📞

Dịch Covid-19 ở Việt Nam: Nghĩ đến trách nhiệm xã hội và bài học đắt giá về sự chủ quan

Quốc Phong 10:39 | 04/12/2020
TGVN. Trong suốt gần một năm qua đã cho thấy khá nhiều bài học đắt giá về sự chủ quan, thiếu trách nhiệm, ‘kẽ hở’ trong phòng chống dịch Covid-19. Khi một cá nhân, tổ chức nào đó tuân thủ chưa nghiêm túc, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng thành ‘cái ung’, thậm chí ‘đổ sông đổ bể’ thành quả của gần trăm triệu dân Việt Nam.

Dịch Covid-19 quay lại cộng đồng sau 88 ngày là một bài học đắt giá về sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của mỗi cá nhân. (Ảnh: Dantri)

Từ những kẽ hở chết người

Khi nền kinh tế thế giới hết sức khó khăn bởi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp địa cầu thì Việt Nam đang là một điểm sáng được thế giới đánh giá cao. Đó là sau những gì chúng ta chống chọi, khắc phục có phương pháp, bài bản và được người dân đồng thuận. Chúng ta đã có thể vực dậy nền kinh tế đất nước, vượt qua đại dịch mà vẫn tăng trưởng dương (trong khi trên thế giới rất nhiều quốc gia tăng trưởng âm) quả là rất đặc biệt.

Thế nhưng, chỉ một sự chủ quan, vô trách nhiệm của một vài cá nhân nào đó, một đơn vị, tổ chức nào đó tuân thủ không nghiêm túc cũng có thể “đổ sông đổ bể” tất cả những thành quả của gần trăm triệu con người Việt Nam đã và đang vất vả mới có được.

Dịch Covid-19 quay lại cộng đồng sau 88 ngày, lại lây nhiễm ngay trong khu cách ly và đã cách ly nhưng không an toàn. Vậy kẽ hở nào ở đây? Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng thành “cái ung”, nỗi lo lắng dịch bệnh quay lại thường trực đối với mỗi người dân.

Trong suốt gần một năm qua đã cho thấy khá nhiều bài học đắt giá về sự chủ quan, thiếu trách nhiệm, kẽ hở trong phòng chống dịch bệnh đã khiến môi trường xã hội của một vài địa phương trở nên đảo lộn, kinh tế bị ảnh hưởng.

Một trường hợp bệnh nhân (số 17) trốn cách ly sau khi đi du lịch châu Âu trở về Hà Nội hồi đầu của dịch tuy cũng rất đáng trách, nhưng do lúc đó còn quá mới mẻ, nhận thức về tác hại của SARS-CoV- 2 cũng chưa cao nên cũng có thể xem như một bài học cho tất cả chúng ta, không chỉ riêng bệnh nhân số 17.

Tiếp đó là dịch tái phát trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng cũng có phần do chủ quan, do quản lý chưa chặt chẽ, trong đó có việc để lọt người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới đất liền bằng đường mòn, lối mở. Điều này cũng gây biết bao hệ lụy, để rồi cả Đà Nẵng, từ một thành phố du lịch sầm uất đã vô cùng khó khăn mới vượt qua sau vài tháng.

Những tưởng bấy nhiêu bài học đã quá đủ để mọi công dân nhận thức rõ và thấy cần có trách nhiệm chung với quốc gia, dân tộc. Thế nhưng, sau 88 ngày đất nước không có trường hợp SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng thì vừa rồi đã lại xuất hiện một trường hợp trong diện cách ly sau khi làm nhiệm vụ công tác về nước.

Bệnh nhân là tiếp viên hàng không, có tiếp xúc với đồng nghiệp mắc bệnh trong khu cách ly, ở thời điểm cả hai đều chưa biết tình trạng của mình. Khi bệnh nhân chuyển nơi cách ly, dù vẫn còn trong thời gian cách ly 14 ngày đã có tiếp xúc với cộng đồng, làm lây ra 3 người khác tính đến chiều 1/12.

Cụ thể, bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không. Khi thực hiện chuyến bay thương mại từ nước ngoài trở về anh đã nằm trong diện phải đi cách ly tại nơi quy định của Đoàn tiếp viên. Tiếc rằng quy định của đơn vị này đã không tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ theo những gì đã thuộc về nguyên tắc chung của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia. Sau 2 lần xét nghiệm, khi thấy âm tính, đơn vị đã cho nhân viên về nhà để tự cách ly.

Khi về nơi trọ, bệnh nhân đã quá chủ quan và vô cùng thiếu trách nhiệm nên đã vi phạm hàng loạt quy định trong quá trình tự cách ly của mình như đến trường để học thêm tiếng Anh, đi quán xá, rủ bạn về nhà ngủ và sinh hoạt chung, tiếp xúc gần với mẹ và một bạn nữ khác...

Thật không thể hiểu nổi những hành vi vô ý thức, thiếu trách nhiệm đến vậy khi chính họ vốn là tiếp viên hàng không. Ngày ngày anh ta đều có trách nhiệm hướng dẫn hành khách cách phòng ngừa dịch bệnh chốn đông người. Điều này còn nhìn ở góc độ giáo dục và phông văn hóa của mỗi người.

170 nghìn học sinh , sinh viên, từ tiểu học đến đại học của TP. Hồ Chí Minh đã buộc phải nghỉ học để cách ly, trong đó có cả nghìn người phải xét nghiệm cấp tốc đã cho thấy sự phức tạp đến cỡ nào.

Trước đó, đã có những địa bàn phải cách ly toàn bộ như ở phường Trúc Bạch (Hà Nội), mấy phường và quận tại Đà Nẵng... đã khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn trong khi chúng ta vẫn phải hoạt động để phát triển.

Điều đáng lo, TP. Hồ Chí Minh lại là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước bởi tổng ngân sách của thành phố này đóng góp cho quốc gia cực lớn. Điểm tăng trưởng này cũng sẽ kéo theo con tàu cả nước đứng lại hay tiến lên vì nó sẽ chịu sự tác động từ đây. Ấy vậy mà thành phố lớn này lại bị những cá nhân làm cho khốn đốn.

Để quy trình chống dịch kín kẽ, cần trách nhiệm xã hội

Đã có hàng loạt biện pháp được triển khai trong những ngày vừa qua để gia cố những chỗ đang bị hở trong quy trình phòng chống dịch.

Tôi rất chia sẻ với Hãng hàng không quốc gia VietNam Airlines trong suốt những tháng qua họ đã vất vả, vật lộn với đại dịch ra sao. Cho đến ngày hôm nay, hãng đã thực hiện hàng trăm chuyến bay giải cứu với hàng chục nghìn người Việt ở khắp các vùng dịch trên thế giới được trở về quê hương. Họ đã làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho và là điểm sáng thật hiếm hoi trên thế giới khi làm tốt việc này.

Tiếc rằng, sự cố tiếp viên hàng không VietNam Airlines thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, cùng với đó hãng sẽ bị tổn thất trong thời gian tới vì bị ngừng các chuyến bay thương mại với các nước. Thiệt hại về kinh tế xã hội này thật chưa hình dung hết. Tất cả cũng chỉ do sự vô trách nhiệm của một vài cá nhân.

Việc quyết định khởi tố hình sự vụ án làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng vừa được các cơ quan tố tụng ký, ban hành là cách làm rất đúng. Nó sẽ giúp răn đe các hành vi vô trách nhiệm tương tự có thể xảy ra.

Và có lẽ, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng bởi sự thiệt hại kinh tế mà chưa ai tính được, thậm chí nó có thể phá hoại đến mức tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Có thể nói, 2020 là một năm rất khó khăn với tất cả ngành nghề. Nhưng ngăn chặn dịch là yêu cầu tối quan trọng. Tuy nhiên, muốn chặn dịch bùng phát thì các kẽ hở phải được bịt kín. Rất may, Chính phủ, Bộ Y tế và cả TP. Hồ Chí Minh đang rất nỗ lực để khống chế số ca mắc từ ổ dịch này, không để dịch bùng phát.

Chúng ta biết, khi vài ngày trước hôm xảy ra tái phát dịch trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa báo một tin vui, năm nay kinh tế có thể tăng trưởng khá hơn dự báo, tức ở khoảng xấp xỉ 3%, thì sau “cú đấm" này, rất có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Thế mới biết, nếu ý thức của một số người dân với cái chung còn kém thì xã hội sẽ chịu tổn thất ra sao.