Thay vì phải chờ đến phiên hội chợ, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã được giao dịch trực tiếp qua sàn thương mại điện tử của tỉnh. (Nguồn: BQN) |
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới virus corona (SARS-CoV-2), khi nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, giảm mạnh thì 2 tháng đầu năm 2020, lượng giao dịch qua sàn thương mại điện tử sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) Quảng Ninh (tại địa chỉ http://teqni.gov.vn) vẫn tăng mạnh. Số lượng, giá trị các đơn hàng cũng tăng, có ngày đạt tới 100-150 đơn hàng.
“Trái ngọt” từ sàn thương mại điện tử
Theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Quảng Ninh Vũ Bình Minh, việc xúc tiến sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử được Quảng Ninh quan tâm từ năm 2009, ngay khi sàn thương mại điện tử được tỉnh cấp phép thành lập.
Đến năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại được giao quản lý sàn, đồng thời nâng cấp sàn thương mại điện tử theo dự án phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Hoạt động của sàn thời điểm đó chủ yếu gắn với địa chỉ quảng bá xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản và phục vụ chương trình OCOP của tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nguyễn Kiên chia sẻ, khi xu thế mua sắm trực tuyến bùng nổ, Quảng Ninh đã chủ động đầu tư nhân lực, công tác quản lý, giới thiệu và động viên các doanh nghiệp OCOP gửi sản phẩm quảng bá, giao dịch trên sàn; kết nối sàn qua đa đạng kênh quảng bá.
Tỉnh cũng chú trọng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao khả năng giao dịch, thúc đẩy quảng bá, tạo điều kiện tối đa cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng sản phẩm OCOP. Sàn được giới thiệu rộng rãi để người tiêu dùng dễ tiếp cận tại tất cả các hội nghị, hội chợ về OCOP; tạo điều kiện để doanh nghiệp được giới thiệu sản phẩm trên sàn mà không chịu bất cứ chi phí nào. Hiện tại, thay vì phải chờ tới các kỳ hội chợ OCOP, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm chỉ với vài thao tác đơn giản, nhanh chóng thông qua kênh thương mại điện tử này.
"Để theo kịp xu thế phát triển và thu hút khách hàng, gần đây, đơn vị quản lý sàn đã chọn những dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp nhất thị trường hiện tại như: VNPT, Viettel và Giao hàng nhanh (GHN Express) để đảm bảo thời gian giao hàng, thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, sàn cũng được quảng bá gắn với các thương hiệu thương mại điện tử lớn như: Lazada, Sendo, Tiki... và hệ thống các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử toàn cầu như: Amazon, Facebook, Zalo, Traveloka, Foody... Điều này giúp tăng cường liên kết với người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh", ông Nguyễn Kiên nói.
Bằng những cách làm trên, sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng kể, trở thành một kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP uy tín. Số lượng sản phẩm OCOP giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh khá phong phú, gồm các sản phẩm mới, đạt sao và đạt chất lượng (chủ yếu là thực phẩm và thảo dược).
"Hoạt động thương mại điện tử từ sơ khai đã có một diện mạo mới. Sàn hiện đa dạng, với hơn 200 sản phẩm OCOP (từ 3 - 5 sao) cùng một số sản phẩm OCOP, nông đặc sản đặc trưng, có tiềm năng trên thị trường nông sản trong nước", Giám đốc Nguyễn Kiên nhấn mạnh.
Thêm vào đó, thông tin, hình ảnh sản phẩm được cập nhật chi tiết; giao diện thân thiện, dễ tiếp cận khách hàng. Sàn dần chiếm được sự quan tâm lớn, lượt truy cập liên tục tăng, đạt trung bình 28 nghìn lượt/tuần, cao hơn con số 11-12 nghìn lượt/năm (thời điểm trước 2016). Trong đó, lượng đơn đặt hàng cũng tăng mạnh, đạt trung bình 50-70 đơn hàng/ngày.
Doanh thu từ các sản phẩm OCOP trên sàn cũng đang tăng nhanh. Nếu năm 2017, tổng doanh thu chỉ là 28,7 triệu đồng; năm 2018 đạt hơn 71,4 triệu đồng thì năm 2019, doanh thu đã đạt được 400 triệu đồng. Sàn được Bộ Công Thương đánh giá là 1 trong 10 sàn thương mại điện tử tốt nhất cấp tỉnh/thành phố; chỉ đứng sau sàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Đáng chú ý, các tương tác với sàn thông qua phản hồi trực tiếp, email, liên hệ qua điện thoại đã tăng lên đáng kể. Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, hàu sữa chưng thịt, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, nước mắm Cái Rồng, ruốc trai, ruốc hàu... Khách hàng ở Đà Nằng, Hải Phòng cũng trực tiếp liên hệ để làm đại lý lấy nguồn cung các sản phẩm như: Sá sùng, ruốc trai, ruốc hàu... để xuất khẩu. Sàn dần vươn xa, đưa thương hiệu OCOP Quảng Ninh tới nhiều thị trường lớn, tiềm năng như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Trên sàn giao dịch điện tử tỉnh Quảng Ninh, thông tin, hình ảnh sản phẩm OCOP được cập nhật chi tiết; giao diện thân thiện, dễ tiếp cận khách hàng. (Nguồn: BQN) |
Chủ động giải quyết bất cập
Có thể thấy rõ sự thay đổi, tiềm năng của hoạt động thương mại điện tử sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, so với thực tế, việc phát triển thương mại điện tử hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể như hạ tầng kỹ thuật sàn còn lạc hậu, nhiều chức năng còn thô sơ, giao diện cần hiện đại hơn và vẫn còn hạn chế trong việc thanh toán trực tuyến. Điểm bất lợi của sàn là các phần mềm ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại di động (App) đang bùng nổ nhưng sàn thương mại điện tử của tỉnh vẫn chưa có ứng dụng App trên điện thoại.
Bên cạnh đó, dù đã gặt hái được những thành quả nhất định nhưng sàn chưa được quảng bá, truyền thông rộng rãi, gắn với các thương hiệu thương mại điện tử lớn hay phổ biến với người dùng. Vì vậy, xúc tiến mạnh thương mại điện tử sản phẩm OCOP, nhất là tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang cản trở phần nào hoạt động kinh doanh, cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng về nguồn lực, về kỹ thuật và cả sự quan tâm đầu tư lớn từ Nhà nước.
Được biết, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển nâng cao hiệu quả của sàn giao dịch chuyên về hàng nông sản, đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh; đẩy mạnh liên kết với các đối tác, website chuyên ngành du lịch, ẩm thực như: Agonda, Traveloka... để tăng cường quảng bá sản phẩm.
Đồng thời, Tỉnh đang có kế hoạch triển khai các ứng dụng App chuyên biệt cho điện thoại di động, cung cấp bộ lọc, công cụ tìm kiếm nhanh, dễ dàng hơn nhằm theo kịp xu hướng thương mại điện tử thời đại 4.0, đáp ứng nhu cầu giao dịch nhanh, hiện đại và hướng tới người tiêu dùng.