Kể từ khi cựu Đại sứ Terry Branstad (trái) rời đi vào tháng 10/2020, vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn bị bỏ trống. (Nguồn: Getty Images) |
Ông Tần Cương đã đến Mỹ vào cuối tháng 7 và chính thức bắt đầu vai trò Đại sứ tại Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ khi cựu Đại sứ Terry Branstad rời đi vào tháng 10/2020, vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn bị bỏ trống trong 310 ngày qua, khoảng thời gian dài nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Trước đó, có thông tin cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bổ nhiệm cựu đặc sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Nicholas Burns làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhưng vẫn chỉ là tin đồn.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, chiếc ghế đại sứ Mỹ bị để trống là cực kỳ hiếm.
Chuyên gia Vladimir Zakharov, giảng viên tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, nhận định có "sự phức tạp trong việc lựa chọn ứng cử viên, trước hết, cần tương ứng với chiến lược địa chính trị, phải được thông qua trong khuôn khổ đường lối của cả Nhà Trắng và Quốc hội".
Theo ông Zakharov, rất có thể một cuộc tìm kiếm ứng viên phù hợp kéo dài như vậy là do thực tế "vẫn chưa xác định đầy đủ chính sách giữa hai quốc gia" và Mỹ hiện có "quan hệ kinh tế và địa chính trị rất phức tạp với Trung Quốc".
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 1979, đã có 12 đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Khoảng thời gian dài nhất giữa hai lần bổ nhiệm là gần 7 tháng.
Tuy nhiên, không chỉ vị trí Đại sứ tại Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc bổ nhiệm các quan chức vào nhiều vị trí.
Theo Global Times, khi Quốc hội Mỹ nghỉ hè cho đến cuối tháng 8, một số ứng cử viên đại sứ Mỹ thậm chí có thể không được Quốc hội chấp thuận cho đến năm 2022.
Điều đáng chú ý là cho đến nay, Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ tại một số nước trong khu vực châu Á, như tại Nhật Bản.
Kể từ khi cựu Đại sứ Mỹ tại Tokyo William Hagerty từ chức vào tháng 7/2019 để tranh cử vào Thượng viện, vị trí này vẫn bị bỏ trống, lập kỷ lục về thời gian trống ghế lâu nhất của đại sứ Mỹ tại Nhật Bản kể từ Thế chiến II.
Theo chuyên gia Nga, những bước đi như vậy có thể cho thấy Nhà Trắng không vội cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và coi đây là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính.
Trong khi đó, tân Đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương cũng đang chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh chính trị và ý thức hệ hợp lý với Mỹ, đồng thời lưu ý, "cánh cổng cho các cuộc tiếp xúc đang mở ra và không nên đóng lại", tuy nhiên, nếu xu hướng đối đầu và kiềm chế Trung Quốc tiếp tục, mối quan hệ song phương sẽ không có gì tốt đẹp hứa hẹn.