Hội thảo ARF lần thứ 3 về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 tổ chức từ ngày 1-2/6 chủ yếu theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thách thức mới, bối cảnh mới
Các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức hàng hải to lớn, gồm các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, như đại dịch Covid-19. Đồng thời, cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc càng làm trầm trọng thêm những thách thức này.
Trong bối cảnh đó, những diễn biến gần đây đang góp phần gia tăng nguy cơ về an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không cũng như việc quản lý bền vững, bảo tồn tài nguyên biển.
Tại Hội thảo ARFlần thứ 3, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh nếu không được giải quyết thoả đáng, những thách thức trên có thể đe doạ trật tự trên biển dựa trên luật lệ và tác động đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Đồng chủ tọa Hội thảo, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul cũng chia sẻ về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời phản đối tất cả các hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực.
Về phần mình, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie đánh giá đại dịch Covid-19 vẫn là thách thức chung với thế giới. Điều này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực duy trì đối thoại về các vấn đề hàng hải thiết yếu, bất chấp những thách thức của đại dịch.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao các nước Ấn Độ, Australia, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức từ ngày 1-2/6 chủ yếu theo hình thức trực tuyến. Hội thảo nằm trong các hoạt động triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội II giai đoạn 2020-2025 và Tuyên bố ARF về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, được thông qua năm 2016 theo sáng kiến của Việt Nam. Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu từ 27 nước ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đến việc thực thi UNCLOS. |
Vai trò quan trọng và trung tâm của UNCLOS
Được ví như “Hiến pháp” của đại dương, UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức xuất hiện sau khi Công ước được thông qua.
Tại các Nghị quyết về các đại dương và Luật Biển, Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương cũng như cơ sở cho các hành động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực biển.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc duy trì và tuân thủ UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích của các quốc gia khác được quy định trong UNCLOS.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo ARF lần thứ 3 về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng hợp tác thiện chí trên cơ sở UNCLOS sẽ góp phần tăng cường tin cậy giữa các bên, thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng kết luận: “Tất cả các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
Đồng tình với phát biểu của phía Việt Nam, Đại sứ Australia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng và trung tâm của UNCLOS. Theo Đại sứ Robyn Mudie, UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ.
Trong bối cảnh mới, Đại sứ Australia tin rằng vai trò của UNCLOS càng trở nên quan trọng: “UNCLOS càng phù hợp hơn bao giờ hết để đối mặt với các vấn đề trên biển đầy thách thức, bao gồm cả an ninh hàng hải”.
Đại sứ Canada khẳng định lại cam kết hợp tác với ASEAN nhằm tăng cường an ninh hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo Đại sứ Deborah Paul, luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, là những nguyên tắc cần thiết cho một khu vực hàng hải an toàn, ổn định và thịnh vượng.
Bà Deborah Paul nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của các quốc gia nhằm quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
4 phiên thảo luận thiết thực
Được thành lập năm 1994 với khẩu hiệu “Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương”, ARF là một trong những diễn đàn chủ chốt về đối thoại và hợp tác an ninh ở khu vực, tích cực đóng góp vào tăng cường đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin và thực thi ngoại giao phòng ngừa ở khu vực.
Tiếp nối thành công của hai kỳ Hội thảo trước được tổ chức tại Nha Trang và Hà Nội trong năm 2019, Hội thảo lần này tạo diễn đàn để các chuyên gia, học giả và quan chức các nước thành viên ARF trao đổi, thảo luận cụ thể hơn về phương hướng hợp tác nhằm giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi UNCLOS 1982 và các văn kiện quốc tế liên quan.
Hội thảo lần này gồm 4 phiên thảo luận chính, bao gồm: các thách thức đang nổi lên trên biển; quyền và nghĩa vụ hợp tác theo UNCLOS và các văn kiện liên quan; hợp tác bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển; và hợp tác khu vực về an ninh, an toàn hàng hải.
Trong hai ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và hiệu quả về nhiều chủ đề khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Lê Đức Hạnh, Quyền Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, cho biết trải qua 4 phiên thảo luận sôi nổi và hiệu quả về nhiều chủ đề khác nhau, Hội thảo không chỉ cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm mà còn đưa ra những ý tưởng sáng tạo cho hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Trong hai ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận về các thách thức đang đặt ra và các vấn đề hàng hải mới nổi khác nhằm cung cấp một nền tảng để chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm tốt nhất ở quốc gia, khu vực, cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị, ý tưởng đổi mới, thiết thực.
Đáng chú ý, nhiều khuyến nghị cũng đã được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác thiện chí trên các lĩnh vực như một cách để xây dựng lòng tin giữa các bên, tạo môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện công tác điều phối hoạt động hợp tác hàng hải trong ASEAN và khu vực, nhằm ứng phó tốt hơn với các thách thức truyền thống và phi truyền thống.
Theo bà Lê Đức Hạnh, kết quả của Hội thảo sẽ được báo cáo lên Hội nghị Quan chức cao cấp ARF (dự kiến tổ chức vào ngày 29/6 tới).
Ba kỳ tổ chức thành công với những chủ đề thiết thực ngày càng chứng tỏ hội thảo là diễn đàn quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác cần thiết để cùng ứng phó với các thách thức chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
ARF bao gồm 27 thành viên có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN; 10 nước đối tác, đối thoại của ASEAN (bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), cùng với Triều Tiên, Mông Cổ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Timor-Leste và một quan sát viên của ASEAN (Papua New Guinea). |