Chuyến tàu đưa khách tới vùng đất tận cùng cực Nam của Trái đất. (Nguồn: Flickr) |
Ở vùng cực Nam của Nam Mỹ, ngoài dãy Andes là thành phố Ushuaia (Argentina) xinh đẹp đầy màu sắc - nơi còn được mệnh danh là "thành phố cực Nam của thế giới". Và ngay bên ngoài cùng ngoại ô của thành phố là một tuyến đường sắt hơi nước nhỏ với tên gọi "Tren del Fin del Mundo" (Chuyến tàu tới nơi tận cùng của thế giới).
Nhà ga chính của tuyến đường sắt vốn từng là nhà tù quân sự cũ. Những tuyến đường từng được các tù nhân xây dựng trong quá khứ. Ngày nay, đường sắt nam Fuegian đưa du khách đi dọc theo thung lũng Pico đẹp như tranh vẽ, qua hẻm núi Toro với rừng rậm, xuyên vào công viên quốc gia tuyệt đẹp.
Thành phố Ushuaia vốn nằm trên hòn đảo Isla Grande de Tierra del Fuego. Đây là một trong những vùng đất cuối cùng ở châu Mỹ bị đô hộ. Nó được nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha - Ferdinand Magellan phát hiện ra lần đầu vào năm 1520. Chính ông cũng là người đặt tên cho quần đảo "Isla Grande de Tierra del Fuego" có nghĩa là "Vùng đất của lửa" do ông nhìn thấy những cột khói và lửa bốc lên từ các khu định cư của dân bản địa trên đảo.
Sau đó, rất ít người châu Âu tới đây. Nhưng khi đổ bộ, họ gần như xóa sổ những người dân bản địa cũ do mang tới hàng loạt những căn bệnh, từ đậu mùa tới sởi. Trong khi đó, người dân trên đảo vốn không có khả năng miễn dịch trước những căn bệnh này.
Phải tới nửa sau của thế kỷ XIX, khi những người truyền giáo và định cư đầu tiên lên đảo, thành phố Ushuaia mới dần được hình thành và như chúng ta biết ngày nay.
Chuyến tàu của ngày nay, đưa du khách có cơ hội trở lại những giây phút của quá khứ. (Nguồn: Flickr) |
Tới cuối thế kỷ XIX, đảo Isla Grande de Tierra del Fuego lại bị chính phủ Argentina biến thành nhà tù quân sự để giam giữ các tội phạm nguy hiểm. Nhà tù được thiết kế theo phong cách panopticon với các cánh tỏa ra như nan hoa từ bánh xe và một tháp trung tâm. Đây cũng là nơi quản giáo quan sát tù nhân.
Chính vì sự cô lập này, việc trốn khỏi đảo là điều gần như không thể. Năm tháng trôi qua, những người này dần dần trở thành cư dân bất đắc dĩ của Isla Grande de Tierra del Fuego. Họ xây dựng thị trấn bằng gỗ, dựng đường sắt phục vụ việc định cư và vận chuyển vật liệu xây dựng.
Tuyến đường sắt ban đầu được xây dựng từ các đường ray bằng gỗ với các toa xe bò kéo. Năm 1909, những người đứng đầu nhà tù đã nâng cấp thành đường ray thép và đầu máy hơi nước. Đó là tuyến đường ray chạy dọc theo bờ biển, từ nhà tù tới các cánh rừng. Qua đó, tù nhân có thể mang củi ở rừng về nấu ăn, sưởi ấm và xây dựng. Khi đó, chuyến tàu còn gọi là "Tren de los Presos" hay "Chuyến tàu của những người tù".
Đường sắt dần được kéo dài vào rừng rồi cả những vùng xa xôi hơn khi gỗ bắt đầu cạn kiệt. Nó đi vào thung lũng sông Pipo rồi tới địa hình cao hơn. Tới năm 1947, nhà tù bị đóng cửa. Đến năm 1950, một căn cứ hải quân được thành lập ở Ushuaia. Thành phố vẫn bị tách biệt so với phần còn lại của thế giới cho tới khi chiến tranh Falkland kết thúc vào năm 1982 và sự tái lập nền dân chủ ở Argentina.
Từ tuyến đường sắt từng bị lãng quên, sau đó được hoạt động trở lại thành tuyến đường phục vụ du lịch, được đổi tên thành "Chuyến tàu tới nơi tận cùng thế giới" như ngày nay. Đây cũng là tuyến đường sắt hoạt động ở cực Nam của thế giới.
Trên chuyến tàu này, du khách sẽ ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp của công viên quốc gia Tierra del Fuego, những cánh đồng xanh rì, đi qua cánh rừng rậm rạp và cả dòng sông trong quá khứ. Tiếp đó là cơ hội tới nhà tù cũ rồi đi dọc tuyến đường là nơi do các tù nhân xưa kia xây dựng ban đầu.
| Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón chuyến tàu khách đầu tiên Sáng nay, 27/11, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), Tập đoàn SunGroup đã tổ chức đón chuyến tàu khách đầu tiên ... |
| Cuba ký sự (kỳ cuối): Chuyến tàu trở về quá khứ Chuyến tàu đi thăm Cardenas tình cờ đưa tôi trở lại thời xa xưa trên quê hương mình, với tuổi thơ của mỗi người thế ... |
| Khởi hành chuyến Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2010 Sau nhiều tháng ngày chờ đợi, chuyến tàu Thanh niên Đông Nam Á năm 2010 (SSEAYP 2010) đã sẵn sàng cho ngày khởi hành với ... |