Bước qua cổng Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, nhiều người cảm nhận, khung cảnh nơi đây như công viên, cây cảnh mát xanh, các loại hoa đua nhau khoe sắc, hồ nước rộng cá tung tăng bơi lội... Sân hành lễ rộng, rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7. (Nguồn: Thainguyen.gov.vn) |
Giữa khuôn viên rộng mát của khu di tích là tảng đá vân mây trắng hình trụ, ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp Nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh-Liệt sĩ ở nước ta”.
Ngược dòng lịch sử, thời điểm 1946 - 1947, giữa bộn bề công việc và bối cảnh cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp đang rất cam go, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian, quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác đền ơn đáp nghĩa. Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh.
Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị gồm đại biểu các cơ quan Trung ương và một số địa phương đã họp và thống nhất chọn ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.
Chiều 27/7/1947, cuộc mít tinh có khoảng 300 người tham gia gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội quốc gia và chính quyền địa phương tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn). Tại đây, ông Lê Tất Đắc, đại diện Cục Chính trị Quân đội quốc gia đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thư Người viết: “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh… tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127 đồng”.
Bác Hồ không chỉ đồng ý lấy ngày 27/7 là ngày Chính phủ và toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh, ngày 16/12/1947, Người ký Sắc lệnh “Quy định về chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến cứu nước.
Ngày 27/7/1997, UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích lịch sử 27/7 và dựng Bia kỷ niệm, đồng thời công nhận Khu di tích là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”. Huyện Đại Từ đã thành lập Ban quản lý di tích để chăm nom, phục vụ khách tham quan; trùng tu, tôn tạo các hạng mục.
Đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, là “địa chỉ đỏ” đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.
Khu di tích đồng thời là điểm kết nối với tuyến tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc và các khu di tích trong huyện Đại Từ với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào (Tuyên Quang).
Nhằm phát huy giá trị các di tích, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, huyện còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ…
Hiện tại, khu di lịch này chính là cội nguồn tri ân để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vững bước phát triển, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân.