TP. Hồ Chí Minh đã và đang chọn cách tiếp cập khác, hướng suy nghĩ khác trong hơn một năm phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó có hướng phát triển xanh. Ảnh minh họa. |
Dù có sự tăng trưởng vượt trội 5,87% trong quý II/2023, sau khi chỉ tăng 0,7% trong quý I, tuy nhiên kinh tế thành phố vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức, do thiếu vắng động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, những vấn đề như ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ô nhiễm không khí… ngày càng gia tăng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi xanh được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xác định sẽ là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới. Điều này không chỉ hỗ trợ thành phố hướng tới phát triển bền vững mà còn góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Động lực tăng trưởng mới
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, với những vấn đề nội tại Thành phố đang đối mặt là giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu... nếu không chuyển đổi xanh, không có chính sách cụ thể lâu dài, chắc chắn kinh tế TP. Hồ Chí Minh không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước. Cùng với nhận thức trên, TP. Hồ Chí Minh xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần thực hiện cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây Quốc hội có Nghị quyết 98/2023/QH15.
Đặc biệt, việc Nghị quyết 98/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023 đã mở ra một số cơ chế đặc thù hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi xanh; trong đó, Thành phố được phát triển điện áp mái trên các nhà trụ sở công (bệnh viện, trường học…); thu hút nhà đầu tư chiến lược trong dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; thí điểm cơ chế tài chính trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định, nhóm chính sách về kinh tế xanh và chuyển đổi xanh là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị quyết 98/2023/QH15. Đây cũng là nhóm chính sách mà bản thân ông cũng như Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh rất tâm đắc và mong muốn thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố giai đoạn tới.
TP. Hồ Chí Minh đã tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng không còn như mong đợi ở mức hai con số nữa. Do đó, Thành phố đã và đang chọn cách tiếp cập khác, hướng suy nghĩ khác trong hơn một năm phục hồi sau đại dịch Covid-19; trong đó có hướng phát triển xanh.
Hiện tại, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh cho Thành phố. Theo đó, Đề án về định hướng phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đưa ra cũng xác định sẽ thí điểm chuyển đổi 5/17 khu công nghiệp theo hướng nhấn mạnh yếu tố xanh.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm chương trình xây dựng khu vực Cần Giờ trở thành khu đô thị tiêu biểu net-zero (trung hòa carbon) đến năm 2030. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố sau thời gian trì trệ; đồng thời góp phần thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) 2023 xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TP. Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh. |
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Tiếp nối thành công của các kỳ Diễn đàn năm 2018, 2019, 2022, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ tư năm 2023 (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” từ ngày 13-17/9.
Thông qua Diễn đàn lần này, TP. Hồ Chí Minh hướng tới tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp để Thành phố gặp gỡ, trao đổi với các Bộ ngành, địa phương quốc tế nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam với bạn bè quốc tế, đề ra các hợp tác cụ thể ngắn, trung và dài hạn.
Cùng với Diễn đàn, Thành phố mong muốn là nơi hội tụ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế quan tâm đến đầu tư, phát triển TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam, qua đó đưa ra thông điệp “TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn chào đón các bạn”.
Trong chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh xác định, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp. Để xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh cần nguồn lực và quyết tâm rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân.
Do đó, các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những khuyến nghị cho quá trình chuyển đổi xanh ở TP. Hồ Chí Minh dự kiến được các cơ quan quản lý, giới chuyên gia đưa ra bàn thảo trong chuỗi sự kiện HEF 2023. Các giải pháp sẽ hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, việc lựa chọn chủ đề Diễn đàn năm nay là phù hợp với định hướng của Thành phố trong thực hiện mục tiêu của Chính phủ theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Nội dung của Diễn đàn thể hiện mục tiêu, nỗ lực của Thành phố hướng tới tăng trưởng xanh để đáp ứng với sự đòi hỏi của thế giới trong tình hình mới.
Với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước, đòi hỏi có sự thay đổi về nhận thức, kiến thức mới trong cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để từ đó có những giải pháp, hành động phù hợp cho sự tăng trưởng bền vững của Thành phố.
“Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu, do đó bản thân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để hội nhập, thích ứng với xu hướng đó. Vì vậy, qua HEF 2023, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này”, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn có chương trình “Hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Vùng Flanders - Vương quốc Bỉ về xây dựng thành phố bền vững, thích ứng điều kiện khí hậu”; công bố chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ các bộ ngành, địa phương, chuyên gia quốc tế và chương trình “Kết nối CEO 100 Tea Connect” giữa lãnh đạo Thành phố với khách mời VIP và 100 CEO của Việt Nam và quốc tế; chương trình talkshow của chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế; giao lưu trực tiếp giữa chuyên gia quốc tế với sinh viên, doanh nghiệp; chương trình tham quan cho khách mời quốc tế... Chuỗi sự kiện HEF 2023 còn có Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (chính thức mở cửa cho người dân và du khách tham quan từ ngày 13-17/9); Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh” cho các doanh nghiệp Thành phố có công trình, sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng đã và đang áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. |