Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany. (Nguồn: EuroCham) |
Hướng đi của Việt Nam
Tháng 11/2021, tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam về vấn đề đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã đưa ra loạt sáng kiến và chính sách sâu rộng. Đơn cử như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030 đã tạo thêm sức mạnh và hướng đi cho đất nước.
Chia sẻ với TG&VN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany nhận định, khi Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, các nhà đầu tư nước ngoài rất hào hứng. Đặc biệt, triển vọng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế tự nhiên của đất nước và nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh.
Đường bờ biển của Việt Nam dài khoảng 3.200 km, thường xuyên phải hứng chịu gió mạnh. Đây là những yếu tố rất thích hợp để làm trang trại gió ngoài khơi và có tiềm năng gió lớn hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Đến năm 2021, Việt Nam mới chỉ sử dụng 0,8% tiềm năng năng lượng gió, vì vậy còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Tin liên quan |
Việt Nam đang sẵn bầu nhiệt huyết với tăng trưởng xanh |
Tương tự đối với năng lượng Mặt trời, các khu vực miền Trung và miền Nam của Việt Nam có số giờ nắng tương đốt dài. Đây là điều kiện lý tưởng cho các trang trại năng lượng Mặt trời. Sự bùng nổ điện Mặt trời của Việt Nam vào cuối những năm 2010 đã giúp nước này trở thành nhà cung cấp lớn nhất Đông Nam Á. Dù vậy, đất nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng lĩnh vực này.
Ông Alain Cany cho rằng, những chính sách mới được xem như một bước ngoặt với Việt Nam trong vấn đề chuyển dịch năng lượng, tuy nhiên, vẫn chưa đủ để giải quyết các thách thức về tính bền vững lâu dài một cách toàn diện. Việc thiết lập và duy trì cơ sở hạ tầng năng lượng đòi hỏi phải huy động vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chưa từng có.
Chẳng hạn, dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 (PDP 8) của Việt Nam đề xuất rằng, phải phân bổ thêm 11 tỷ USD/năm cho các dự án năng lượng cho đến năm 2030. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam phải đầu tư 368 tỷ USD để theo đuổi được lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Hiện tại, khoản chi hàng năm 8 tỷ USD là không đủ.
Bên cạnh việc thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng sẽ cần phân bổ ngân sách đáng kể cho một số thách thức cấp bách. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải cũng là ưu tiên hàng đầu. Do đó, quốc gia này không thể chỉ dựa vào ngân sách công cho các quỹ phát triển xanh.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam. Nước mặn xâm nhập và lũ lụt do mực nước biển dâng đang phá hủy tài sản và sinh kế của người dân. Vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mực nước biển dâng cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ven biển, khiến nền kinh tế và người dân bị tác động ngoài sức tưởng tượng.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điện than, với nhu cầu sử dụng than sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề ô nhiễm không khí và đi ngược lại các mục tiêu phát triển của đất nước.
Cơ sở hạ tầng lưới điện và truyền tải năng lượng của Việt Nam đã quá tải, vì vậy, nếu chỉ bổ sung công suất tái tạo thì chi phí để giải quyết những vấn đề này sẽ rất lớn.
Doanh nghiệp châu Âu đã sẵn sàng
Theo Chủ tịch EuroCham, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có thể tham gia và đóng vai trò quan trọng giải quyết những thách thức nói trên. Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh nhưng doanh nghiệp châu Âu vẫn ở đây, để huy động vốn và mang công nghệ xanh đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách châu Âu có chuyên môn trong các ngành công nghiệp xanh, bền vững và phát triển năng lượng tái tạo. Họ sẵn sàng hợp tác với chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nhằm “lấp đầy khoảng trống” về nguồn lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Các doanh nghiệp có chuyên môn và công nghệ phù hợp có thể khai phá tiềm năng này. Việt Nam có thể hưởng lợi rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, công nghệ tiên tiến từ kinh nghiệm thực tế mà các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách châu Âu đã tích lũy được qua nhiều thập niên.
Các đại biểu của Việt Nam và châu Âu tại Họp báo thông tin về Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE). (Nguồn: EuroCham) |
Song song với đó, để giúp Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng, ông Alain Cany cho hay, từ ngày 28-30/11, EuroCham tổ chức Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm kỹ thuật này với các công ty và nhà hoạch định chính sách Việt Nam thông qua đối thoại toàn diện, điều phối đầu tư, trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ, GEFE 2022 góp phần tăng cường hợp tác phát triển bền vững giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam cũng như hỗ trợ quốc gia này thực hiện các mục tiêu và cam kết tại Glasgow.
GEFE 2022 đã đặt ra loạt kế hoạch sâu rộng. Hội nghị toàn thể ngày 28/11 sẽ có sự tham gia của các đại diện cấp cao của chính phủ EU và Việt Nam, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức cơ quan quốc tế. Các đại biểu sẽ thảo luận về những thách thức của Việt Nam khi phát triển kinh tế xanh, đồng thời, tìm giải pháp “gỡ khó”.
Hội nghị toàn thể cũng cũng tạo cơ hội để xem xét và mở rộng dựa trên kết quả của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27).
Bên cạnh đó, hơn 20 chủ đề xanh bao gồm kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh, du lịch xanh, nông nghiệp bền vững và xử lý nước… sẽ được thảo luận tại GEFE 2022.
Ngoài ra, tại GEFE, một cuộc triển lãm kéo dài ba ngày để giới thiệu các công nghệ xanh tiên tiến, các sáng kiến bền vững từ châu Âu, Việt Nam và hơn thế nữa.
Nhân dịp này, EuroCham sẽ ra mắt Phòng thí nghiệm Đổi mới Bền vững. Sinh viên từ các trường đại học hàng đầu ở Châu Á và Châu Âu sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển các giải pháp cho các vấn đề kinh doanh, môi trường và xã hội.
EuroCham sẽ kết nối hơn 150 doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam tại GEFE 2022. Đồng thời, đưa ra những sản phẩm, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh để giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, doanh nghiệp châu Âu đã sẵn sàng cùng Việt Nam phát triển kinh tế xanh.
| Việt Nam - Một trong những điểm đầu tư sôi động nhất thế giới “Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới nhờ việc chứng tỏ vị thế của mình trong ... |
| Việt Nam phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở ... |
| Sẽ có Bộ chỉ số xanh cấp tỉnh, giúp địa phương sàng lọc các dự án đầu tư Ngày 7/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế ... |
| Thỏa thuận xanh EU sẽ tạo động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam Trong hai ngày từ 21-22/4, tại TP. Hạ Long, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thoả ... |
| Tăng trưởng xanh khó nhưng chắc Đại dịch Covid-19 đã đẩy thế giới và mỗi quốc gia đứng trước những thách thức chưa từng có. Nhưng chính tác động cộng hưởng ... |