Nhỏ Bình thường Lớn

Địa phương với hội nhập quốc tế từ năm 2015

Ngày 1/7, tại Thái Nguyên, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Toạ đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”. Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những thách thức đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với địa phương và doanh nghiệp khi nước ta hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới từ năm 2015. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Toạ đàm.

Tham dự Tọa đàm có trên 100 đại biểu, là lãnh đạo, cán bộ các Sở, Ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp của 14 tỉnh/thành Bắc bộ gồm: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Vĩnh Phúc. Diễn giả tại Toạ đàm là chuyên gia, nhà quản lý của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Ngoại giao.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hội nhập quốc tế giai đoạn mới đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách, cần có sự thống nhất về tư duy cũng như cách thức triển khai, từ trung ương đến địa phương. Từ 2015, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào liên kết quốc tế và khu vực với việc tham gia Cộng đồng ASEAN 2015, thực hiện các cam kết WTO và triển khai 8 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đi tới hoàn tất đàm phán 7 Hiệp định mới. Chính vì vậy sự chủ động, tích cực tham gia và phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khu vực phát triển năng động, việc đẩy mạnh triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, tham gia các FTAs sẽ đem lại cho các địa phương trong vùng nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác phát triển. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh công tác đối ngoại và các hoạt động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá... Thông qua các hoạt động này góp phần thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng Tọa đàm lần này cũng là dịp để các tỉnh giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật thông tin về tình hình thế giới, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; về tình hình triển khai các hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội gắn với hội nhập và phát triển.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Trong một ngày làm việc, các đại biểu đã nghe và thảo luận hàng loạt các chuyên đề “Hội nhập quốc tế giai đoạn mới - những vấn đề đối với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam”; “Cộng đồng ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức đối với tỉnh/thành”; “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Việt Nam”; “Thách thức đối với cải cách và doanh nghiệp tại các địa phương vùng Bắc Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015”…

Đáng chú ý, theo Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững, các địa phương không còn lựa chọn nào tốt hơn là tiếp tục quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng.

Đại sứ đã đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh, địa phương cần xây dựng và triển khai Chương trình hành động của địa phương để thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Địa phương cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo và lựa chọn công nghệ xanh. Cùng với đó, địa phương cần đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, dịch vụ; chú trọng khai thác thị trường trong nước; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo đội ngũ nhân lực…

Dự kiến trong 5 năm tới, Việt Nam có ít nhất 15 FTA (Hiệp định thương mại tự do) với 57 đối tác, trong đó 8 FTA với 17 đối tác mà hiện nay đã ký, chiếm 95% GDP toàn cầu, 84% thương mại và 65% dân số thế giới.

Theo Tiến sĩ Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thì tác động tổng thể của hội nhập với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, “nhưng không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp”. Với doanh nghiệp, ông Thành nói “lợi ích không tự đến” như TPP, dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ để được áp thuế xuất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Hay như thuỷ sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS có thể trở nên ngặt nghèo hơn.

Ông Thành “hiến kế” với doanh nghiệp học cách tìm kiếm cơ hội kinh doanh theo chuỗi giá trị hoặc xác định đúng năng lực trong mạng sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần “học” kết nối với các công ty đầu đàn cùng chấp nhận cạnh tranh; cách huy động vốn; quản trị; đồng hành cùng chính phủ và đối thoại pháp lý. Tiến sĩ Thành khẳng định, hội nhập phải là một bộ phận trong cải cách và chiến lược phát triển, gắn bó hữu cơ với tiến trình cải cách bên trong của đất nước.

Cũng tại Tọa đàm, các diễn giả chính đã trực tiếp đối thoại, trao đổi với các đại biểu địa phương, doanh nghiệp để cùng nhau làm rõ hơn những yêu cầu mà quá trình hội nhập đặt ra.

Tuấn Anh