📞

Điểm danh các hãng hàng không ‘lạ đời’ trên thế giới

Đỗ An 09:57 | 24/04/2022
Việc bỏ kiểm soát của liên bang liên quan đến giá vé, đường bay của chính phủ Mỹ vào cuối những năm 1970 đã khiến một loạt hàng không mới xuất hiện và trong số đó có những hãng hàng không vô cùng đặc biệt.

Pet Airways - Hãng hàng không thú cưng

Được thành lập vào năm 2009 tại Bãi biển Delray, Florida, Pet Airways là hãng hàng không dành riêng cho thú cưng như chó hay mèo.

Những con vật này bay mà không cần chủ sở hữu đi cùng, và được sắp xếp chỗ ngồi trong khoang chính của máy bay được thiết kế đặc biệt.

Nhân viên Alyse Tognotti của Pet Airways đang chuẩn bị cho một hành khách đặc biệt.

Mỗi máy bay của hàng Pet Airways có thể chở khoảng 50 vật nuôi và những tiếp viên phục vụ thú cưng sẽ kiểm tra các hành khách đặc biệt khoảng 15 phút/lần. Trước khi cất cánh, các con vật sẽ được dắt đi dạo trước chuyến bay và nghỉ ngơi trong một căn phòng đặc biệt tại sân bay.

Ý tưởng này xuất phát từ việc nhiều người không muốn thú cưng của mình bị nhốt trong những kho hàng tối tăm trên các chuyến bay thương mại mà thay vào đó, chúng phải được hưởng những dịch vụ tương tự con người.

Theo Pet Airways, nhốt vật nuôi như vậy là hành động vô cùng "nguy hiểm", bởi môi trường thiếu ánh sáng và nhiệt độ cao.

Hãng hàng không đặc biệt này đã đi vào hoạt động trở lại khoảng hai năm nay ở hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ như New York, Los Angeles, Denver, Chicago và Atlanta. Giá vé dao động từ 150 USD và có thể lên đến 1.200 USD tùy thuộc vào kích thước của con vật.

Vào năm 2012, hãng hàng không này từng gặp khó khăn về tài chính và buộc phải hủy các chuyến bay, trước khi ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2013, sau khi đã vật chuyển hơn 9.000 con vật đi lại trên khắp nước Mỹ.

Trên trang web chính thức, Pet Airways thông báo các chuyến bay sau đại dịch có thể chính thức được khởi động trở lại từ giữa năm 2022.

Hooters Air - Hãng hàng không nóng bỏng

Năm 2002, Robert Brooks, chủ tịch của chuỗi nhà hàng Hooters, mua lại Pace Airlines, một hãng hàng không sở hữu 8 máy bay, chủ yếu là Boeing 737. Một năm sau đó, Brooks chính thức đổi tên hãng này thành Hooters Air, một hãng hàng không được mang đến cho hành khách trải nghiệm như đang đi nhà hàng.

Hoạt náo viên Hillary Vinson đang làm việc trên một chuyến bay của Hooters Air hồi năm 2003. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài thiết kế màu cam sáng nổi bật, điểm đặc biệt nhất của Hooters Air là những nữ hoạt náo viên vô cùng xinh đẹp và thu hút. Đây cũng là những người sẽ dẫn dắt hành khách tham gia vào các trò chơi đố vui có thưởng trên máy bay.

Tuy nhiên, những cô gái này sẽ không phục vụ đồ ăn hay xử lý các công việc khác trên máy bay mà thay vào đó là 3 tiếp viên hàng không được FAA chứng nhận.

Hãng hàng không có trụ sở tại Myrtle Beach, Nam Carolina, một điểm đến nổi tiếng với các sân golf và khu nghỉ dưỡng bên bờ biển của Mỹ.

Do giá vé phù hợp với túi tiền và kết nối trực tiếp đến các thành phố như Atlanta, Newark và Baltimore, Hooters Air đã thu hút được nhiều hành khách thuộc đủ mọi tầng lớp như khách du lịch, người chơi golf hay cả các gia đình.

Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chính thức ngừng hoạt động vào đầu năm 2006, do giá nhiên liệu tăng sau các cơn bão Katrina và Rita.

The Lord's Airline - Hãng hàng không của Chúa

Chiếc máy bay duy nhất của The Lord's Airline. (Nguồn: CNN)

Nghiêm cấm rượu bia trên máy bay, Kinh thánh và Kinh Torah được bố trí thay thế những quyển tạp chí thông thường, chiếu những thước phim về tôn giáo và một phần tư giá vé được dành để tài trợ cho công việc truyền giáo: đây là những điểm độc đáo của The Lord's Airline, do doanh nhân Ari Marshall ở New Jersey thành lập. Năm 1985, chiếc DC-8 cũ được mua lại và trở thành chiếc máy bay duy nhất của hãng này.

Theo kế hoạch, The Lord's Airline sẽ có ba chuyến bay hàng tuần từ Miami đến Sân bay Ben Gurion ở Israel và một đường bay thẳng đến Jerusalem.

Vào thời điểm đó, những người hành hương tôn giáo muốn đến Thánh địa nổi tiếng bắt buộc phải bay nối chuyến đến New York.

Marshall trả lời hãng AP vào năm 1986: "Người Nga có hãng hàng không của họ. Người Anh có hãng hàng không riêng. Vậy tại sao những người theo Thiên Chúa giáo lại không có hãng hàng không của riêng mình?".

Tuy nhiên, đến năm 1987, hãng hàng không này đã không đáp ứng đủ các điều kiện để được FAA cấp giấy phép. Các nhà đầu tư trở nên lo lắng và chính thức sa thải Marshall, thành lập một ban giám đốc mới để điều hành hãng.

Chủ tịch mới, Theodore Lyszczasz, sau đó đã có những tranh cãi gay gắt với Marshall trên báo chí. Và con đường của The Lord's Airline cuối cùng cũng đi đến hồi kết.

Smokers Express & SmintAir - Hãng hàng không cho người hút thuốc

FAA đã cấm hút thuốc trên tất cả các chuyến bay nội địa ở Mỹ vào năm 1990, nhưng William Walts và George Richardson, hai doanh nhân đến từ Hạt Brevard của Florida, tỏ ra không hài lòng với quy định.

Đầu năm 1993, họ quyết định lách luật bằng cách thành lập một hãng hàng không dựa trên một câu lạc bộ tư nhân, yêu cầu phí thành viên là 25 USD và chỉ dành cho những người trên 21 tuổi.

Ý tưởng về việc hút thuốc trên máy bay chưa bao giờ thành hiện thực. (Nguồn: AP)

Hãng hàng không này có trụ sở tại sân bay Space Coast Regional ở Titusville, Florida và lên kế hoạch là cung cấp các chuyến bay phục vụ bít tết và bánh mì kẹp thịt cùng với thuốc lá miễn phí.

Tuy nhiên, gần một năm sau khi kế hoạch được công bố, hãng hàng không này vẫn chưa có giấy phép hoạt động cũng như sở hữu bất kỳ một chiếc máy bay nào. Mặc dù, trước đó hai nhà sáng lập đã kêu gọi được hơn 5.000 thành viên nhưng các nhà quản lý đã từ chối cấp phép cho Smokers Express hoạt động.

Năm 2006, ý tưởng này được doanh nhân người Đức Alexander Schoppmann tiếp nối. Schoppmann đã tuyên bố ý định thành lập hãng hàng không quốc tế cho những người hút thuốc, gọi tắt là SmintAir.

Schoppmann cho biết bản thân hút tới 30 điếu thuốc mỗi ngày và muốn triển khai dịch vụ bay đặc biệt này kết nối giữa Tokyo (Nhật Bản) và Dusseldorf (Đức), quê hương của ông.

Cả hai quốc gia vẫn có một số lượng đáng kể người hút thuốc vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, SmintAir cũng chịu chung số phận với Smokers Express khi không thể huy động được số vốn cần thiết để bắt đầu hoạt động.

(theo Vietnamnet)