📞

Điểm mặt, chỉ tên những 'vật báu' trong tay Ukraine, chỉ cần phương Tây 'gật đầu' chắc chắn sẽ làm nên chuyện

Vy Anh 14:26 | 09/10/2024
Ukraine đã và sẽ có thể sở hữu nhiều loại vũ khí quan trọng của phương Tây, tuy nhiên vẫn đang nỗ lực thuyết phục được đồng ý cho sử dụng nhằm tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, với mong muốn thay đổi cục diện xung đột.
Một loạt cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu của Nga thời gian qua là do Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ tài trợ. (Nguồn: AFP)

ATACMS hữu hiệu và Storm Shadow lợi hại

Báo Vedomosti của Nga cho biết, Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã nhận được một số hệ thống tên lửa tầm xa của phương Tây, nhưng với yêu cầu "không được phép sử dụng để tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga". Ukraine hiện đang tích cực yêu cầu phương Tây dỡ bỏ hạn chế này.

Những loại vũ khí quan trọng gồm tên lửa đạn đạo ATACMS phóng từ mặt đất của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG phóng từ trên không của Pháp-Anh, được chuyển giao cho Kiev từ năm 2023.

Dưới đây là thông số kỹ thuật, tính năng và giá trị của các hệ thống tên lửa tầm xa mà phương Tây cung cấp cho Ukraine:

Thứ nhất, ATACMS của Mỹ là tên lửa chiến thuật đất đối đất, sử dụng nhiên liệu rắn, do Lockheed Martin phát triển vào những năm 1980 nhưng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.

ATACMS là phiên bản được cải tiến từ MGM-140, MGM-164 và MGM-168 (trong các container phóng chúng được ghi là M39, M48 và M57). Phiên bản dành cho “bộ binh” được phóng từ bệ phóng đa năng MLRS M270, cũng như hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M142 HIMARS. 4 xe phóng đầu tiên đã chính thức được chuyển giao cho Ukraine cuối tháng 6/2022 để sử dụng với các tên lửa khác.

Biến thể ATACMS MGM-168, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2001, mang đầu đạn phân mảnh nổ mạnh WDU-18/B. Tầm bắn của phiên bản này là 300 km. MGM-164 được đưa vào sử dụng từ năm 2004. Đầu đạn của nó cũng là loại có sức nổ phân mảnh mạnh WDU-18/B, tầm bắn 300 km, hệ thống dẫn đường “hỗn hợp” (quán tính và GPS) và hơn 500 tên lửa đã được sản xuất.

Theo The Wall Street Journal, đợt giao hàng tên lửa ATACMS bí mật đầu tiên với tầm bắn ngắn cho Kiev, không nêu rõ mẫu mã, diễn ra mùa Thu 2023.

Thứ hai là Storm Shadow/SCALP của Pháp-Anh. Đây là loại tên lửa hành trình tầm xa tàng hình. Storm Shadow của Anh được British Aerospace phát triển từ năm 1994, bản tương tự của Pháp là SCALP-EG do công ty Matra phát triển.

Không giống như ATACMS, tên lửa phóng từ trên không này là loại tên lửa “không đối đất” nên phương tiện vận chuyển nó là máy bay chiến đấu. Ban đầu, nó được điều chỉnh để sử dụng cho chiến đấu cơ Tornado của Anh, cũng như Rafale và Mirage 2000 của Pháp.

Sự khác biệt giữa phiên bản tên lửa của Anh và Pháp là ở tính năng tích hợp vào máy bay. Ví dụ, Storm Shadow năm 2015 được tích hợp với chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon của châu Âu. Tuy nhiên, không có loại máy bay nào như vậy trong phiên chế của không quân Ukraine. Và những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất được chuyển đến Kiev vào tháng 8 vừa qua, một năm sau khi nhận được các tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG đầu tiên.

Do đó, trong suốt thời gian qua, chúng đã được tích hợp cho máy bay ném bom Su-24 của Liên Xô thuộc phiên chế VSU.

Quân đội Ukraine đã sở hữu các tên lửa này với tầm bắn tối thiểu 250 km từ tháng 8/2023.

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. (Nguồn: AFP)

Taurus linh hoạt và JASSM xuyên phá

Thứ ba là Taurus của Đức. Đây là loại tên lửa hành trình do công ty Taurus Systems GmbH phát triển và sản xuất.

Từ năm 1994, Taurus được phát triển trên cơ sở bom chùm DWS39 của Thụy Điển (đưa vào sử dụng năm 1995).

Taurus được sử dụng từ năm 2005. Tên lửa này có cùng mục tiêu tấn công và chức năng như Storm Shadow/SCALP của Pháp-Anh là sở chỉ huy, boongke, sân bay và đường băng, cơ sở hạ tầng cảng...

Loại vũ khí này có một số phiên bản khác nhau về tầm bắn và đầu đạn sử dụng. Với bản Taurus KEPD 350 “cơ bản”, động cơ Williams P8300-15 giúp tên lửa bay được 500 km.

Trọng lượng đầu đạn tương đương với Storm Shadow/SCALP-EG - khoảng 480 kg. Đầu đạn là MEPHISTO song song hai giai đoạn để phá hủy các mục tiêu dưới lòng đất, boongke và các công trình. Hệ thống dẫn đường “hỗn hợp” (quán tính và GPS).

Taurus KEPD 350 được tích hợp để sử dụng cho nhiều loại máy bay chiến đấu như: Panavia PA-200 Tornado IDS và Eurofighter Typhoon EF-2000 của châu Âu, Saab JAS-39C Gripen của Thụy Điển, F-15K và F/A-18A của Mỹ.

Một tên lửa Taurus KEPD 350 có giá khoảng 1 triệu USD. Đức sở hữu khoảng 600 tên lửa loại này, được điều chỉnh cho Panavia PA-200 Tornado IDS và Eurofighter Typhoon EF-2000. Tây Ban Nha có 45 tên lửa, Hàn Quốc có hơn 250 quả (sử dụng cho chiến đấu cơ F-15K).

Ukraine liên tục yêu cầu chính phủ Đức chuyển giao tên lửa Taurus song đều bị từ chối. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần giải thích rằng ông không muốn cuộc xung đột leo thang bất chấp những lời chỉ trích trong chính phủ và quốc hội. Tháng 2/2024, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu với đa số phiếu chống lại việc chuyển giao Taurus cho VSU.

Thứ tư là JASSM của Mỹ (có thể sẽ được chuyển giao). Đây là loại tên lửa hành trình tầm thấp, được tập đoàn Lockheed Martin phát triển từ năm 1995 và bắt đầu sản xuất từ năm 1998.

Tầm bay của bản tên lửa AGM-158A với động cơ Teledyne CAE J402-CA-100 là 370 km, với phiên bản JASSM-ER sử dụng động cơ Williams F107-WR-105, tầm bắn lên tới 980 km.

Đầu đạn tên lửa có trọng lượng tương đương với các tên lửa nói trên và cũng được dùng để chống lại các boongke và mục tiêu dưới lòng đất: đầu đạn xuyên phá WDU-42/B (nặng khoảng 450 kg).

Hệ thống dẫn đường “hỗn hợp”: Quán tính cùng với hiệu chỉnh dựa trên dữ liệu GPS và các phép đo địa hình (nghĩa là dựa trên bản đồ “số hóa” khu vực).

Nhìn chung, các đặc điểm của tên lửa có thể được gọi là tương tự như Storm Shadow/SCALP, nhưng có tầm bắn gấp đôi với bản nâng cấp và có lẽ có sức xuyên phá kém hơn chúng. Một tên lửa JASSM, tùy thuộc vào cấu hình, có thể có giá từ 900.000 đến 1,5 triệu USD.

(theo Vedomosti)