.
Cuối mùa lũ, gió chướng nổi lên, con nước quay đầu, lũ cá đã trưởng thành lại trở về nguồn. Đây là mùa cá nổi cuối mùa để người dân miền sông nước miền Tây chốt chặn thu gom. Cá về đồng đầu mùa chỉ có một đợt, nếu không bắt được thì chúng trôi tuột về xuôi và biến mất.
Trên cơm, dưới cá
Sáng sớm, trong gió thổi lạnh buốt và sương giăng mờ, nhiều ghe xuồng tập trung ở dọc sông Khánh An, sông Bình Di thuộc huyện đầu nguồn An Phú, nơi được mệnh danh là xứ cá của An Giang. Dưới dòng nước đục ngầu mênh mông, kẻ quăng chài, người thả lưới làm sôi động cả khúc sông. Chúng tôi cởi giầy (thứ đồ xa xỉ và vô dụng đối với dân đánh cá) để bước lên ghe anh Bảy Lù mục kích cảnh đánh cá mùa nước nổi mà theo anh thì "có gì đâu mà xem".
An Phú là nơi chứa một lượng cá khổng lồ hằng năm từ Biển Hồ Campuchia đổ về qua sông Hậu và sông Bình Di. Ngoài mùa nước nổi hằng năm, cứ tới con nước mùng 10/10 và 25/10 âm lịch là người dân An Phú bắt đầu vào vụ làm ăn mới. Ngày nào vợ chồng anh Bảy cũng bơi xuồng theo hai con sông trên để chài, đón con nước cá ra. Mỗi ngày trung bình vợ chồng anh kiếm khoảng 20 - 30kg. Cá linh, cá chốt thì cắt đầu làm mắm, còn cá chạch, cá lăng thì bán cho thương lái ở Châu Đốc.
Chỉ trong khoảng nửa tiếng và di chuyển trong 20m2 theo dọc bờ sông Châu Đốc thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sảng đã kiếm được hơn 4kg cá trắng đủ loại. Thỉnh thoảng, anh Sảng vừa la oai oái vừa chưởi thề vì bị cá chốt đâm ngạnh vào tay. Anh cho biết, hơn 10 năm trước cá chốt là nỗi lo sợ của ngư dân chứ không phải là đặc sản như bây giờ. Đi chài cá mà quăng nhằm bầy cá chốt thì có nước khóc ròng, phải treo chài lên cây, bẻ gai gỡ cá cả buổi. Khi trời sa mưa, cá chốt đẻ nổi ngầu mặt ruộng.
Xuôi theo dòng kênh Vĩnh Tế về huyện Tịnh Biên, tại các con đập Trà Sư, Tha La cũng náo nhiệt không kém. Người dân tập trung trên các con kênh, con đập mà đánh bắt cá bằng ghe cào, xuồng chài, câu, lưới, đặt lợp, đặc dớn... Phía trên cầu Tha La, hàng chục tay câu liên tiếp giựt cần, kéo lên những con cá lăng vàng ươm. Có người câu được 4 - 5kg cá lăng trong ngày. Loại cá này là đặc sản, chỉ xuất hiện trong các nhà hàng lớn. Anh Dư, một tay câu sành sỏi tiết lộ: "Mồi câu cá lăng phải chế biến từ cá linh ủ thuốc và gòn, thả câu sát đáy và kéo rê vào bụi rậm, gốc cây, hễ cá đớp là giật liền. Mỗi chỗ dính 2, 3 con thì dời nơi khác câu".
Cá linh - món quà thiên nhiên hào phóng
Về Châu Đốc, tại kênh 10 ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Tế, hơn 50 đầu xuồng ghe tập trung bủa cá. Vợ chồng anh Minh chị Mận đang quăng chài bắt cá cho biết, chỉ riêng con nước vừa rồi, anh đã chài hơn 2 tạ cá linh. Nơi đồng Láng Linh thuộc 3 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, vô số xuồng câu đang buông lưới và đặt dớn (bẫy tre đón cá). Những giác lưới trắng cá mà cá linh vẫn là "chủ đạo".
Cá linh là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước miền Tây. |
Trong "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức đã gọi loài cá trắng nhỏ này là "linh ngư". Theo học giả Vương Hồng Sển, tương truyền khi Gia Long bôn tẩu, chuẩn bị từ Vàm Nao ra biển thì bỗng có đàn cá nhỏ phóng vào thuyền. Vua cho là điềm xấu nên không đi... Thực hư thế nào không biết nhưng cá linh đúng là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước miền Tây.
Chưa nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như ở sông Hậu và sông Tiền và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Đồng bằng sông Cửu Long như cá linh. Mùa nước tháng 10 âm lịch là cá lũ lượt đổ ra sông rồi "xông" vào các miệng đáy. Người ta phải đổ đáy, lựa cá cả đêm vì nếu trễ có khi cá vào nhiều làm sập đáy. Trung bình mỗi mùa "cá lên" mỗi nhà thu hoạch hàng tấn cá là thường.
Phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông khiến cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết. |
Nhưng gần đây do người dân khai thác quá mức lúc cá còn nhỏ bằng đủ loại phương tiện như cào, đăng xanh, xung điện... nên nguồn cá ngày càng kiệt. Việc khai thác quá mức và phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông như đóng đáy, chận đăng, đặt gọ, dớn, kéo lưới, kéo vó, chài... mạnh ai nấy bắt, cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết. Ngoài ra, việc đắp đê bao cấy lúa hai, ba vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho nguồn cá linh ngày càng giảm đi nhiều.
Ông Bốn Tánh, ngư dân ở An Phú chuyên nghề đặt đú trên những cánh đồng biên giới cho biết: "Càng ngày lượng cá càng ít đi thấy rõ. Trước đây, mỗi ngày tôi trút đú cả tấn cá, chở đầy xuồng. Còn hai năm gần đây kiếm vài chục ký không ra".
Theo Bee.net.vn