Ông Lukashenko và Áo cũng như EU và một số nước láng giềng với Nga đang chơi với nhau cuộc chơi chung nhưng đều có mục đích riêng. (Nguồn: AP) |
Chuyến thăm Áo của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không chỉ đơn thuần mở ra thời kỳ quan hệ mới cho Belarus với Áo nói riêng và với EU nói chung mà còn phản ánh thực trạng rất đặc thù hiện tại trong mối quan hệ giữa Nga với EU và nhiều nước ở khu vực láng giềng xung quanh Nga.
Trong 25 năm cầm quyền ở Belarus đến nay, ông Lukashenko trên thực tế bị EU cô lập, nếu như không muốn nói là tẩy chay. Người này suốt thời gian ấy chỉ có 2 chuyến thăm làm việc ở Toà thánh Vatican năm 2009 và ở Italy năm 2016. Mãi đến bây giờ, ông Lukashenko mới được mời thăm chính thức cấp nhà nước với đầy đủ mọi nghi thức lễ tân cao nhất và trang trọng nhất ở một quốc gia thành viên EU.
Áo: lối “ngỏ” trong quan hệ Nga - EU
Không phải ngẫu nhiên mà sự mở đầu cho một thời kỳ quan hệ mới giữa Belarus với cả EU được diễn ra ở Áo. Câu trả lời cho câu hỏi vì sao lại như thế có thể thấy được ở một thực tế là, trong khi EU nói chung và nhiều thành viên EU nói riêng tìm mọi cách để cô lập Nga về chính trị và trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính, thì quan hệ giữa Áo và Nga vẫn được duy trì bình thường, nếu như không muốn nói là vẫn êm đẹp, bất kể phe cánh chính trị nào lên cầm quyền ở Áo.
Lý do có phần ở trong nội bộ EU không có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng trong chính sách đối với Nga và nhiều thành viên EU theo đuổi lợi ích riêng trong quan hệ với Nga. Một nguyên do khác rất quan trọng là EU dẫu có làm găng với Nga và đối đầu Nga đến mấy thì cũng vẫn phải để ý giữ cầu quan hệ với Nga và vẫn phải để ngỏ lối chứ không thể đóng sập hết cửa quan hệ với Nga.
Áo đảm trách vai trò ấy thích hợp nhất đối với EU vì được tiếng là trung lập từ thời xưa và nay trung dung giữa các thái cực trong EU, cũng như giữa phe Tây Âu và phái Đông Âu, giữa phái Bắc Âu và phe Nam Âu, giữa diện thành viên cũ và nhóm các thành viên mới trong EU. Việc phía Áo đã tham vấn và thống nhất trong EU về lời mời và đón ông Lukashenko tới thăm chính thức là một trong những bằng chứng về điều ấy.
Ông Lukashenko và Áo cũng như EU và một số nước ở khu vực láng giềng xung quanh Nga chơi với nhau cuộc chơi chung nhưng đều theo đuổi mục đích riêng. Chẳng hạn như ông Lukashenko sử dụng mối quan hệ với Áo làm bàn đạp cho việc cải thiện quan hệ với EU.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực từ việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại, ông Lukashenko còn chủ ý gây dựng đối trọng cho quan hệ của nước này với Nga, giúp Belarus vừa bớt lệ thuộc vào Nga, vừa có được vị thế mới trong quan hệ với Nga. Những nước láng giềng xung quanh Nga cũng đều theo đuổi mục đích tương tự khi tìm kiếm và tìm cách thúc đẩy quan hệ với EU.
Ở đây, ông Lukashenko chơi đồng thời hai con chủ bài là mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Nga và Belarus cũng như vai trò của Belarus trong quá trình đàm phán giữa EU và Nga về giải quyết mọi vấn đề ở Ukraine và liên quan đến Ukraine. Cho tới nay, hai thoả thuận đạt được cho Ukraine đều mang tên Thủ đô Minsk của Belarus.
Chủ bài mới, cách chơi mới với Nga
Mục đích của EU là phân hoá Nga với các nước ở khu vực láng giềng xung quanh Nga, không để Nga có được khu vực ảnh hưởng rộng lớn và ràng buộc những nước này vào Nga. Vì chỉ muốn níu kéo chứ không muốn kết nạp các nước này vào liên minh, EU phải dùng sự phân hoá này để các nước kia không nghiêng lệch về phía Nga.
Ông Lukashenko bây giờ được phía Áo trải thảm đỏ trọng thị đón tiếp vì phía Áo có chủ ý riêng ở thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhưng cũng còn ở cả mục đích củng cố và đề cao vai trò làm cầu nối EU với Nga và các nước ở khu vực láng giềng xung quanh Nga cũng như để có thêm cho chủ bài mới trong quan hệ của Áo với Nga. Phía Áo phải làm việc này vào thời điểm hiện tại vì như thế sẽ có lợi nhất cho Áo vì phía ông Lukashenko đã sẵn sàng trả giá cao cho việc mở ra thời kỳ quan hệ mới của Belarus với EU - nhờ Áo - và vì EU hiện không chỉ khó khăn trong nội bộ mà còn bị yếu thế trong quan hệ với Nga mà muốn xoay chuyển tình thế thì phải gây dựng nên con chủ bài mới hoặc chơi theo cách mới con chủ bài cũ trong quan hệ với Nga.
Như thế, biểu hiện ra bên ngoài có thể khác nhưng trong thực chất ở cục diện quan hệ giữa các đối tác này là tận dụng và lợi dụng lẫn nhau.