Phụ huynh, giáo viên căng thẳng vì F0 bùng phát khi học sinh trở lại trường. (Nguồn: Dân trí) |
Phụ huynh bất an khi con vừa đến lớp đã thành F1
Tại TP Hải Phòng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, từ ngày 7/2, toàn bộ học sinh các cấp đã đến trường học trực tiếp.
Có con trai học lớp 6, phụ huynh Lê Nhung (Hải Phòng) luôn đi làm trong trạng thái bất an, thấp thỏm khi những ngày gần đây, tại địa phương, số ca F0 trong cộng đồng ngày một tăng, và ngôi trường cấp hai nơi con trai chị đang theo học cũng liên tục ghi nhận nhiều trường hợp học sinh dương tính với Covid-19.
Chị Nhung cho biết: "Được đi học trở lại, tôi thấy con hào hứng lắm. Tuy nhiên, người làm mẹ như tôi thì lại không khỏi lo lắng bởi khoảng 1 tuần trở lại đây, trường học xuất hiện nhiều trường hợp học sinh, cán bộ nhà trường nhiễm Covid-19.
Từ ngày đi học trở lại, lớp của con đã ghi nhận 2 học sinh thuộc diện F0. Nhiều hôm, 7h sáng tới trường thì 9h đã thấy con về nhà để theo dõi sức khỏe do trong nhà trường nhận được tin trong lớp xuất hiện ca mắc mới".
Nhiều lần, chị Nhung tính tới việc xin cho con học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, khi nghĩ đến ý định này, trong lòng người mẹ lại dâng lên nỗi lo "con sẽ bị "hụt" kiến thức và thay đổi tâm sinh lý theo chiều hướng tiêu cực nếu không được tới lớp gặp gỡ bạn bè, thầy cô".
Hiện tại, 3 ngày 1 lần, phụ huynh này lại sử dụng que test nhanh Covid-19 để theo dõi tình hình sức khỏe của con; nếu không xuất hiện điều gì bất thường, chị Nhung mới yên tâm đưa con đi học.
Tại TP Nam Định, sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng học sinh đã được "tới trường" một cách đúng nghĩa. Song, mọi thứ có vẻ không được suôn sẻ như kỳ vọng của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên khi xuất hiện trường hợp dở khóc dở cười như vừa đến lớp, học sinh đã phải quay về vì trở thành F1 hay thậm chí là F0.
Chị Nguyễn Lệ Thủy (Nam Định) cho hay, sau kỳ nghỉ Tết, con trai chị đã đến trường học trực tiếp. Song chỉ được 2 buổi đầu trọn vẹn, đến tối buổi thứ hai, phụ huynh này như "ngồi trên đống lửa" khi nghe tin trong lớp con trai chị có trường hợp nhiễm Covid-19.
"Nhận được thông báo tôi khá hoang mang, con vừa mới đến lớp mà đã phải tiếp xúc với F0. Lúc ấy gia đình cuống cuồng cả lên, cho con cách ly ngay lập tức và đi mua que test nhanh để kiểm tra.
Đến hôm nay, sau một tuần phát hiện có ca F0 thì cả lớp con lại phải quay trở lại với hình thức học trực tuyến. Thực sự rất hụt hẫng, bởi tôi luôn mong chờ ngày các con được đi học vì việc ở nhà quá lâu sẽ khiến con tù túng, bí bách, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng học tập".
Song, chị Thủy cũng cảm thấy không thực sự an tâm khi cho con tới trường trong thời điểm "nóng" như hiện tại.
"Nếu bây giờ hỏi tôi có muốn cho con tới trường nữa hay không, thì tôi không dám chắc sẽ trả lời là "có". Biết là không thể trốn dịch được mãi nhưng nếu cứ vừa tới trường lại phải quay về thì không ổn chút nào.
Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng như nhà trường cần có một kế hoạch hay biện pháp gì đó để việc tới trường của học sinh không bị gián đoạn, tránh tình trạng nay mở, mai đóng", chị Thủy bày tỏ.
Ngày 7/2, nhà giáo Nguyễn Thị Chung (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) trở lại trường để thực hiện công tác giảng dạy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Buổi học đầu tiên của năm mới, lớp 3C do cô Chung chủ nhiệm chỉ có 25/30 học sinh đi học.
Trong đó, một học sinh vắng mặt do nhiễm Covid-19; số còn lại đều là F1, phải ở nhà thực hiện cách ly.
Kết thúc tuần học đầu tiên, cho đến thời điểm hiện tại, sĩ số lớp cũng chưa thể đông đủ.
"Thậm chí, số lượng học sinh tới lớp còn giảm do xuất hiện thêm một vài em thuộc diện F0. Nhiều phụ huynh còn nhắn tin cho tôi, bày tỏ ý định xin cho con ở nhà học online", cô Chung cho biết.
Lo lắng khi trường học xuất hiện nhiều ca F0, song theo nhà giáo này, cô cùng các đồng nghiệp vẫn triển khai công tác giảng dạy trực tiếp một cách nghiêm túc, trách nhiệm, không thể vì sĩ số lớp không đông đủ mà cảm thấy nản lòng.
Đối với những học sinh không thể tới lớp, nhà trường đã trang bị một hệ thống camera ghi hình tiết dạy, sau đó kết nối với thiết bị dạy trực tuyến để các em theo dõi, học tập tại nhà.
Cô Chung nói: "Kết hợp vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp là phương pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại, giúp đảm bảo quyền học tập của học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai song hành hai hình thức "on-off" cũng còn tồn tại nhiều khó khăn.
Do giáo viên đứng lớp dạy trực tiếp nên không thể lắng nghe hay giải đáp cụ thể những thắc mắc, băn khoăn của những em đang theo dõi bài giảng theo hình thức trực tuyến, vì thế, những học sinh không đến trường sẽ chịu ít nhiều thiệt thòi.
Để khắc phục điều này, nhà trường đã lên kế hoạch để giáo viên dạy bổ sung cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi trong tuần. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc học của các em thông qua việc giao bài tập, kiểm tra bài vở qua hình thức online".
Lớp có thể thiếu học sinh, nhưng...
Theo giáo viên Hoàng Tình (giáo viên THCS, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì ngoài việc đến trường giảng dạy thì mỗi giáo viên hiện tại cũng đóng vai trò là một cán bộ y tế thường trực.
Cô nói: "Khi quyết định cho học sinh đi học lại trực tiếp bản thân chúng tôi cũng phải xác định tâm lý chiến đấu trên hai mặt trận "vừa chống vừa dạy". Với phương châm đó, nhà trường đã lên kế hoạch để xử lý khi phát hiện có học sinh là F0".
Theo đó, cô Tình cho biết, đội ngũ y tế nhà trường luôn trực sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Bên cạnh đó, triển khai mô hình phát giác F0 trong phạm vi lớp học, chính học sinh cũng sẽ là "đội sao đỏ" phát hiện và thông báo cho giáo viên khi thấy bạn nào đó có dấu hiệu bất thường.
"Tôi nghĩ học sinh cũng cần phải tự bảo vệ bản thân, phát hiện sớm vừa bảo vệ sức khỏe của bạn cũng như của mình. Khi thấy bạn có những triệu chứng thì phải thông báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm và tránh tiếp xúc với lớp khác.
Trong trường hợp phát hiện ca F0 tại lớp học thì nhà trường cũng đã chuẩn bị phòng học để cách ly. Sau đó, những trường hợp F1 cũng sẽ được tách riêng ra một nhóm để tiến hành xét nghiệm sàng lọc.
Với nhóm F1 này, chúng tôi sẽ lưu ý và thông báo tới phụ huynh để họ theo dõi sức khỏe con em tại nhà. Nếu không có triệu chứng gì bất thường thì có thể quay lại trường học từ sau 5-7 ngày", nhà giáo chia sẻ.
Bên cạnh đó, giáo viên này cũng cho hay, đội ngũ nhà giáo sẽ đảm bảo quyền lợi học tập của các em một cách tốt nhất, không để học sinh bị mắc Covid-19 chịu thiệt thòi; thay vào đó là sự quan tâm, động viên các em hơn để mau chóng khỏi bệnh và đến lớp.
Với cô Nguyễn Thị Chung, những ngày đầu năm mới mang rất nhiều cung bậc cảm xúc. Mừng vì được đi dạy trực tiếp, song cô cũng không khỏi lo lắng khi "trường học có F0".
Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, đối diện với thông tin "không khả quan", cô và đồng nghiệp đã không còn hoang mang, thay vào đó là bình tĩnh đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Cô Chung chia sẻ: "Khi trong lớp học xuất hiện trường hợp F0, giáo viên chủ nhiệm sẽ lọc danh sách các học sinh tiếp xúc gần để cho nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Lớp có thể thiếu học sinh, nhưng học sinh không được thiếu kiến thức.
Trong đó, những em F1 là tiếp xúc gần, các em sẽ ở nhà 7 ngày, xét nghiệm âm tính thì đi học lại. Trong quá trình cách ly tại nhà, các em sẽ học theo hình thức online.
Đối với trường hợp F0, tùy vào tình hình sức khỏe thì các em sẽ được điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế.
Những em còn lại trong lớp di chuyển sang phòng chờ hoặc về nhà theo dõi sức khỏe, ngày hôm sau các em vẫn tới trường nếu không xuất hiện dấu hiệu bất thường".
Giảng dạy tại một trường cấp ba, thầy Trần Văn Vinh (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, đối với trường hợp phụ huynh gọi điện thông báo con có kết quả xét nghiệm dương tính, giáo viên chủ nhiệm sẽ lập tức lập danh sách học sinh diện F1 có nguy cơ cao. Đồng thời, nhà trường sẽ báo y tế test nhanh, tiến hành theo dõi sức khỏe và cập nhập tình hình vào sổ theo dõi sức khỏe của học sinh.
Đối với tình huống học sinh diện F0 được phát hiện tại lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ tiến hành tách F0, lập danh sách học sinh diện F1 ngồi xung quanh và tiến hành khử khuẩn phòng học.
Bên cạnh việc đảm bảo nguyên tắc xử lý khi phát hiện F0, đội ngũ giáo viên trong trường cũng xây dựng phương pháp ổn định tâm lý cho học sinh, luôn tìm cách khéo léo nhất để thông tin tới học trò, tránh để các em cũng như gia đình rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ.
Thầy Vinh bộc bạch: "Tôi nghĩ phụ huynh đừng quá căng thẳng, chúng ta đang từng bước để sống chung với dịch, vậy nên sẽ không tránh khỏi những rủi ro.
Nhà trường cũng như giáo viên chúng tôi đang rất cố gắng để việc đến trường của học sinh được an toàn nhất. Song bên cạnh đó, cũng cần sự đồng hành của quý phụ huynh.
Việc cần thiết và quan trọng bây giờ là chúng ta - nhà trường, giáo viên, phụ huynh - phải cùng phối hợp để đảm bảo sức khỏe, kiến thức cũng như an toàn cho học sinh".
| Hà Nội 'chốt' lịch học trực tiếp cho trẻ lớp 1-6 nội thành từ ngày 21/2 Hơn 400.000 học sinh từ lớp 1-6 ở 12 quận nội thành Hà Nội sẽ đi học trực tiếp từ ngày 21/2. |
| Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Cần hoàn thiện các phương án xử trí khi phát sinh F0 tại trường học 'Việc F0 xuất hiện liên tục tại trường học trong thời gian tới là điều có thể nhìn thấy trước. Quan trọng là hướng xử ... |