📞

Đình công lịch sử tại Starbucks: Hơn 10.000 lao động phản đối lương thấp, hàng trăm cửa hàng lao đao

Hải Phương 14:34 | 24/12/2024
Trước thời điểm kết thúc năm 2024, Tổ chức công đoàn Starbucks Workers United (SBWU) đang nỗ lực tăng lương cho người lao động của công ty trên toàn nước Mỹ.
Công nhân Starbucks biểu tình bên ngoài một cửa hàng Starbucks đã đóng cửa ngày 20/12 tại California, Mỹ. (Nguồn: AP)

Cuộc đình công diễn ra trong khoảng thời gian kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, khi nhu cầu về đồ uống, thiệp và các sản phẩm kèm theo tăng mạnh.

Người lao động bắt đầu đình công từ ngày 20/12 tại ba bang Chicago, Los Angeles và Seattle, sau đó lan rộng tại các bang Colorado, Ohio, Pennsylvania. Hai ngày sau, người lao động tại ba bang Missouri, New Jersey và New York cũng tham gia đình công.

Theo ước tính của SBWU, hơn 10.000 người lao động tại 525 cửa hàng đã tham gia vào các cuộc đình công. Có tổng số 30 cửa hàng trên toàn nước Mỹ đã đóng cửa hoàn toàn trong hai ngày đầu và số cửa hàng đóng cửa dự báo sẽ lên tới hàng trăm vào dịp Giáng sinh.

SBWU kêu gọi tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên theo giờ lên 64% và 77% trong 3 năm tới.

Về phần mình, Starbucks tuyên bố các cuộc đình công không gây ảnh hưởng lớn với hoạt động điều hành nói chung của nhãn hàng, chỉ có 1 số ít các cửa hàng bị ảnh hưởng.

Trước đó, vào tháng 2/2024, SBWU và Starbucks đạt thỏa thuận về việc giải quyết vụ kiện hồi tháng 5/2022 liên quan tới quyền lợi người lao động. Công ty này cũng đồng ý cung cấp tiền boa tín dụng và gói quyền lợi đã thông báo trước đó cho người lao động thuộc công đoàn.

Kể từ tháng 4/2024, SBWU đã tổ chức hơn 9 phiên thương lượng trong hơn 20 ngày với Starbucks. Ngày 19/12, nhãn hàng đồ uống tuyên bố đã kết thúc các phiên thương lượng.

Theo Starbucks, công ty đề xuất không tăng lương và chỉ đảm bảo tăng 1,5% lương, tương đương tăng ít hơn 50 cents/giờ, cho người lao động vào các năm kế tiếp.

SBWU từ chối đề xuất trên và khẳng định: “Starbucks nói rằng họ coi trọng người lao động trên toàn hệ thống, nhưng đề xuất của họ không có sự thay đổi về lương và không giải quyết được hàng trăm hành vi lao động bất công vẫn còn tồn đọng khác. Người lao động biết giá trị của họ, vì vậy, họ không chấp nhận đề xuất".

SBWU đệ đơn kiện vào ngày 20/12, với lý do Starbucks “từ chối thương lượng và thiếu thiện chí thương lượng về các vấn đề tài chính”.

Ngày 22/12, Starbucks nhấn mạnh, gói quyền lợi mà công ty đưa ra không giống các bên khác, cụ thể, người lao động được trả trung bình 18 USD/giờ, tuy nhiên, sau khi áp dụng gói quyền lợi nói trên, mức lương sẽ tương đương 30 USD/giờ.

Dù vậy, SBWU cho biết, kể từ sau khi ông Brian Niccol lên làm CEO, ban quản lý đã không thực hiện theo thỏa thuận trước đó. Đáp lại, Starbucks khẳng định không thể trả mức lương yêu cầu, với lý do “đề xuất tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên theo giờ lên 64% và 77% trong 3 năm tới là không khả thi".

SBWU phủ nhận yêu cầu tăng lương mà Starbucks công bố, khẳng định nhãn hàng đã đưa ra các thông tin sai lệch.

(theo CNN)