📞

Điện thoại trong lớp học: Thách thức của chính người lớn

Yến Nguyệt 14:00 | 01/10/2020
TGVN. Việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học không phải là thách thức với trẻ mà chính là một thách thức với người lớn, với giáo viên và phụ huynh. Báo TG&VN trích đăng ý kiến của hai phụ huynh về những băn khoăn khi giao chiếc smart phone cho con.

Biên kịch Hà Anh Thu: Biết tận dụng điện thoại một cách thông minh để giáo dục con cái

Biên kịch Hà Anh Thu cho rằng, dù cấm sử dụng điện thoại trong lớp học, các em vẫn có thể sử dụng vào giờ ra chơi, cuối giờ, ngoài sân trường. (Ảnh: NVCC)

“Thật ra nếu cấm sử dụng điện thoại trong lớp học thì tụi nhỏ vẫn có thể sử dụng vào giờ ra chơi, vào đầu hoặc cuối giờ. Việc mang điện thoại đến trường giờ trở nên quá bình thường vì dường như ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh (smart phone), biết bao cách liên lạc, kể cả với gia đình hay bạn bè đều ở trong chiếc điện thoại đó.

Thậm chí, ở nhà phụ huynh còn "bó tay" với tần suất dùng smart phone của các con. Quan trọng là quản lý và hướng dẫn bọn trẻ cách dùng đúng. Muốn vậy, cha mẹ cũng phải làm gương cho con.

Thật khó để tìm ra một chiếc điện thoại đơn giản chỉ nghe và gọi trong cặp sách đám trẻ cấp 2 và cấp 3 bây giờ. Hầu hết đều là smart phone. Vì thế, cá nhân tôi cho rằng, cho trẻ sử dụng điện thoại trong lớp học là chuyện bình thường.

Rủi ro hay không đều do người sử dụng, hay đúng hơn là người quản lý. Biết bao lời khuyên "hãy là người sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh" trên báo đài hay mạng xã hội. Giờ trẻ con rất rành, chúng ta phải rành hơn bọn trẻ nếu muốn giáo dục chúng.

Ngay tại nhà tôi, con trai lớn (18 tuổi) có một ipad riêng để tra cứu bài vở, những bài giảng trên mạng, vì những điều thầy cô giảng trên lớp là chưa đủ. Đồng thời, con nghe nhạc, lấy bài nhạc trên mạng và của bố gửi để học đàn và tập đàn với bố, hai bố con trao đổi công việc; xem phim vào những lúc được giải trí; liên lạc với bạn bè và thầy cô qua chat nhóm và cá nhân.

Còn con gái (15 tuổi) có một iphone để liên lạc, gọi điện, nhắn tin cho bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo qua nhóm chat hoặc chat cá nhân. Ngoài ra, con còn sử dụng điện thoại thông minh để học vẽ, tham khảo các trang mạng về mỹ thuật, tham gia các trang mạng về thời trang, lập nhóm với bạn bè trên thế giới về thời trang… Đặc biệt, cả hai con đều có facebook nhưng hầu như ít sử dụng.

Tôi nghĩ, việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học không phải là một thách thức với trẻ mà chính là một thách thức với người lớn, với giáo viên và phụ huynh. Chúng ta phải hiểu biết hơn, rạch ròi hơn, là người dùng thông minh hơn thì mới có thể quản lý, giáo dục và hạn chế rủi ro từ chiếc điện thoại thông minh. Thực tế, rủi ro thì đầy rẫy, quan trọng là cách hạn chế nó thôi, điều này chắc ai cũng biết.

Hơn nữa, cho dùng hay không thì các bạn trẻ vẫn dùng. Không dùng ở lớp thì ở nhà, ở chỗ học thêm, ở chỗ học ngoại khóa… Vẫn phải nhắc lại là cho dùng như thế nào để hiệu quả thì mới là vấn đề. Không nên cấm mà nên học cách quản lý cho tốt.

Và các thầy cô giáo sẽ đối mặt với việc phải giỏi hơn trò một cách thực sự, cả trường học và trường đời. Không chỉ là dạy trên sách vở mà còn phải để chúng tâm phục khẩu phục cả trên thực tế cuộc sống nữa. Thầy cô nào phản đối chắc cũng một phần e ngại việc phải thay đổi.

Tôi cho rằng, người lớn, bao gồm cả nhà trường và phụ huynh nên học cách là những người biết tận dụng chiếc điện thoại một cách thông minh để hướng dẫn con cái và học trò. Thực tế, lớp trẻ bây giờ thông minh hơn chúng ta rất nhiều. Nếu không chịu đổi mới, chính chúng ta sẽ tụt hậu. Không thể và không nên cấm điều mà nó vẫn đang vận động và xảy ra xung quanh ta mỗi ngày”.

Chị Kim Thoa (một phụ huynh): Lỗi đâu phải tại cái điện thoại?
Chị Kim Thoa (Ảnh: NVCC)

"Tôi khá bất ngờ khi có người cho rằng, cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là đóng cửa tương lai. Bởi thực tế, học sinh đâu chỉ ở trên lớp? Các em còn ở nhà, tham gia các hoạt động bên ngoài.

Rõ ràng, cái quan trọng là dạy trẻ cách tự lập, biết sử dụng điện thoại, mạng xã hội một cách thông minh, biết quản lý chính mình chứ không phải cấm cho xong.

Đồng thời, dạy các em khai thác thông tin ra sao, sử dụng những thông tin ấy hiệu quả như thế nào, làm chủ được công nghệ trong học tập mới là điều quan trọng. Trong bối cảnh công nghệ, chúng ta không thể đứng ngoài và chẳng thể “nói suông”.

Chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của thiết bị, công nghệ thông minh ứng dụng vào việc học. Do vậy, chẳng lý do gì chúng ta phải “cấm cửa” các em.

Ở nhà tôi, 2 con đều đang tuổi học sinh. Tôi cho các con tiếp cận với máy tính, laptop từ khi còn nhỏ, tất nhiên không phải tôi phó mặc con cho công nghệ. Tôi muốn các con sử dụng nghiêm túc, thông minh và biết sàng lọc, biết khai thác thông tin để phục vụ cho việc học của mình.

Thật may mắn, cùng với sự đồng hành của cha mẹ, cùng những quy tắc nghiêm khắc, các con tôi đều đã và đang sử dụng công nghệ vào việc học tập rất hiệu quả. Đặc biệt, các con có vốn kiến thức xã hội khá phong phú từ việc tìm kiếm, khám phá, sáng tạo khi sử dụng công nghệ.

Vậy hà cớ gì, chúng ta cứ đổ lỗi cho công nghệ làm hỏng các con? Tại sao chúng ta không cùng tìm ra cách quản lý và sử dụng như thế nào để hiệu quả và an toàn, ngay từ ở nhà?

Việc trẻ lạm dụng máy tính, điện thoại vào những trò chơi giải trí là có thật, không ít bạn trẻ nghiện điện thoại cũng đúng. Nhưng cái lỗi này đâu phải ở cái điện thoại? Nó là trách nhiệm của người lớn.

Thứ đến, ngay trong nhiều gia đình, những chiếc điện thoại vẫn len lỏi trong bữa ăn, trên bàn ăn. Khi các bậc cha mẹ vẫn còn dán mắt vào điện thoại, làm sao để con cái tạm rời cái điện thoại? Lỗi này hẳn là từ phía cha mẹ đấy thôi.

Tôi cho rằng, giữa cha mẹ và con cái cần có những bản giao ước, quy định rõ ràng về mục đích, thời gian, giờ giấc, thời lượng sử dụng điện thoại và máy tính hằng ngày; đồng thời được và không được truy cập vào những trang nào.

Khi có sự thống nhất giữa đôi bên, việc sử dụng khoa học cùng sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh, một cái điện thoại hay mười cái điện thoại cũng chẳng làm hỏng các con được. Thiếu những bản “khế ước” này, trẻ rất dễ bị lôi kéo vào điện thoại, sống ảo, lạc lối. Đó rõ ràng là trách nhiệm của người lớn chứ nào phải tại cái điện thoại?

Thay vì chúng ta cứ hết lời đổ lỗi cho cái điện thoại, hoang mang, lo lắng điện thoại sẽ “ru ngủ” con em mình, hãy học cùng con, chia sẻ với con cách sử dụng sao cho phù hợp nhất, an toàn và hiệu quả nhất. Chỉ có như vậy chúng ta mới giúp được con chứ không phải lo sợ thì cấm điện thoại. Bởi thực tế, ngay cả trong gia đình, phụ huynh có ra rả cấm con thì trẻ vẫn "lách luật", có cách sử dụng lén lút đấy thôi.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, có 72% học sinh các nước thành viên OECD sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng tại trường. Ở Hàn Quốc và Thượng Hải - Trung Quốc (xếp thứ nhất và thứ năm môn toán PISA 2012), tỉ lệ này chỉ là 42% và 38%. Nhìn chung, kết quả PISA 2012 của những nước sử dụng nhiều công nghệ số trong trường học (đặc biệt là Tây Âu) đều bị thụt lùi so với 2009. Ngược lại, những nước sử dụng có chừng mực công nghệ số đều có kết quả PISA tốt.

Australia và Na Uy (thứ 19 và 30 môn toán PISA 2012) là ngoại lệ dù đã đưa công nghệ số vào nhà trường từ 5 đến 10 năm nay. Theo OECD, Australia và Na Uy thành công vì sử dụng công nghệ số để thay đổi phương pháp giảng dạy, tác động đến cả ba đối tượng học sinh (khá, giỏi; trung bình; yếu, kém) và tạo ra sự tương tác thật sự giữa người dạy và người học.

(ghi)