Trong tranh cử, ông Donald Trump hứa “giải quyết xung đột ở Ukraine trong 24 giờ”, nhưng không cho biết bằng cách nào. Đội ngũ cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ “bật mí”, sẽ gây sức ép để cả Nga và Ukraine tuân theo kế hoạch của Washington. Mới đây, kế hoạch của ông Donald Trump phần nào hé lộ. Hy vọng nhưng cũng không ít băn khoăn.
Trong tranh cử, ông Donald Trump hứa “giải quyết xung đột ở Ukraine trong 24 giờ”... (Nguồn: The Times) |
Khoảng lặng cần thiết
Nội dung cốt lõi trong kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine của Mỹ là, hai bên thỏa thuận ngừng bắn; thiết lập khu phi quân sự giữa Moscow và Kiev theo chiến tuyến hiện thời. NATO hoặc một số nước khác có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine để kiểm soát thỏa thuận ngừng bắn và khu phi quân sự.
Hai vấn đề cơ bản được các kế hoạch gia Mỹ treo theo kiểu lách. Một, Ukraine không buộc phải từ bỏ chủ quyền lãnh thổ do Nga kiểm soát mà giải quyết sau bằng biện pháp ngoại giao. Chấp nhận thực trạng mà Kiev vẫn tránh được tiếng “đổi đất lấy hòa bình”. Hai, tạm treo có thời hạn việc Ukraine gia nhập NATO.
Ngừng bắn, tạo cơ hội đàm phán chấm dứt xung đột là điều mà cộng đồng quốc tế hết lòng ủng hộ. Mỹ đi đầu dẫn dắt phương Tây hăng hái viện trợ Ukraine, nên dư luận không thể không đặt câu hỏi: Kế hoạch toan tính gì và liệu có khả thi?
Theo chuyên gia quân sự, Ukraine đang thất thế, viện trợ máy bay, tên lửa, kể cả Tomahawk cũng không làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường. Trong bối cảnh đó, đóng băng xung đột với một vài nhượng bộ, tránh nguy cơ mất thêm đất, tạo thời gian, cơ hội cho Ukraine củng cố quân đội, phục hồi, phát triển công nghiệp quốc phòng, kinh tế, để tính kế lâu dài là cái giá khá hời.
Lực lượng gìn giữ hòa bình bị chi phối, vừa ngăn chặn vi phạm lệnh ngừng bắn vừa có thể là lá chắn kín đáo cho các hoạt động của phương Tây và Ukraine, mà quốc tế khó kiểm tra, giám sát. Theo tình báo Nga, NATO dự kiến triển khai 100.000 quân đến Ukraine dưới danh nghĩa này. Lực lượng đó có điều kiện trực tiếp huấn luyện, hỗ trợ xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng, nâng chất quân đội Kiev.
Khi Ukraine đủ mạnh, vượt qua khó khăn hiện tại, thì việc tiếp tục thực hiện mục tiêu còn dang dở cũng không muộn. Có thể nói bản chất, toan tính trong kế hoạch của Mỹ là tạm đóng băng xung đột, tạo khoảng lặng cần thiết, tạo thời cơ cho Kiev chuyển hóa so sánh thế và lực, tiến tới giành các mục tiêu mà hoạt động quân sự hiện nay không thể thực hiện được.
Phương Tây nhẹ gánh viện trợ cho Ukraine, NATO tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga mà vẫn thực hiện được mục tiêu, không để đối thủ thắng và lâu dài là làm Moscow suy yếu.
Kiev có thể “co kéo” đôi chút, đòi hỏi thêm viện trợ tài chính và vũ khí, nhưng được ưu ái, cộng với sự phụ thuộc vào viện trợ của NATO, phương Tây nên cơ bản sẽ tuân theo kế hoạch.
Mỹ và phương Tây cho rằng có cơ sở để tin Nga buộc phải thỏa hiệp. Một, Moscow gặp khó khăn do lệnh trừng phạt và tổn thất lớn qua hơn 1000 ngày xung đột. Hai, họ treo “con bài tẩy” là từng bước giảm nhẹ và có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt nếu Nga chấp nhận đầy đủ kế hoạch; ngược lại, sự can dự trực tiếp và sức ép mọi mặt sẽ mạnh hơn.
Ba, kế hoạch này không làm Moscow quá mất mặt. Bốn, Nga không chấp thuận là đi ngược với xu thế chung, sẽ hứng chịu áp lực phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Toan tính là vậy, nhưng Moscow chấp nhận thế nào lại là chuyện khác.
Dù sao, còn quá sớm để cho rằng kế hoạch mới của ông Donald Trump có thể chấm dứt xung đột... (Nguồn: Adobe Stock) |
Tính khả thi và hy vọng điều chỉnh
Moscow không khó nắm bắt ý đồ lâu dài của Mỹ và phương Tây. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, Thỏa thuận Minsk I (2014) và Minsk II (2/2015) là một nỗ lực để “cho Ukraine thời gian trở nên mạnh mẽ hơn”. NATO đã thất hứa trong việc không mở rộng về phía Đông, bao vây, áp sát Nga.
Mỗi khi Mỹ thay đổi Tổng thống, chính quyền mới có thể từ bỏ các cam kết ký trước đó. Những điều đó cho thấy, không có cơ sở chắc chắn để tin lần này Mỹ và NATO thực hiện đúng cam kết.
Nga tuy gặp khó khăn nhưng vẫn trụ vững, giành lợi thế trên chiến trường, đang từng bước mở đường gỡ thế bao vây, cô lập; còn tiềm lực để theo đuổi mục tiêu cơ bản của mình. Chiến dịch quân sự đặc biệt trải qua hơn 1.000 ngày với không ít tổn thất, nên Nga không dễ dàng thỏa hiệp, đổi lấy những cam kết mù mờ.
Đối tượng Nga muốn đối thoại trực tiếp là Mỹ và NATO. Mục tiêu cơ bản của Moscow là Kiev phải trung lập thực sự, vĩnh viễn không gia nhập NATO và Nga kiểm soát các vùng đã sáp nhập, để tạo vùng đệm bảo đảm an ninh lâu dài cho mình. Nhưng điều này thì NATO không cam kết một cách rõ ràng, cụ thể.
Do đó, Nga khó chấp nhận đóng băng xung đột với các nội dung cơ bản trong kế hoạch của Mỹ. Ngừng bắn là nấc thang đầu tiên mở đường cho các bước tiếp theo. Với tương quan lực lượng và toan tính của các bên, chưa thể nói chuyện ngừng bắn vào thời điểm này.
"Nga kiên quyết phản đối mọi đề xuất đóng băng xung đột, dù theo kịch bản bán đảo Triều Tiên hay bất kỳ phương án nào khác". (Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergey Naryshkin) |
Nhưng để thể hiện thiện chí, Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng tiếp xúc với ông Donald Trump. Hy vọng sự kiện này có thể hé mở đôi chút cách tháo gỡ bế tắc.
Từ nay đến thời điểm đó, các bên sẽ vẫn gia tăng hoạt động quân sự, có thể với quy mô, cường độ cao hơn, nhằm giành lợi thế và tạo sức ép lớn nhất cho đối phương. Xung đột vẫn rất phức tạp, khó đoán định.
Con đường gặp gỡ, đối thoại về kế hoạch chấm dứt xung đột của Mỹ nhiều chông gai, trắc trở ngay từ điểm khởi đầu. Không loại trừ bế tắc, đổ bể nếu không điều chỉnh một số nội dung cơ bản.
Tuy nhiên, kế hoạch phác thảo ban đầu vẫn là cơ sở, là thứ để tất cả các bên nắm lấy, theo đuổi. Thực trạng đòi hỏi các bên phải có cái nhìn thực tế hơn để tự điều chỉnh. Nên cộng đồng quốc tế vẫn có quyền hy vọng, với một bản kế hoạch thực tế, khả thi hơn.