Vụ việc làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng động tại TP. Hồ Chí Minh của bệnh nhân tiếp viên hàng không (BN1342) vừa qua khiến cộng đồng mạng dậy sóng. (Ảnh: Tuoitre) |
Đến thời điểm này, có lẽ ai cũng hiểu rõ sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trở thành đại dịch toàn cầu từ đầu năm nay. Theo đó, từ thành thị tới thôn quê, câu chuyện về Covid-19 đã không còn xa lạ khi dịch bệnh đã khiến hơn 63 triệu người nhiễm trên thế giới, gây ra cái chết cho hơn một triệu người. Sự lây lan của dịch Covid-19 là không tưởng.
Sự lo lắng của mọi người về Covid-19, ngoài khả năng giết người, còn là tác hại suy kiệt kinh tế mà nó mang lại. Có những lúc Chính phủ đã ra lệnh “giãn cách xã hội” ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - những địa phương đi đầu trong đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân. Bức tranh kinh tế trong thời kỳ Covid-19 hoành hành mang màu xám khi số người thất nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu nhập của người dân cũng bị thu hẹp.
Con số người thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê công bố được xem là cao nhất thập niên qua, khi có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch. Họ có thể là người mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Kết thúc quý III năm 2020, con số trên đã lên tới 31,8 triệu người, trong đó, lao động bị giảm thu nhập là 69%; lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh khoảng 14%.
Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi bão lụt miền Trung hoành hành suốt tháng 10 và đầu tháng 11, khiến nỗi lo toan thêm đè nặng. Tuy nhiên, với quyết tâm chống dịch của Chính phủ, cùng sự chia sẻ của người dân, tất cả cùng chung tay vượt qua khó khăn, mọi thứ yên ổn với niềm tin cuối năm bức tranh sẽ sáng hơn. Cho đến khi ca nhiễm 1342 được công bố, khiến người dân cả nước như bị tạt một gáo nước lạnh.
Ngay lập tức, BN1342 trở thành tội đồ gieo rắc virus SARS-CoV-2 bị cộng đồng mạng thóa mạ. Ngay cả khi tiếp viên hàng không này đã lên tiếng xin lỗi và cảm thấy rất ân hận thì một số người vẫn không buông tha. Họ vẫn dành những lời miệt thị, kết tội, ném về anh sự tức giận và vô số những lời cay nghiệt được bung ra.
Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, chỉ cần một chút chủ quan, mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, người dân sẽ đổ sông đổ biển. (Ảnh: Thanhnien) |
Rất may, đến thời điểm này, sau hơn một tuần quyết liệt chống dịch, kể cả động thái khởi tố hình sự BN1342, thì sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, có thể nói, đây là bài học sâu sắc trong câu chuyện chống dịch ở nước ta.
Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, chỉ cần một chút chủ quan, mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, người dân sẽ đổ sông đổ biển. Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngoài sức khỏe, tinh thần của cộng đồng, còn là miếng cơm manh áo của hàng chục triệu người dân Việt Nam.
Do vậy, việc giữ gìn, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch không chỉ cho bản thân mà còn cả đất nước. Việc để lây lan Covid-19 ra cộng động sẽ không còn là của cá nhân mà hậu quả rất lớn, không thể tưởng tượng được.
Hiện tại, với nguyên tắc 5K, bao gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế, mỗi người cần tuân thủ một cách bắt buộc. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", "phòng cháy hơn chữa cháy" là lời khuyên nhủ, đúc kết rất đúng, rất chí lý của ông bà xưa khi áp dụng trong thực tế hiện tại.
Nghĩ tới cộng đồng, trong đó có gia đình mình, mỗi người hãy cùng gieo mầm ý thức sống tử tế, tốt đẹp trong thời buổi dịch bệnh với nhiều nguy cơ. Khó khăn nào rồi cũng qua, dịch bệnh sẽ được khống chế trong tương lai, chúng ta có quyền hy vọng sớm làm được điều đó khi vaccine “made in Vietnam” sắp đưa vào thử nghiệm trong thời gian ngắn tới đây. Trên thế giới, nhiều nước cũng chung nỗ lực như vậy, vì Covid-19 đã tàn phá kinh tế quá lớn.
Không ai muốn cuộc sống của mình bị đảo lộn và tiếp tục lao dốc vì đại dịch Covid-19. Từ vụ BN1342, công tác phòng chống dịch của các ngành chức năng, địa phương… cũng cần được giám sát chặt chẽ hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc, để không còn những kẽ hở nguy hiểm, bởi một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một khu rừng.
Đúng là Vietnam Airlines đã chủ quan, trong khâu giám sát còn kẽ hở nào đó chưa được bịt kín. Thực tế, chúng ta chưa thể hoàn toàn đặt niềm tin vào sự tự giác, tuân thủ quy trình phòng chống dịch của một con người. Ai sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó, dù sự tức giận của cư dân mạng có nguyên do nhưng thóa mạ bệnh nhân gây nhiễm và cả những tiếp viên hàng không khác, đã đúng chưa?
Sự thiếu trách nhiệm, sự thiếu ý thức của BN1342 rồi sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng. Nhưng chúng ta, xin thôi phát ngôn tục tĩu, nguyền rủa, thay vì ném những thóa mạ về phía tiếp viên hàng không, hãy cùng nâng cao ý thức cảnh giác trong phòng chống dịch. Đó cũng là cách tôn trọng chính mình.
| Covid-19 ở Việt Nam: Để không phải ‘thả gà ra đuổi’ TGVN. Trong việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, vai trò của từng cá nhân rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu ... |
| Nghĩ về trường hợp tiếp viên hàng không Vietnam Airlines gây nhiễm Covid-19 TGVN. Những lời nặng nề về bạn tiếp viên hàng không Vietnam Airlines những ngày gần đây khiến cổ họng tôi cảm thấy đắng ngắt… |
| Dịch Covid-19 ở Việt Nam: Nghĩ đến trách nhiệm xã hội và bài học đắt giá về sự chủ quan TGVN. Trong suốt gần một năm qua đã cho thấy khá nhiều bài học đắt giá về sự chủ quan, thiếu trách nhiệm, ‘kẽ hở’ ... |