📞

Dịch Covid-19 - Thế giới có căng mình cho các cuộc chiến?

Lý Yến 15:48 | 19/02/2020
TGVN. Liệu những cuộc chiến nào của 2020 mà cộng đồng toàn cầu sẽ phải vượt qua...
Thực tế thì chúng ta cũng đang nhìn thấy những thảm họa khác nữa chứ không chỉ có cúm virus corona chủng mới... (Nguồn: Eurasia Review)

Ngày 17/2, khi đọc quan điểm của một giáo sư tại Đại học Trung Quốc nêu ra 5 cuộc chiến mà Trung Quốc bắt buộc phải chiến thắng trong năm 2020 (gồm có: cuộc chiến chống Covid-19, cuộc chiến để phục hồi kinh tế, đảm bảo sự an toàn cho người dân, cuộc chiến chống dư luận, và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung) trên tờ Thời báo Hoàn cầu, tôi tự hỏi: Vậy còn thế giới thì sao? Liệu những cuộc chiến nào của 2020 mà cộng đồng toàn cầu sẽ phải vượt qua?

Còn nhớ, vào những khoảnh khắc đầu tiên của thế kỷ XXI, người ta đã đặt ra câu hỏi “Liệu thế kỷ XXI có yên bình hơn những năm tháng khốc liệt đã qua của thế kỷ XX?”. Những nhà nghiên cứu lịch sử, quan hệ quốc tế đứng trên thực tế 2 cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử nhân loại và những đại thảm họa giết người từ chiến tranh, dịch bệnh đã khẳng định rằng, dù sao thế giới hiện nay cũng yên bình hơn nó đã từng trải qua.

Nhưng 20 năm tròn đã qua từ thời khắc đó, từ chiến tranh (war) hay cuộc chiến (battle) vẫn xuất hiện tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông và nó in dấu quá sâu đậm trong tâm trí của công chúng, dẫn đến một sự hoang mang không ít trước những câu hỏi tương tự như vậy. Nó thậm chí còn ngăn người ta thận trọng hơn khi đưa ra những phán đoán và dự kiến, bởi những bất thường xảy ra ngoài mọi dự liệu của ngay cả những bộ óc siêu phàm.

Ai dám tin, có một loại virus từng được đề cập trong một tác phẩm văn học giả tưởng Mỹ có tên The Eyes of Darkness được xuất bản cách đây 40 năm lại có những nét tương tự như Covid-19, kể cả địa danh phát tán ra nó – Vũ Hán (Trung Quốc). Công chúng bàn tán về một dự đoán từ trí tưởng tượng siêu phàm của nhà văn.

Nhưng một cách khoa học và logic mà nói, thì với những gì nhìn thấy hôm nay, không khó để biết ngày mai ra sao, chỉ là điều đó đến sớm hay muộn mà thôi. Sự tàn phá môi trường của con người hàng trăm năm qua đang đưa nhân loại đến một kết thúc kinh hoàng, không chỉ là cháy rừng, sóng thần mà còn là những cánh đồng khô hạn chờ ngày bị nhấn chìm trong nước biển.

Các nguồn năng lượng dự trữ trong thiên nhiên sẽ ngày càng cạn kiệt, các dòng sông sẽ chết dần bởi ô nhiễm và những con đập xây lên một cách tham lam và vô trách nhiệm ở đầu nguồn.

Nhưng loài người có bừng tỉnh, hay chỉ chờ cho đến khi thảm họa xảy ra?

Bên tai tôi, tivi vẫn đang rỉ rả về thảm họa toàn cầu, với dự báo của các nhà khoa học rằng Covid-19 có thể tấn công và lây lan ra tới 2/3 dân số thế giới. Thực tế thì chúng ta cũng đang nhìn thấy những thảm họa khác nữa chứ không chỉ có cúm virus corona chủng mới. Nhưng ngăn ngừa nó hay để nó diễn ra rồi lại biến thành “cuộc chiến” là những cách lựa chọn dẫn đến kết quả khác xa nhau.

Điều chắc chắn là những hệ lụy của thế kỷ XXI luôn là một sự phản ứng dây chuyền, nên cách để tồn tại chính là hợp tác và chia sẻ. Đây là dịp để các nước lớn nhìn lại chính sách phát triển của mình, và là thách thức song hành cùng với cơ hội cho các nước ngoại vi.

Thế giới đối diện những khó khăn, nhưng nếu đơn phương đương đầu với các “cuộc chiến” thì không dễ gì mà thắng.