📞
60 năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Điểm hẹn của người Việt xa quê hương

TRỌNG VŨ 06:00 | 21/11/2019
TGVN. Mỗi người Việt ở nước ngoài đều có mái nhà riêng ở xa đất nước, nhưng khi về nước, họ lại có một điểm hẹn chung để sum họp và kết nối tình cảm là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho Ủy ban Nhà nước về NVNONN. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Được thành lập vào ngày 23/11/1959 theo Nghị định số 416/TTg của Chính phủ, 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương) đã thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mang lại những thành tựu “đơm hoa kết trái” công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN)...

Cầu nối kiều bào với Tổ quốc

Đúng như chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN ngày 19/11 vừa qua, khi nhìn lại hành trình dài của công tác NVNONN, ông đã thấy “bức tranh ấy thay đổi rất nhiều với những gam màu tươi sáng và những điểm tối đã mờ dần đi và biến mất”.

Phải khẳng định qua các thời kỳ, kiều bào vẫn một lòng hướng về Tổ quốc với tiếng gọi quê hương luôn ở trong tim nhưng để có thể tập hợp tình cảm ấy trong một vòng tay lớn của cộng đồng Việt có tới 4,5 triệu người trên khắp thế giới không phải là công việc dễ dàng.

Trong suốt thời gian ấy, Ủy ban đã quán triệt chủ trương đại đoàn kết dân tộc nêu trong Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có cách tiếp cận mới, chủ động mở rộng tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bà con kiều bào. Để tăng cường vai trò của kiều bào vào đời sống chính trị ở trong nước, Uỷ ban phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến bà con đóng góp vào các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào đã được tổ chức như Xuân Quê hương, Hội nghị NVNONN với quy mô toàn thế giới đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, Ủy ban đã tổ chức chín đoàn kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự. Đối với thế hệ trẻ, kể từ năm 2004, Trại hè Việt Nam hàng năm thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên, sinh viên kiều bào, góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong thế hệ kiều bào trẻ.

Ủy ban đã luôn sát cánh cùng khoảng 500 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới với nhiều đổi mới trong các hoạt động hướng về đất nước. Trong 10 năm qua, mỗi năm có khoảng từ 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước du lịch, thăm thân, tìm hiểu và triển khai các cơ hội đầu tư, hoạt động từ thiện, nhân đạo tại quê hương.

Điểm tựa phát huy nguồn lực kiều bào

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị, kiều bào khắp nơi trên thế giới đã có những đóng góp hết sức quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, lượng kiều hối tích lũy từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Ông Lương Thanh Nghị cũng cho biết, hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Czech, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản. Sự ra đời của Hiệp hội Doanh nhân VNONN vào tháng 8/2009 cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình tập hợp, liên kết sức mạnh của doanh nghiệp VNONN giúp nhau tìm kiếm cơ hội kinh doanh, làm ăn, cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước.

Đáng chú ý, các sáng kiến và hỗ trợ của Ủy ban đã góp phần tạo luồng sinh khí mới cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam như Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng tại Pháp, Diễn đàn kinh tế kiều bào tại Hàn Quốc...

Đặc biệt, rất nhiều nhóm trí thức của người Việt như Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Nhóm sáng kiến Việt Nam tại Mỹ, Nhóm Hành trình Việt ở Singapore... đang có đóng góp thiết thực cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước.

Để giúp kiều bào trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, việc dạy và học tiếng Việt được Ủy ban quan tâm và đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú như trực tiếp hỗ trợ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu học tiếng Việt, tổ chức tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào…

Trước nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng gắn với văn hóa dân tộc của cộng đồng, Ủy ban dành sự quan tâm thích đáng, chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn công tác và các vị chức sắc sang trụ trì, hướng dẫn bà con xây dựng chùa, tu học theo chính pháp, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân cộng đồng kiều bào có đóng góp xuất sắc trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: N. Hồng)

Nơi ấy cũng là nhà

Kết nối và đồng hành với kiều bào, trong suốt những năm qua, trụ sở của Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn là điểm hẹn, trạm dừng chân để mỗi kiều bào khi trở về đều nhận được những tình cảm ấm áp nhất.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện – Việt kiều tiêu biểu ở Hungary cho biết, mỗi khi về nước chị không quên ghé thăm ngôi nhà Việt thân yêu này và thường xuyên nhận được sự cổ vũ, ủng hộ tích cực. Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia Châu Văn Chi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Ủy ban đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Khmer và người gốc Việt ở Campuchia sinh sống và hội nhập sâu rộng vào nước sở tại.

Gắn bó và luôn dõi theo hành trình phát triển của Ủy ban nhiều năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam – Hàn Quốc Trần Hải Linh vui mừng nhận thấy Ủy ban ngày càng đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của kiều bào trong việc tham gia đóng góp xây dựng đất nước.

Với Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Italy Huỳnh Thu Trang, những chương trình, hoạt động của Ủy ban đã giúp kiều bào cảm nhận được hơi ấm thực sự từ quê hương. “Ủy ban không chỉ là cầu nối giúp các doanh nhân kiều bào và những nhà đầu tư nước bạn tìm hiểu, nắm bắt thị trường tạo mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên, mà luôn là một địa chỉ thân thương đón chào chúng tôi trở về”, bà Huỳnh Thu Trang nói.

“Từ một Hội đồng liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống cho kiều bào hồi hương, đến nay, Uỷ ban trở thành Cơ quan cấp Tổng Cục trực thuộc Bộ Ngoại giao... Ủy ban đã đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, có tầm quan trọng chiến lược về công tác đối với NVNONN. Uỷ ban cũng là cơ quan trực tiếp, đi đầu trong công tác vận động kiều bào hướng về quê hương, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay”.

(Phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai).