Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 được tổ chức từ ngày 28-31/3. (Nguồn: AFP) |
Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2023 vẫn tiếp tục được tổ chức tại Bác Ngao, thị trấn duyên hải thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 28-31/3. Sự kiện năm nay có chủ đề “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác vì phát triển trong thách thức”.
Đây là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc, kể từ khi nước này nới lỏng công tác phòng, chống dịch Covid-19, từng bước mở cửa với thế giới. Đồng thời, đây là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay hội tụ lãnh đạo các quốc gia thành viên, đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức học thuật và truyền thông từ khắp nơi trên thế giới, qua đó tìm kiếm các chiến lược phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19 và cách thức tăng cường hợp tác trong cộng đồng quốc tế.
Theo Tân Hoa xã, BFA 2023 thu hút sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự và hơn 1.100 nhà báo. Trong đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Côte d’Ivoire Patrick Achi và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng tham dự hội nghị và sẽ có những bài phát biểu quan trọng.
Các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh chủ đề của hội nghị và 4 vấn đề chính, gồm "Phát triển và Bao trùm", "Hiệu quả và An ninh", "Khu vực và Toàn cầu" và "Hiện tại và Tương lai".
Dù được tổ chức tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, nhưng trụ sở hoạt động của Diễn đàn châu Á Bác Ngao lại được đặt tại Bắc Kinh. |
Trong khuôn khổ của hội nghị, hàng loạt diễn đàn sẽ được tổ chức, như "Bố cục mới của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng", "Chia sẻ cơ hội phát triển từ Vành đai và Con đường", "Cạnh tranh và hợp tác về khoa học-công nghệ", "Cơ hội và thách thức mới trong hợp tác khu vực châu Á", "Khó khăn và đột phá trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon", "Trí tuệ nhân tạo mang lại cuộc sống tốt đẹp", "Thúc đẩy kinh tế số", "Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc".
Là nước chủ nhà, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng Diễn đàn sẽ phát huy vai trò thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển hòa bình, đem lại lợi ích cho người dân các nước trên thế giới.
Lịch sử phát triển
BFA là một diễn đàn kinh tế quốc tế mang tính phi chính phủ và phi lợi nhuận dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu của các nước châu Á và các châu lục khác. Nó còn được ví như "Diễn đàn kinh tế Davos của châu Á", với mục tiêu là hướng tới thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo, doanh nhân, chuyên gia châu Á và thế giới có thể tự do thảo luận về những vấn đề cụ thể của từng quốc gia, chia sẻ những ý tưởng hay kinh nghiệm giải quyết các vấn đề đối với nền kinh tế khu vực, toàn cầu.
Kể từ cuối những năm 1990, khi tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập khu vực bắt đầu manh nha, các nước châu Á đã nhận ra rằng, tương lai phía trước có những cơ hội to lớn cũng như không ít thách thức gay gắt. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường hợp tác với nhau, cũng như đẩy hơn nữa trao đổi với các khu vực trên thế giới.
Nhìn chung, các nước châu Á cần thành lập một diễn đàn để có thể nêu ra những quan điểm dựa trên lợi ích của chính họ, cũng như thảo luận về các vấn đề mà khu vực này đang gặp phải để tìm những phương án hợp tác cùng phát triển.
Trong bối cảnh đó, năm 1998, cựu Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos, cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke và cựu Thủ tướng Nhật Bản Morihiro Hosokawa đã đề xuất thành lập một “Diễn đàn châu Á”, tương tự như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức thường niên tại Davos, Thụy Sỹ.
Ý tưởng này đã được hàng loạt nước châu Á hưởng ứng và nhanh chóng được đưa vào thực tiễn. Năm 2000, chính phủ của 25 quốc gia châu Á và Australia đã đồng ý thành lập Diễn đàn châu Á và chọn tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là nơi tổ chức thường niên.
Diễn đàn châu Á lần đầu tiên diễn ra tại thị trấn Bác Ngao từ ngày 26-27/2/2001. Hiện nay, có 29 quốc gia là thành viên của BFA.
Diễn đàn kinh tế thành công nhất châu Á
Theo báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế và hội nhập của châu Á của BFA, các chuyên gia cho rằng, năm 2023, với tốc độ phục hồi kinh tế mạnh mẽ, châu Á sẽ trở thành một "điểm sáng" trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm. Cụ thể, báo cáo chỉ ra tốc độ tăng trưởng GDP thực tế có trọng số của châu Á vào năm 2023 có thể đạt 4,5%, tăng từ mức 4,2% vào năm 2022.
Hội nghị BFA năm nay đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự trên cương vị người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Ông dự lễ khai mạc và sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 30/3. |
Bo cáo nêu: "Năm 2023, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và nguy cơ toàn cầu hóa ngày càng phân mảnh, châu Á được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, thương mại, đầu tư, hội nhập tài chính và gắn kết khu vực”.
Để giải quyết một số vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của châu Á, báo cáo kêu gọi "sự quan tâm đặc biệt" đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu Á, tái cấu trúc chuỗi công nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các hiệp định thương mại khu vực.
Trong một báo cáo riêng liên quan đến phát triển bền vững, BFA cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức có thể ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển ở châu Á, mặc dù khu vực có những triển vọng phát triển kinh tế khởi sắc.
Báo cáo cho biết: “Nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á đang đối mặt với những thách thức lớn về phát triển trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng như lạm phát, động đất, hạn hán, lũ lụt, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lương thực, năng lượng và biến đổi khí hậu”.
Tài liệu của BFA kêu gọi thúc đẩy hợp tác đa phương và các biện pháp tài chính tổng hợp để giải quyết các thách thức trên và lấp đầy khoảng trống tài trợ phát triển trên khắp châu Á.
Trong buổi họp báo ngày 28/3, ông Lý Bảo Đông, Tổng thư ký BFA chia sẻ rằng, diễn đàn năm nay tập trung vào giải quyết hai câu hỏi: "Điều gì đang xảy ra trên thế giới? Chúng ta nên làm gì với nó?".
Tổng thư ký Lý Bảo Đông đã liệt kê một loạt khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới, bao gồm xung đột quân sự, an ninh lương thực và năng lượng và biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do vì sao chủ đề năm nay của BFA là “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác vì phát triển trong thách thức”.
Ông Lý khẳng định: “Chúng tôi đang hướng tới việc tìm kiếm sự chắc chắn trong bối cảnh thế giới không chắc chắn và thúc đẩy phát triển thông qua hợp tác.”
Có thể nói, BFA là một trong những diễn đàn về kinh tế quan trọng và thành công nhất tại châu Á. Trải qua hơn 20 năm phát triển, diễn đàn này đã trở thành một nền tảng đối thoại cấp cao và thực chất của các nhà lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp và giới học thuật để thảo luận về các vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển của châu Á và toàn cầu.
Trang chủ của BFA ghi: “Trong kỷ nguyên mới, BFA, có trụ sở tại châu Á và với tầm nhìn toàn cầu, tuân thủ một chủ đề xuyên suốt là phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng sang 5 lĩnh vực trọng tâm bao gồm đổi mới công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa và truyền thông để đáp ứng những yêu cầu nền kinh tế mới. BFA cam kết đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của châu Á và thế giới".
| Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tăng trưởng xanh và Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển lần thứ ba với chủ đề “Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tăng trưởng xanh ... |
| Thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Pháp trong giai đoạn mới Chiều 17/3, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Pháp đã tổ chức Đại hội khoá VII nhằm đề ra phương hướng, ... |
| Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước Ngày 18/3, tại Bắc Kinh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Việt Nam (CMSC) và Ủy ban Quản lý giám ... |
| Việt Nam-Campuchia thúc đẩy xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển Việt Nam-Campuchia thúc đẩy công tác phân định 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc còn lại nhằm tiếp tục xây dựng đường biên ... |
| Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023: Bàn về một thế giới không chắc chắn và thông điệp 'đoàn kết, hợp tác để phát triển' Ngày 28/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2023 bắt đầu diễn ra tại tỉnh Hải Nam, miền Nam ... |