Người dân tới sân bay ở Melsbroek, Bỉ, sau khi được sơn tán khỏi Afghanistan. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu họp báo tại Sarajevo bên cạnh các nhà lãnh đạo Bosnia và Herzegovina, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Chúng tôi đã làm những gì nằm trong trách nhiệm của chúng tôi và đến tối nay, tất cả nhân viên đã được sơ tán. Sẽ chỉ có một nhóm kỹ thuật nhỏ được giữ lại".
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, không rõ Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ rơi vào một cuộc xung đột như thế nào tại Afghanistan. Tuy nhiên, ông khẳng định "rõ ràng đây là một cuộc chiến của các tổ chức khủng bố".
Cùng ngày, ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio thông báo, chuyến bay sơ tán cuối cùng của nước này đã rời khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan, chở theo các công dân Afghanistan cũng như các nhà ngoại giao và quan chức quân đội Italy.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Italy cho hay, các máy bay của bộ này đã sơ tán khẩn cấp 4.800 công dân Afghanistan ra khỏi quốc gia Tây Nam Á như một phần nỗ lực sơ tán quốc tế sau khi Taliban bất ngờ giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào giữa tháng 8.
Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cũng tuyên bố, nước này đã kết thúc hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan sau khi hồi hương 387 người trong vòng 2 tuần với sự trợ giúp của quân đội Đức.
Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, vẫn còn 11 công dân nước này ở Afghanistan, một số người làm việc cho các tổ chức quốc tế và bộ vẫn giữ liên lạc với họ.
Cũng trong ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Na Uy thông tin, đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Afghanistan khi 2 máy bay cuối cùng hạ cánh ở Oslo. Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho hay "máy bay cuối cùng của Na Uy khởi hành từ Kabul vừa hạ cánh", trên máy bay có khoảng 20 người.
Cùng với một máy bay hạ cánh vào sáng 27/8, hơn 1.100 người đã được đưa từ Afghanistan tới Na Uy kể từ khi Taliban giành quyền lực tại Kabul. Trong số những người Afghanistan được đưa tới Na Uy có cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Nargis Nehan.
Hiện có khoảng 30 bác sĩ quân y Na Uy ở lại một bệnh viện dã chiến tại sân bay Kabul để điều trị cho hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom hôm 26/8 do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nhấn mạnh, chưa thể nói chính xác thời điểm các lực lượng nước này rời khỏi Kabul, song Oslo đang xúc tiến chuẩn bị.
Thụy Điển, quốc gia láng giềng của Na Uy, cũng đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Kabul vào ngày 27/8, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng các khoản viện trợ phát triển cho Afghanistan dưới chính quyền mới của Taliban.
| Mỹ rút khỏi Afghanistan, cục diện Trung Á sẽ đi về đâu? Mỹ rút quân và chiến thắng của Taliban ở Afghanistan đã để lại khoảng trống quyền lực ở Trung Á, song liệu Trung Quốc và ... |
| Ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định, nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công quanh sân bay Kabul gia ... |