📞

Địa phương bàn giải pháp phát triển lĩnh vực khuyến công

Vân Chi 15:44 | 17/05/2024
Chiều 16/5, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 18. Hội nghị nhằm xây dựng mối liên kết trong phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi)

Hội nghị là sự kiện do Bộ Công Thương và UBND TP. Hà Nội chủ trì, giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khuyến công năm 2023, các giải pháp thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2024.

Các địa phương cũng trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công trong năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng thời, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công tại địa phương qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung… cho phù hợp thực tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công Thương (Bộ Công Thương) Dương Quốc Trịnh cho biết, sản xuất công nghiệp cả nước những tháng đầu năm 2024 đã có sự tăng trưởng đáng kể. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó khuyến công tiếp tục là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng.

“Năm 2024 là năm tăng tốc Chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành mục tiêu chương trình; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác khuyến công, các địa phương tập trung đánh giá tác động của công tác khuyến công trên địa bàn, nêu những khó khăn và giải pháp hoàn thành Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có khó khăn về chính sách”, ông Dương Quốc Trịnh đề nghị.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay ngành Công Thương đã hỗ trợ các tỉnh, thành giúp 57 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ được 701 gian hàng tiêu chuẩn cho gần 300 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.

Ngoài ra, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 245 lượt cơ sở; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và trưng bầy quảng bá sản phẩm cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó ngành công thương đã tư vấn phát triển công nghiệp cho 62 dự án, với doanh thu đạt 4,87 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, đạt 153,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, các địa phương đã hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, lĩnh vực công nghiệp nông thôn không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố nói chung mà còn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân.

Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện công tác khuyến công của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đã đào tạo 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22 nghìn lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động các tỉnh miền núi phía Bắc; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở nông thông; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư kinh phí để thực hiện các nội dung nhằm đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội cũng gặp một số khó khăn như cơ chế, chính sách cho chương trình còn chưa cao; một số cơ sở sản xuất năng lực còn hạn chế, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, chuyển đổi số, cải tiến mẫu mã, bao bì còn chưa cao...

Qua kinh nghiệm Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch khuyến công phải được phân công, phân cấp cụ thể cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện hoạt động khuyến công; nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động khuyến công; hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách; thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế chính sách của Thành phố trong lĩnh vực Công Thương...

Tại Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển các tỉnh như Hà Nam, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa..., đại điện Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá thuộc Bộ, đại diện các doanh nghiệp... về những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tế quản lý nhà nước.

Từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công phát huy lợi thế. Đồng thời, xây dựng, định hình các mối liên kết hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, đã diễn ra lễ trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XIX, năm 2025 cho đơn vị được đăng cai tổ chức.