📞

Dịch Ebola vẫn diễn biến phức tạp

17:54 | 28/08/2014
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh sáng 28/8 tại Hà Nội, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch bệnh Ebola vẫn diễn biến phức tạp. Hiện dịch bệnh do virus Ebola vẫn tiếp tục tăng mạnh tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria.
Bộ Y tế khẳng định Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm virus Ebola. (Ảnh: Internet)

Tính đến ngày 20/8, đã ghi nhận tổng cộng 2615 trường hợp mắc, trong đó có 1427 trường hợp tử vong, trong đó có gần 130 người là nhân viên y tế. Chỉ tính trong 2 ngày (từ 19 – 20/8), tại 4 nước đã ghi nhận thêm 142 trường hợp mắc mới và 77 trường hợp tử vong.

Ngày 26/8, Cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế thông báo Cộng hòa Dân chủ Congo ghi nhận 24 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 13 trường hợp tử vong và đã xác định được 4 mẫu dương tính với virus Ebola. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy những trường hợp mắc đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo có liên quan tới việc lây truyền từ động vật sang người trong quá trình chế biến thịt thú rừng và sau đó người này lây lan cho những người trong gia đình và những người xung quanh

“Hiện nay, tuy Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm virus Ebola nhưng tính từ ngày 11 đến 26/8, đã ghi nhận 128 người đi từ các quốc gia có dịch nhập cảnh Việt Nam. Bộ Y tế cũng thường xuyên liên hệ người nhập cảnh để theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của họ, đến nay toàn bộ 128 trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch nêu trên chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola” – ông Phu cho biết thêm.

Kết quả giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch về đã phát hiện 2 công dân Nigeria nhập cảnh ngày 19/8 có biểu hiện sốt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế đã tổ chức cách ly tạm thời theo dõi và chăm sóc sức khỏe theo quy định. Sau một ngày theo dõi, sức khỏe của hành khách trên ổn định, không có biểu hiện liên quan đến bệnh do virus Ebola, Bộ Y tế đã thảo luận với WHO, USCDC, thống nhất chuyển sang giám sát tại nơi lưu trú.

Số lượng công dân Việt Nam tại các quốc gia có dịch không nhiều. Tuy vậy, số liệu thống kê chưa thật đầy đủ do gặp khó khăn trong việc kiểm soát người Việt Nam sinh sống và lao động tự do tại các nước có người bị nhiễm bệnh Ebola. Đến nay, chưa ghi nhận công dân Việt Nam nào bị nhiễm virus Ebola tại các nước trên. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sứ quán tại các nước đang có dịch thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với đại diện công dân Việt Nam ở các nước, cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh, cập nhật tình hình, nỗ lực cùng công dân Việt Nam trong phòng tránh dịch bệnh.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các nước chưa nên thực hiện việc cấm hoặc hạn chế đi lại tới các quốc gia tới vùng có dịch, song cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, huy động tham gia của cộng đồng và phối hợp liên ngành trong việc phát hiện sớm những trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời, tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như đẩy mạnh truyền thông để phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến dịch cúm A H5N6, ông Trần Đắc Phu khẳng định, hiện nay, cúm A H5N6 chưa có khả năng lây từ người sang người, nhưng đã có trường hợp lây từ gia cầm sang người. Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A H5N6 trên người, nhưng đã xuất hiện ba ổ dịch cúm trên gia cầm tại Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai.

“Chúng tôi đang băn khoăn, chưa có kết luận hẳn nhưng rõ ràng có tính chất khu vực, đó là khu vực phía Bắc. Điều này đặt ra vấn đề có phải do gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc sang hay không? Bên cạnh đó, cúm A H7N9 đã tạm lắng nhưng đến đông xuân có thể sẽ bùng phát lại. Điều này cũng có liên quan đến việc gia cầm nhập lậu”, ông Phu nói.

Diễn Tú