📞

Doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững

Hữu Nguyên 10:37 | 24/02/2023
Tính bền vững là một trong những xu hướng tiêu dùng nổi bật trong năm 2023. Nhiều doanh nghiêp đã và đang chứng minh sự nhạy bén, đón đầu và bắt kịp xu hướng thông qua nhiều chương trình phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
Tính bền vững là một trong 5 xu hướng nổi bật của xu hướng tiêu dùng trong năm 2023. (Nguồn: Cafe F)

Thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023. Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu suy thoái. Người tiêu dùng đang điều chỉnh chi tiêu để dự phòng cho một giai đoạn đầy khó khăn phía trước, tối đa hóa giá trị của mọi thứ và tiêu tiền khôn ngoan hơn. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn dành nhiều sự quan tâm cho những doanh nghiệp tạo ra tác động tích cực cho con người, xã hội và môi trường bởi họ ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của phát triển bền vững.

Mới đây, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Sau đại dịch, nhiều người tiêu dùng cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen,…vì sử dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.

Theo chia sẻ của nhà sáng lập Công ty truyền thông GROW trên Tạp chí Forbes, tính bền vững là một trong 5 xu hướng nổi bật của xu hướng tiêu dùng trong năm 2023. Nhận thức của người tiêu dùng đang ngày được nâng cao. Một báo cáo cho thấy 82% người mua hàng, chiếm phần lớn trong đó là thế hệ Gen-Z, mong muốn các thương hiệu thực hiện những hoạt động bền vững và đặt con người làm ưu tiên hàng đầu.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng nổi bật của năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã và đang chứng minh sự nhạy bén, đón đầu và bắt kịp xu hướng thông qua nhiều chương trình phát triển bền vững trong nhiều năm qua.

Để cụ thể hóa các cam kết bền vững, Unilever Việt Nam đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng và các sáng kiến táo bạo để hiện thực hóa tầm nhìn của doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này là giải quyết ô nhiễm từ rác thải nhựa thông qua việc thúc đẩy 75% bao bì chai có khả năng tái chế, cắt giảm 87% nhựa nguyên sinh thông qua cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế (PCR), đồng thời thu gom và xử lý nhiều hơn lượng được sử dụng cho bao bì các sản phẩm được bán ra thị trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là động lực chính để công ty thực hiện mục tiêu đưa nhựa vào vòng tuần hoàn.

Tham vọng lớn nhất của Unilever Việt Nam là xây dựng chuỗi giá trị phi phát thải đến năm 2039. Do đó, trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ các đối tác xây dựng năng lực và thực hiện các hoạt động đưa phát thải carbon về “0” vì mục tiêu chung xây dựng chuỗi giá trị phi phát thải.

"Về lâu dài, mô hình kinh doanh bền vững có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, điển hình là cắt giảm chi phí năng lượng. Doanh nghiệp theo đuổi mô hình phát triển bền vững sẽ tạo được động lực và niềm tin cho nhân viên của mình, duy trì và thu hút được nhân tài. Nhất là những người trẻ tài năng có mong muốn phát triển sự nghiệp tại các công ty có tầm nhìn và mục đích tốt đẹp. Nơi mà họ có thể tạo ra tác động tích cực đến môi trường, xã hội và con người", đại diện Unilever Việt Nam chia sẻ.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm chế biến, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới (Vietcoco) cho hay, sau đại dịch Covid-19 thu nhập người tiêu dùng giảm, nhưng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm chất lượng.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng cân đối lại vấn đề ăn uống theo xu hướng cắt giảm một số nhu cầu khác để tăng cường mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu và tăng cường sức khỏe, nên tạo ra cơ hội cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Để sản phẩm có thể xuất khẩu vào hơn 40 thị trường trên thế giới và góp phần nâng cao sự nhận diện thương hiệu Việt đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, Dừa Lương Quới đã ứng dụng công nghệ, đảm bảo hương vị riêng và ổn định. Đồng thời, sản phẩm của Dừa Lương Quới cũng phải chinh phục nhiều tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, để được trưng bày ở những hệ thống siêu thị hàng đầu tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, châu Âu…

Cũng theo ông Nguyễn Trường Thịnh, nhờ những bước đi bền vững trong chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm, Dừa Lương Quới là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Bến Tre được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp mã số FDA. Dừa Lương Quới cũng là đơn vị tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ tại Bến Tre tạo ra những sản phẩm sạch đạt chuẩn organic của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản như dầu dừa tinh khiết, nước cốt dừa, nước dừa tươi, sữa dừa…

Tại Việt Nam, Chính phủ nghiêm túc cam kết thúc đẩy phát triển bền vững. Điển hình là cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ đưa phát thải ròng về "0" tại COP26. Đây là động lực để nhiều doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp bền vững như quản lý rác thải nhựa, cắt giảm khí nhà kính...

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc mà khối công và tư cần phải thúc đẩy hơn nữa để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững.