Thời gian gần đây, đã có một số dự án xanh của nhà đầu tư Singapore đã được cấp phép tại Việt Nam. (Nguồn: Vnexpress) |
“Quán quân” đầu tư vào Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng của năm 2022, Việt Nam thu hút 15,54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD; đứng thứ hai là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 3,25 tỷ USD.
Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tính lũy kế đến hết ngày 20/7/2022, tổng vốn đăng ký các dự án còn hiệu lực của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam đạt trên 69,8 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Singapore có dự án tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm khoảng 27%; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư.
Theo Liên đoàn doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, thời gian qua, trong số những đề nghị tham vấn về đầu tư ra nước ngoài mà đơn vị này nhận được, nhiều nhất vẫn là kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, bên cạnh những lợi thế chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều năm liền, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào và đang ở trong thời kỳ dân số vàng... Việt Nam còn được nhà đầu tư Singapore đánh giá là thị trường tiềm năng với 90 triệu dân, cộng với tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng.
Khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam Seck Yee Chung nhận định, việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19 và khuyến khích đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư thêm tin tưởng, quyết định đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo. (Nguồn: Thời báo Ngân hàng) |
Hướng tới đầu tư xanh
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam nhận định, kinh tế xanh là một trong 3 lĩnh vực đang hấp dẫn nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh logistics và kinh tế số. Các doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước trong tháng 2/2022 tới Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là đầu tư năng lượng sạch, phát triển bền vững.
Thực tế, thời gian gần đây, đã có một số dự án năng lượng sạch của nhà đầu tư Singapore đã được cấp phép tại Việt Nam.
Đơn cử như Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (năm 2020) hay dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (năm 2021).
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Wong Kim Yin, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cho biết, Tập đoàn sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư vào công nghệ xanh, những nhà máy sản xuất thế hệ mới, bền vững hơn.
Dự án mà ông Wong Kim Yin nhắc tới là Khu công nghiệp VSIP III đã được động thổ tại Bình Dương vào tháng 3/2022. Sau khi hoàn thành, Khu công nghiệp VSIP III sẽ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển thành khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững.
Một dự án năng lượng xanh khác cũng đầy hứa hẹn được Tập đoàn Điện lực SP (Singapore) cam kết đầu tư 750 triệu SGD (12.000 tỷ đồng) vào các giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam đến năm 2025.
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng nhận được mức đầu tư cao vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong ASEAN. Đầu tư xanh và tăng trưởng xanh đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Lợi thế đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam chính là Chính phủ tập trung thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam đã xem xét và lựa chọn dòng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách cẩn thận hơn, đảm bảo rằng bất kỳ khoản đầu tư nào cũng sẽ cân bằng giữa các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
Minh chứng là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đặt ra một số mục tiêu cụ thể hướng đến xanh hóa nền kinh tế Việt Nam, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững...
Tuy nhiên, ông Tim Evan nhận thấy, Việt Nam có những thách thức phải đối mặt như: khung pháp lý và các quy định liên quan đến phát triển bền vững cần được hoàn thiện hơn nữa về tính nhất quán, đặc biệt là thuế môi trường và các điều kiện ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào phát triển bền vững…
Vì vậy, thời gian tới, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Singapore nói riêng, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục các hành động và chính sách trong dài hạn để thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo; đa dạng hóa dòng vốn FDI.
Ngoài ra, cần giám sát, quản lý chặt chẽ dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành phố để đảm bảo chính quyền địa phương tuân thủ các mục tiêu quốc gia về môi trường.