📞

Dịch Covid-19: Thoát phụ thuộc vào Trung Quốc - nói vẫn dễ hơn làm

13:50 | 26/02/2020
TGVN. Các chuyên gia dự báo rằng, dịch viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là một lý do nữa để các doanh nghiệp và ngành sản xuất đẩy mạnh mục tiêu giảm phụ thuộc vào công xưởng của thế giới.    
Trung Quốc vẫn là một phần của câu chuyện. (Nguồn: Reuters)

Các công ty có thể đang dần rút khỏi Trung Quốc bởi chiến tranh thương mại, các loại thuế và nhiều lý do khác nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm được điều đó thật không dễ dàng.

Trường hợp xấu nhất?

Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy trong hơn một tháng qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch do SARS-CoV-2, loại virus đã lây nhiễm cho hơn 78 nghìn người Trung Quốc và hơn 2.700 trường hợp tử vong. Dù đến nay, các nhà máy đang dần mở cửa trở lại, các công nhân cũng bắt đầu lại với các công việc còn dở dang, nhưng biện pháp hạn chế di chuyển vẫn khiến các nhà máy và công xưởng khó có thể hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, danh sách dài các công ty, tập đoàn, từ Hãng thời trang thể thao danh tiếng Under Armour, Tập đoàn công nghệ đình đám Apple và cả những cái tên còn chưa nổi danh trên thị trường… đều đã thông báo, chuỗi cung ứng của họ có thể sẽ bị gián đoạn. Thực tế này một lần nữa chứng minh, nếu doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia thì sẽ rất nguy hiểm.

Đại diện của Apple cho biết, sự gián đoạn sản xuất có thể gây ra thiếu hụt nguồn cung điện thoại iPhone. Các công ty nghiên cứu và tư vấn cũng cảnh báo rằng, bộ sưu tập thời trang mùa Hè năm nay có thể cũng bị ảnh hưởng, nếu các nhà máy ở Trung Quốc không vận hành toàn bộ vào cuối tháng 3. Giám đốc phụ trách mảng hàng thời trang và hàng xa xỉ của Coresight, một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn, cho biết, trong trường hợp xấu nhất thì sản lượng sản xuất toàn cầu có thể giảm tới 50%.

Dù trong những ngày tới, các doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường trở lại thì vẫn sẽ khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Các nhà máy hoạt động trở lại với công suất cần thiết là một điều quan trọng, nhưng ai cũng dự đoán được các khó khăn trong vấn đề vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu phần lớn phụ thuộc vào vận tải đường biển, đó là lý do các bến cảng được dự báo sẽ ngập trong hàng hóa. Tình trạng quá tải sẽ diễn ra, dẫn đến việc thường xuyên chậm trễ và trì hoãn vận chuyển.

Có một phương án thay thế cho các doanh nghiệp là chuyển sang sử dụng vận tải hàng không, nhưng phải nói trước rằng, chi phí sẽ cao hơn nhiều và chắc chắn sẽ gây tổn thất nặng cho “túi tiền” của công ty.

Một phần của câu chuyện

Giới chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp có khả năng tránh được gián đoạn sản xuất trong giai đoạn này là những doanh nghiệp đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Chắc chắn đó là động thái mà không ít công ty đã nghiên cứu trong nhiều năm, đặc biệt khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm, các biện pháp thuế quan leo thang đã thúc đẩy họ thực hiện mục tiêu đó.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chi phí sản xuất hàng hóa ở nước ngoài đã tăng lên khá nhiều so với trước. Phần lớn các công ty tham gia cuộc điều tra của Hiệp hội ngành thời trang Mỹ vào tháng 7/2019 cho biết, họ dự kiến sẽ giảm nguồn cung từ Trung Quốc. Các thương hiệu thời trang lớn như Nike và Adidas đã bắt đầu tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng nói thường dễ hơn là làm.

Các bến cảng được dự báo sẽ ngập trong hàng hóa, tình trạng quá tải có thể sẽ diễn ra. (Nguồn: THX)

Trung Quốc vẫn có rất nhiều lợi thế, bởi các lựa chọn thay thế phổ biến nhất là Mexico hay Việt Nam thì vẫn chưa đáng kể so với khả năng sản xuất của nền kinh tế số hai thế giới về mặt lao động và cơ sở vật chất, chưa kể đến sự khác biệt về chất lượng sản phẩm.

Tùy thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh mà các công ty có thể sẽ “hỗ trợ” xây dựng cơ sở vật chất tại Việt Nam và một số quốc gia khác. Nhưng kể cả khi virus corona chủng mới là yếu tố cuối cùng thúc đẩy các công ty rời khỏi Trung Quốc thì việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Bởi việc vận hành một chuỗi cung ứng tầm quốc tế bao gồm rất nhiều yếu tố phức tạp, từ cơ sở vật chất cho tới năng suất và thử nghiệm.

Thêm vào đó, việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc cũng chưa đủ để đảm bảo việc độc lập hoàn toàn với quốc gia này. Chẳng hạn, bên cạnh ví trí là nhà xuất khẩu quần áo và giày dép lớn nhất, Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu vải may mặc hàng đầu.

Và một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu vải từ Trung Quốc. Do đó, kể cả nếu công ty có chuyển chuỗi cung ứng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thì khả năng công ty đó vẫn sẽ phải chịu gián đoạn sản xuất vì thiếu nguyên liệu cần thiết từ Trung Quốc.

Giới chuyên gia kết luận rằng, dù một doanh nghiệp có đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, “công xưởng hàng đầu”, thị trường tiêu thụ khổng lồ, Trung Quốc cũng vẫn là một phần của câu chuyện.

(theo Newsweek)