Cảnh báo mạnh mẽ chưa từng thấy
Theo quan điểm của Nga, bộ ba hạt nhân vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh quốc gia và của người dân; là công cụ để duy trì sự cân bằng chiến lược và quyền lực trên thế giới.
Học thuyết hạt nhân của Nga năm 2020 quy định 4 trường hợp có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Một, khi có “thông tin đáng tin cậy” về việc kẻ thù phóng tên lửa đạn đạo chống Nga và đồng minh; hai, kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt lớn khác để chống lại Nga và đồng minh; ba, kẻ thù tấn công vào “cơ sở quân sự, nhà nước quan trọng” có thể làm gián đoạn năng lực phản ứng của lực lượng hạt nhân; bốn, kẻ thù tấn công bằng vũ khí thông thường có khả năng đe dọa sự tồn vong quốc gia của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin hy vọng “sẽ không bao giờ” xảy ra một cuộc đáp trả hạt nhân giữa Nga và phương Tây. (Nguồn: Financial Times) |
Ngày 25/9, tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng tình hình chính trị, quân sự thế giới đang thay đổi lớn, xuất hiện các mối đe dọa mới. Đó là, “các diễn biến căng thẳng dọc theo biên giới quốc gia” ngày càng gia tăng; Nga đang phải đối đầu trên nhiều mặt trận với NATO, phương Tây với nhiều hành động khó lường. Nên cần thiết phải điều chỉnh, cập nhật Học thuyết hạt nhân.
Đề xuất mới nổi bật ba điểm nhấn về trường hợp/ngưỡng Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Một là, khi một quốc gia bất kỳ tấn công đường không quy mô lớn vào lãnh thổ Nga, bằng vũ khí thông thường (tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh, máy bay chiến lược, chiến thuật, UAV và các phương tiện hỏa lực đường không khác), đe dọa chủ quyền của Nga.
Hai là, hành động chống lại Nga của “bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, được sự tham gia, hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” là một cuộc tấn công “liên minh chung của họ”. Moscow sẽ đáp trả vào cả hai đối tượng. Ba là, các trường hợp mở rộng áp dụng cho cả đồng minh Belarus.
Có thể thấy sự điều chỉnh rõ ràng, cụ thể hơn về ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và đối tượng nhắm vào. Mặc dù không chỉ đích danh một quốc gia nào, nhưng ai cũng hiểu nó là lời cảnh báo, răn đe Ukraine và những quốc gia NATO, phương Tây hăng hái, tiên phong can dự trực tiếp, hỗ trợ Kiev tiến công sâu vào lãnh thổ Nga (Washington, London).
Thực tế, Nga khá dè dặt trong việc sử dụng loại vũ khí này, bởi hậu quả vô cùng thảm khốc, khó lường của cuộc chiến tranh hạt nhân đối với tất cả các bên. Cuối tháng 6, Tổng thống Putin vẫn bày tỏ hy vọng “sẽ không bao giờ” xảy ra một cuộc đáp trả hạt nhân giữa Nga và phương Tây. Răn đe mạnh mẽ là cách hữu hiệu ngăn chặn điều tồi tệ xảy ra.
Có thể thấy ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hạ thấp, đồng nghĩa mối đe dọa và khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân tăng cao. Đó là lời cảnh báo mạnh mẽ chưa từng thấy của Nga.
Trò chơi tâm lý hay nguy cơ hiện hữu
Phương Tây vừa “đứng ngồi không yên” vừa không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của tình thế. Một số lãnh đạo phương Tây cho rằng chỉ là hành động “đe dọa bằng lời nói” của Nga! Moscow “chơi trò tâm lý”! Điện Kremlin “chùn tay” khi phải đối đầu với liên minh hạt nhân giữa Mỹ và một số quốc gia của NATO! Ông Putin không dám làm vì sợ bị thế giới lên án...
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố hành động của Nga là “cảnh báo vô trách nhiệm và không đúng thời điểm”. Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak nhìn nhận động thái của Nga thể hiện sự yếu kém của Nga! Cơ sở cho những quan điểm trên là Moscow không đáp trả khi một số lần “lằn ranh đỏ” bị vượt qua và họ chưa thấy Nga có động thái chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân và sẽ bị phương tiện trinh sát NATO nắm chắc.
Binh sĩ Nga canh gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Đông Nam Ukraine. (Nguồn: AP) |
Ở chiều ngược lại, một số chính khách, chuyên gia phương Tây tỏ ra khách quan và lo lắng. Nhà bình luận quân sự Mỹ Earl Rasmussen nói, Moscow cố gắng gửi tín hiệu cảnh báo; họ rất nghiêm túc; phớt lờ cảnh báo của Nga “là một sai lầm nghiêm trọng”. Không nên khiêu khích Nga.
NATO đang có những động thái mở rộng can dự, mập mờ “bật đèn xanh” cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, họ có thể dùng chúng (vũ khí Mỹ cung cấp) để tấn công vào mục tiêu Nga ở bên kia biên giới. Tổng thư ký NATO bấy giờ là ông Jens Stollenberg cho biết, mỗi quốc gia thành viên tự đưa ra quyết định về việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào Nga. Một số quốc gia bày tỏ hưởng ứng sự “nới rộng”.
Tham chiếu lịch sử, kịch bản nào phía trước
Tuyên bố về các trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân nêu rõ điều kiện có “thông tin đáng tin cậy” về cuộc tấn công của đối phương. Cái nguy hiểm là quyết định ấn nút hạt nhân của các bên không chỉ dựa trên hệ thống dữ liệu đầy đủ, chính xác mà còn do những cảnh báo, suy đoán chủ quan của một số khâu trong cả hệ thống.
Thực tế, từng xảy ra những chuyện như vậy và thế giới đã một số lần đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Có thể dẫn một số trường hợp sau:
Đêm 5/11/1956 suýt xảy ra cuộc tấn công và đáp trả hạt nhân. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Bắc Mỹ (NORAD) nhận được báo cáo có nhiều hành động đáng nghi ngờ, máy bay Liên Xô hoạt động trên bầu trời Syria, 1 máy bay của Anh bị bắn rơi và nhiều hoạt động bất thường của hải đội Nga tại eo biển Dardanelles, Thổ Nhĩ Kỳ. Kiểm tra kỹ thì ra 1 đàn Thiên Nga bay qua bầu Thổ Nhĩ Kỳ, 1 máy bay hộ tống Tổng thống Syria, 1 máy bay Anh rơi vì lý do kỹ thuật và Hải quân Liên Xô tập trận thường xuyên.
Khủng hoảng hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ ở Cuba ngày 27/10/1962. Hệ thống răn đe hạt nhân Mỹ báo động nhầm tháng 10/1962. Nhiễu động từ tính do bão mặt trời ngày 23/5/67 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống rada cảnh báo sớm của Mỹ theo dõi tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô gặp lỗi báo động giả do nhận diện nhầm phản chiếu ánh nắng trên các đám mây thành vụ phóng 5 tên lửa của Mỹ đêm 25 rạng 26/9/1983.
Able Archer 83 là một trong ít nhất 6 cuộc tập trận được đưa vào Autumn Forge 83, một cuộc tập trận huấn luyện quân sự của NATO. (Nguồn: Getty Images) |
Cũng năm 1983, NATO tổ chức cuộc diễn tập lớn về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân mang tên Able Archer, có máy bay ném bom chiến lược B-52 tham gia. Liên Xô nghi diễn tập là vỏ bọc cho cuộc tấn công hạt nhân, hạ lệnh báo động lực lượng răn đe chiến lược; tổ chức hệ thống giám sát hạt nhân… Do không phát hiện hoạt động bất thường, Liên Xô lệnh hạ cấp báo động.
Như vậy, thế giới không ít lần chết hụt vì những nhầm lẫn lãng xẹt. Dù chưa có quyết định sai lầm nào đưa ra, nhưng liệu có may mắn mãi không? Trong học thuyết hạt nhân có phương án đánh đòn phủ đầu, trước khi đối phương ra tay. Họ tin có thể ra đòn trước mà không phải chịu hậu quả đáng kể nào? Nhưng với các phương tiện vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại, có thể phóng từ trên không, vũ trụ, mặt đất và từ tàu ngầm, thì chỉ một phần nhỏ của kho hạt nhân không lồ hiện nay cũng đủ san phẳng nhiều thành phố.
Tính toán, quyết định chiến lược sai lầm của lãnh đạo các cường quốc hạt nhân là điều vô cùng nguy hiểm cho chính họ và cho nhân loại. Trở lại cuộc xung đột ở Ukraine, dù Nga thật sự không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân và coi đó là quyết định vô cùng khó khăn, nhưng không loại trừ xảy ra kịch bản tồi tệ. Đó có thể là:
Một, NATO, phương Tây hỗ trợ, chi viện Ukraine tấn công đường không quy mô lớn vào lãnh thổ Nga, hoặc đánh chiếm Crimea. Hai, thế trận của Kiev có nguy cơ đổ vỡ, NATO và phương Tây dốc vũ khí hiện đại cho Ukraine và đưa quân trực tiếp vào cứu nguy. Ba, cục diện chiến trường xoay chuyển bất lợi cho Moscow; NATO và phương Tây tiếp tục hành động khiêu khích Nga.
Khi buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân, bước đầu Nga có thể tiến hành ở quy mô chiến thuật vào các mục tiêu trên phạm vi Ukraine, cũng có thể một số mục tiêu của Mỹ, NATO ở châu Âu. Tùy theo phản ứng của NATO, phương Tây mà chiến tranh hạt nhân có thể diễn ra với quy mô khác nhau. Trong trường hợp NATO, phương Tây đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và tăng cường lực lượng áp sát, bao vây Nga, thì chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng phát. Nếu một trong hai bên đánh đòn hạt nhân phủ đầu sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân tổng lực, Thế chiến III bùng nổ.
***
Nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, dù với bất cứ hình thức, quy mô nào, thì hậu quả cũng vô cùng thảm khốc, với cả châu Âu, Nga và không lại trừ Mỹ và các khu vực khác. Trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân tổng lực, nhiều khu vực trên hành tinh bị xóa sổ, đám mây hạt nhân che phủ hầu hết bầu trời; mục tiêu thiên niên kỷ, các quyết định ở Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 trở thành dĩ vãng, nhân loại bước vào thời kỳ tăm tối…
Tính toán, quyết định chiến lược sai lầm của lãnh đạo các cường quốc hạt nhân là điều vô cùng nguy hiểm cho chính họ và cho nhân loại. (Nguồn: Business Insider) |
Kể cả khi không xảy ra kịch bản hạt nhân nào, thì cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vẫn sẽ bùng phát dữ dội. Các quốc gia đang và có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tăng tốc, gia tăng các cuộc thử nghiệm và số lượng vũ khí trong kho hạt nhân... Những quốc gia khác thì lo tìm kiếm ô hạt nhân của các cường quốc.
Vì thế, cộng đồng quốc tế, nhất là nhân dân các cường quốc hạt nhân phải thúc đẩy mạnh mẽ chính phủ thực hiện công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, khu vực không có vũ khí hạt nhân… Phát huy vai trò của Liên hợp quốc, đề xuất cơ chế, sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính phủ các nước, đặc biệt là nước lớn cần thực sự tuân thủ nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, có lý, có tình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Là quốc gia chịu nhiều hậu quả chiến tranh, tập trung mọi nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã, đang và tiếp tục cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của nước thành viên Liên hợp quốc; đi đầu, ủng hộ tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và giải trừ quân bị, xây dựng một thế giới không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.