Ngay sau Thông điệp Liên bang Mỹ 2023 và những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có những đánh giá về những “nước cờ” của Tổng thống Joe Biden cũng như các góc nhìn về quan hệ Washington-Bắc Kinh. |
Qua Thông điệp Liên bang Mỹ ngày 7/2 vừa qua, có lẽ có nhiều điều để nói về Tổng thống Biden và chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay, thưa Đại sứ? Hằng năm Tổng thống đương nhiệm của Mỹ đều có phát biểu báo cáo trước hai viện Quốc hội về tình hình liên bang, và với Tổng thống Biden, đây là Thông điệp Liên bang lần thứ hai. Khác với năm trước, năm 2023, Tổng thống Biden lựa chọn thông điệp hướng về các ưu tiên nội bộ và cử tri Mỹ, vào thời điểm giữa nhiệm kỳ, khi nước Mỹ tuy đã bước qua đại dịch nhưng vẫn phải đối diện với một loạt thách thức về kinh tế, xã hội, chính trị nội bộ và chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Theo đó, thông điệp năm nay tập trung vào các vấn đề đối nội, nêu bật những thành tựu đã đạt được và định hướng ưu tiên cho hai năm tới, điều được xem sẽ là những nội hàm chính của cương lĩnh nếu Tổng thống Biden quyết định ra tranh cử 2024. Những nội dung nổi bật đáng chú ý như sau: Trước hết là nêu bật thành tựu hai năm qua của Tổng thống Biden, như một sự kiểm điểm giữa kỳ, trong đó có việc đưa nước Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, tái lập lại các hoạt động kinh tế-xã hội và tạo đà phát triển đất nước trên các lĩnh vực. Cụ thể, Tổng thống Biden nhấn mạnh những thành tựu kinh tế trong hai năm qua, như về duy trì đà phục hồi, đã tạo ra hơn 12 triệu công ăn việc làm mới, chỉ trong hai năm nhưng cao hơn cả con số đạt được trong một nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm các thời kỳ trước đây; tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong vòng 50 năm, hiện chỉ ở 3,4%; sự phục hồi của doanh nghiệp Mỹ cùng với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ; bước đầu kiểm soát được lạm phát và tạo sự bình ổn để phát triển. Chính phủ cũng tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, công nghệ cao, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch để thúc đẩy các thế mạnh và sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Cùng với đó là các thành tựu về dân sinh và phúc lợi xã hội, như các ưu tiên về y tế, bảo hiểm y tế, xã hội, trợ cấp học bổng cho sinh viên và sinh viên nghèo. Thứ hai, đó là thông điệp về chương trình nghị sự chung của quốc gia và nhấn mạnh nỗ lực tranh thủ đồng thuận hai đảng, vì ưu tiên chung của nước Mỹ, vì lợi ích của mọi người dân và cử tri, cũng như cùng nhau ứng phó với các thách thức cả bên trong và bên ngoài. Tổng thống Biden nêu đậm việc đã đạt được hơn 300 đạo luật với sự ủng hộ của hai đảng và đặc biệt nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích chung. Đây là một thông điệp lớn của Tổng thống Biden về đại diện cho tất cả người dân nước Mỹ, không phân biệt hai đảng và trong bối cảnh sau bầu cử giữa kỳ, hai đảng chia nhau nắm hai viện Quốc hội Mỹ, Thượng viện thuộc Dân chủ còn Hạ viện thuộc Cộng hòa. Sắp tới, để thúc đẩy các ưu tiên của đất nước, chắc chắn chính quyền sẽ càng cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của cả hai đảng. |
Thông điệp Liên bang lần này tập trung chủ yếu về các ưu tiên nội bộ của nước Mỹ. |
Thứ ba, đó là định hướng các ưu tiên và lộ trình cho nước Mỹ trong thời gian tới, điều được coi như nội hàm cương lĩnh của phía Dân chủ và Tổng thống Biden, không chỉ trong năm 2023 mà còn hướng tới tranh cử vào năm 2024. Theo đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh các ưu tiên chính sách hàng đầu của nước Mỹ, như về phát triển kinh tế, thuế, chi tiêu ngân sách, phúc lợi xã hội. Trong đó, Tổng thống Biden vừa để ngỏ cửa cho hợp tác và nhân nhượng với phía Cộng hoà, như về nâng trần nợ và tăng chi tiêu ngân sách, đi cùng với tăng thuế thu nhập cao, nhưng cũng thể hiện rất kiên quyết về những ưu tiên cốt lõi của Dân chủ, như sẵn sàng phủ quyết nếu phía Cộng hòa tìm cách đảo ngược chính sách về trợ cấp giá thuốc chữa bệnh hay bảo hiểm y tế. Ngoài ra, đó là tiếp tục ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nhằm tăng cường lợi thế dẫn đầu và sức cạnh tranh của nước Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, như về sáng tạo, công nghệ lõi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Theo đó, Tổng thống Biden nhấn đậm thông điệp “hoàn tất sứ mệnh” đối với nước Mỹ, theo cách mà Tổng thống Biden đã nêu ngay từ đầu là “tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn” về tất cả các lĩnh vực. Đó là thông điệp với người dân, cử tri Mỹ và theo thống kê của truyền thông Mỹ, thông điệp này đã được Tổng thống nhắc tới 14 lần trong phát biểu lần này. Cuối cùng, về đối ngoại, lần này, Tổng thống Biden chỉ nêu ngắn và ở phần sau của bài phát biểu, một phần về xung đột Nga-Ukraine và một phần về Trung Quốc. Về Trung Quốc, do có thêm sự cố khinh khí cầu ngay trước đó, Tổng thống Biden chỉ nêu cô đọng ba ý chính, gồm: nước Mỹ cạnh tranh nhưng không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, cùng với khẳng định Mỹ kiên quyết bảo vệ chủ quyền một khi bị xâm phạm và đã làm như vậy (hàm ý về vụ khinh khí cầu). Về Ukraine, coi hành động của Nga là phép thử đối với trật tự và hệ giá trị của thế giới, do đó Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục đoàn kết và Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng. Ngoài ra, là về các nguyên tắc chung, có liên quan đến đối ngoại ở một số đoạn khác về ưu tiên nội bộ của Mỹ, như về nâng cao thế mạnh, sức cạnh tranh của Mỹ về công nghệ cao, hay về các giá trị dân chủ và phối hợp với các đồng minh, đối tác. Có thể nhận thấy, bài phát biểu năm nay tập trung chủ yếu về các ưu tiên nội bộ của nước Mỹ, bao gồm đề cập cả về các thành tựu trong hai năm đầu và định hướng cho thời gian tới, đồng thời câu chuyện về cần phải phối hợp hai đảng, khi Quốc hội bị chia đôi do hai đảng kiểm soát. Đây là điều quan trọng hàng đầu, nhằm tranh thủ cử tri Mỹ, trong bối cảnh nước Mỹ và cá nhân Tổng thống Biden đang hướng tới và phải chuẩn bị sớm cho tranh cử tổng thống vào năm 2024. Đây là điểm rất khác so với năm ngoái và trong Thông điệp Liên bang khi đó, Tổng thống Biden tập trung ngay từ đầu và rất đậm về xung đột Nga-Ukraine (24/2/2022), vì phát biểu chỉ ngay sau đó một tuần (vào ngày 1/3), tiếp đó mới đến các chính sách nội bộ, nhất là về đưa nước Mỹ ra khỏi đại dịch, mở cửa và phục hồi nền kinh tế, ưu tiên cao nhất của năm 2022. |
Việc triển khai các ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Biden, cả về đối nội và đối ngoại, sẽ tiếp tục đối diện với nhiều phức tạp. |
Theo Đại sứ, liệu có thể dự đoán những “nước cờ” tiếp theo của Chính quyền Tổng thống Biden cả về đối nội và đối ngoại? Một là, về đối nội, chính quyền của Tổng thống Biden đứng trước nhiệm vụ kép: Một mặt là cần làm sao tạo ra được dấu ấn thành tựu về các mặt, nhất là về kinh tế, dân sinh và phúc lợi xã hội, để tranh thủ cử tri. Nhưng mặt khác, các thách thức kinh tế-xã hội, như về lạm phát, hiện vẫn đang rất phức tạp, trong khi không dễ tranh thủ một Quốc hội đã bị phân hóa, phe Cộng hòa nắm giữ Hạ viện và cũng đang tìm cách ghi điểm trước cuộc bầu cử 2024. Tổng thống Biden sẽ tiếp tục và nhất quán ưu tiên về “tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn”, làm cho nước Mỹ trở lại mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Nhưng để tạo được dấu ấn, thì trước hết sẽ phải tập trung về kinh tế-xã hội, những điều thiết thực và sát sườn hơn với người dân và cử tri (như về công ăn việc làm, kiểm soát lạm phát, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội…). Mặt khác, cần tiếp tục tạo động lực cho sự phát triển mạnh và bền vững của nước Mỹ, như các gói kích thích kinh tế, đầu tư hạ tầng, sáng tạo, công nghệ, doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay về đoàn kết lại và tái thiết các thiết chế dân chủ nước Mỹ. Nhưng do sự phân hóa hai đảng và trước thềm tranh cử, Tổng thống Biden, trong Thông điệp Liên bang, cũng đã hàm ý đề cập nhiệm vụ kép nêu trên, bao gồm những vấn đề cần tranh thủ và có thể tìm kiếm thỏa hiệp với phía Cộng hòa và Hạ viện, như về thuế, chi tiêu ngân sách, phát triển hạ tầng, bình đẳng giới hay kiểm soát vũ khí. Nhưng có những vấn đề, sẽ vẫn kiên quyết giữ quan điểm của Dân chủ, về một số ưu tiên cốt lõi như về y tế, giáo dục hay bảo hiểm y tế, xã hội. Hai là, về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục nhất quán chính sách nước Mỹ tái thiết vững mạnh và tái cam kết trở lại với thế giới, với các trọng tâm: ưu tiên lợi ích và vai trò của Mỹ, tăng cường quan hệ với các đồng minh, đối tác và trở lại chủ nghĩa đa phương; đặt quan hệ nước lớn, nhất là với Trung Quốc, vào cạnh tranh chiến lược; nhấn mạnh vai trò địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với Trung Quốc, mạch chính và nổi trội tiếp tục là cạnh tranh chiến lược, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu và hai bên có hàng loạt vấn đề khác biệt nhau, về song phương cũng như toàn cầu và khu vực. Nhưng cả hai bên đều có yêu cầu và lợi ích về quản trị và tránh để xảy ra xung đột. Sau cuộc gặp cấp cao Tổng thống Joe Biden-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên song trùng ở việc cần quản trị quan hệ một cách có trách nhiệm và nối lại các kênh thông tin, đối thoại giữa hai nước. Tuy nhiên, việc đầu tiên là cả hai sẽ phải vượt qua được sự cố khinh khí cầu vừa qua, để có thể nối lại các cuộc đối thoại, trong bối cảnh quan hệ và áp lực nội bộ của cả hai bên đều phức tạp. Mỹ và đồng minh coi cuộc xung đột Nga-Ukraine là phép thử đối với trật tự thế giới và hệ giá trị dân chủ, tiếp tục giúp Ukraine các mặt và áp đặt trừng phạt với Nga. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, dường như các bên liên quan vẫn tránh không để xung đột mở rộng thành đối đầu trực tiếp NATO-Nga. Phía Mỹ và Tây Âu vừa muốn tranh thủ Trung Quốc tác động Nga, vừa lo ngại và cảnh báo nước này không được trợ giúp Nga về vũ khí sát thương. Xung quanh thời điểm một năm cuộc xung đột, các diễn biến vẫn đang rất phức tạp và tiếp tục tác động nhiều chiều tới thế giới và quan hệ giữa các nước lớn. Nội bộ Mỹ, dường như có sự đồng thuận lớn giữa hai đảng về cạnh tranh chiến lược nước lớn, về nguy cơ Trung Quốc và Nga, tuy sẽ vẫn tiếp tục có sự khác biệt về cách thức và các biện pháp thực hiện. Đơn cử như vụ khinh khí cầu Trung Quốc vừa qua, phía Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Biden chậm chễ và thiếu kiên quyết trong việc bắn hạ kinh khí cầu này. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có phần lợi thế của hành pháp và Dân chủ nắm Thượng viện về các vấn đề đối ngoại. Cuối cùng, việc triển khai các ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Biden, cả về đối nội và đối ngoại, sẽ tiếp tục đối diện với nhiều phức tạp, trong bối cảnh cạnh tranh, phân hóa hai đảng và nước Mỹ chuẩn bị bầu cử. Chắc chắn, với việc Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, nơi quyết định các vấn đề về ngân sách và cùng Thượng viện thông qua các đạo luật, việc thúc đẩy các ưu tiên như đã nêu và tranh thủ sự ủng hộ của hai đảng sắp tới là không hề dễ dàng, chưa kể nhiều vấn đề sẽ càng bị chính trị hóa khi cuộc bầu cử ngày càng tới gần. |
Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung Quốc tháng 11/2022. |
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc có lẽ đã “rẽ sang một hướng” tốt đẹp hơn nếu không có vụ việc khinh khí cầu, Đại sứ nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này? Đúng vậy, sự cố khinh khí cầu này một mặt làm gián đoạn đối thoại hai nước vừa được nối lại, sau cấp cao tháng 11/2022, với việc Ngoại trưởng Mỹ phải hoãn chuyến đi Trung Quốc; mặt khác, sẽ càng làm tăng thêm sự thiếu lòng tin chiến lược giữa hai bên và sức ép trong nội bộ mỗi nước. Hai bên cần có thời gian và các bước đi cần thiết để vượt qua sự cố này. Nếu nhìn vào cục diện Mỹ-Trung hơn hai năm qua, dưới thời Tổng thống Biden, có điểm đáng chú ý là, dù cạnh tranh chiến lược, nhưng cả hai đều hiểu, các thách thức và khác biệt là không thể sớm giải quyết nhưng cùng chung nhận thức là cần phải kiểm soát và quản trị quan hệ, không để xảy ra xung đột. Điều này thể hiện rõ qua cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2022 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Đây là lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc. Cũng nên rà lại vụ việc về khinh khí cầu, diễn ra trong một tuần, từ 28/1-4/2, trước khi bị bắn hạ và sau đó. Ban đầu là sự im lặng của hai phía, sau đến phía Mỹ thông báo với Trung Quốc, cáo buộc khinh khí cầu xâm phạm không phận và do thám, Trung Quốc xin lỗi về sự cố bay lạc và khẳng định khinh khí cầu là có mục đích dân sự, nghiên cứu, khí tượng. Hai bên khác biệt quan điểm tính chất của vụ khinh khí cầu này, dẫn tới việc Mỹ hoãn chuyến đi của ngoại trưởng và sau đó bắn hạ, hai bên tuyên bố qua lại cứng rắn, cáo buộc và phản đối lẫn nhau. Khái quát là như vậy, nhưng đằng sau đó, có một số điểm rất cần chú ý. Đó là, dù phản đối mạnh về nguyên tắc, nhưng cả hai dường như đều có kiềm chế, không thổi phồng vấn đề, để ngỏ cửa nối lại đối thoại. Trên thực tế, hai bên mới đây đã có cuộc tiếp xúc giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, dù được xem là không chính thức, bên lề Hội nghị an ninh Munich. Đặt trong chiều hướng quan hệ hai nước trong hơn hai năm qua, có thể thấy dù quan hệ là cạnh tranh chiến lược và có rất nhiều khác biệt, nhưng cả hai đều có yêu cầu về quản trị cạnh tranh, không để cạnh tranh dẫn đến xung đột, là lợi ích rất lớn của cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, có thể dự đoán hai bên sẽ tìm kiếm cách thức để vượt qua sự cố khinh khí cầu, dù vấn đề hiện vẫn còn nhiều phức tạp và cần phải có thêm thời gian. Sự cố này càng cho thấy, từ một vụ việc đơn lẻ, cũng có thể làm gián đoạn quan hệ và hàm chứa rủi ro có thể dẫn tới cọ sát, xung đột, nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả. Đây là điều mà hai nước càng cần phải tính tới. Hy vọng hai bên sẽ có thể sớm nối lại đối thoại, đàm phán về các cơ chế kiểm soát này. |
Sự cố khinh khí cầu đã làm gián đoạn mạch đối thoại giữa hai nước. |
Trong Thông điệp Liên bang, ông Biden có nhấn mạnh thông điệp đến Trung Quốc, Đại sứ nhìn nhận như thế nào về triển vọng mối quan hệ này trong thời gian tới? Như trên đã đề cập, Thông điệp Liên bang lần này tập trung chủ yếu về các ưu tiên đối nội, phần về đối ngoại chỉ nêu ngắn gọn, trong đó có về Trung Quốc, với thông điệp: Cạnh tranh nhưng không tìm kiếm xung đột. Trong phát biểu về vụ khinh khí cầu sau đó, dù giữ nguyên tắc về vụ bắn hạ, nhưng Tổng thống Biden cũng tái khẳng định quan điểm này và không muốn để vụ việc làm xấu đi quan hệ, khẳng định mong muốn sớm thu xếp một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây cũng là chính sách nhất quán của chính quyền Tổng thống Biden, nếu đặt trong tổng thể các chiến lược của nước Mỹ, bao gồm cả các chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, dù coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu và duy nhất, đủ năng lực về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và công nghệ để thách thức vai trò và lợi ích Mỹ, nhưng Mỹ cũng rất cần quản trị quan hệ cạnh tranh này, tránh để xảy ra rủi ro xung đột, trên cơ sở cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và là đối thủ khi bắt buộc. Về phần mình, Trung Quốc phản đối việc Mỹ tìm cách kiềm chế và coi Trung Quốc là mối đe dọa, thừa nhận hai bên có nhiều mặt cạnh tranh, song cũng có nhiều mặt có thể và cần phải hợp tác. Trung Quốc nhiều lần khẳng định quan điểm, trong đó có phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao gần đây, về việc cần đưa quan hệ hai nước trở lại phát triển lành mạnh, xem đây là lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, cùng ba nguyên tắc trong quan hệ, đó là cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng thắng. Thực tế, Trung Quốc cũng cần môi trường phục vụ cho phát triển và vươn lên, nên cũng muốn ổn định quan hệ và tránh để xảy ra xung đột với Mỹ trong bối cảnh hai nước cạnh tranh chiến lược. Cuộc gặp mới đây của hai bên ở Munich cũng thể hiện chủ trương quản trị mối quan hệ cạnh tranh này theo cách của mỗi bên. Như vậy, có thể thấy, trong quan hệ hai nước, mặt cạnh tranh là nổi trội, mang tính chiến lược và sẽ kéo dài, do cọ sát lợi ích chiến lược và khác biệt quan điểm trên hàng loạt vấn đề, cả về song phương, khu vực và toàn cầu. Mỹ muốn duy trì và tăng cường thế mạnh của mình về các mặt, bao gồm cả về kinh tế, quốc phòng, công nghệ và hệ đồng minh, đặc biệt là về công nghệ cao và cốt lõi, sắp tới sẽ tiếp tục là lĩnh vực mà hai bên cạnh tranh gay gắt. Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc, trong khi tìm kiếm các lợi thế cho mình, cũng đều cần phải tìm cách kiểm soát cạnh tranh và tránh để xảy ra xung đột, đồng thời vẫn cần và có thể hợp tác trên một số mặt có lợi ích song trùng. Đơn cử, về thương mại, dù có rất nhiều trở ngại, nhưng tổng kim ngạch giữa hai nước năm 2022 vẫn tăng và đạt trên 690 tỉ USD, do tính tùy thuộc cao của hai nền kinh tế. Hai bên cũng tỏ ý có thể hợp tác về các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí, hay về y tế và ứng phó với các thách thức kinh tế toàn cầu. |
ASEAN là cơ chế duy nhất kết nối được với tất cả các nước lớn, các đối tác hàng đầu và được các nước này công nhận, ủng hộ. |
Tính chất phức tạp của cặp quan hệ Mỹ-Trung sẽ tác động như thế nào đến cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thưa Đại sứ? Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là trọng tâm địa chiến lược, địa kinh tế, nơi phát triển năng động, động lực tăng trưởng của thế giới và các nước lớn đều chú trọng. Dù thế giới vừa phức tạp, nổi lên là xung đột Nga-Ukraine nhưng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn thuộc quan tâm chung của các nước lớn và các đối tác hàng đầu, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược nêu trên đã và sẽ đặt ra một số bài toán với khu vực. Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung với trọng tâm là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khiến sự cọ xát giữa hai nước tại khu vực tiếp tục gia tăng và có thể sẽ phức tạp hơn sau đại dịch, khi các nước mở cửa trở lại, trong khi khu vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, như tình hình Eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông. Thứ hai, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ vừa gia tăng sức ép chọn bên, nhưng cũng tạo ra những cơ hội hợp tác khi các nước lớn đều cần tranh thủ các nước và các cơ chế ở khu vực. Nhưng cạnh tranh Mỹ-Trung, khác với thời chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô, vẫn sẽ có cả cạnh tranh và tùy thuộc, khó phân thành hai tuyến hệ thống biệt lập và đối lập. Thứ ba, trong bối cảnh trên, cơ hội và thách thức đối với khu vực sẽ luôn là đan xen, không tách biệt rõ ràng gói cơ hội và gói thách thức, trong đó có về sáng kiến của các nước lớn, trên các lĩnh vực. Điều này đặt ra cho mỗi nước phải có được sự lựa chọn phù hợp, vừa có thể phòng ngừa thách thức, nhưng không để bị lỡ và vẫn tranh thủ được các cơ hội, phục vụ cho lợi ích phát triển và an ninh của mình. Thứ tư, trong khu vực, sẽ tiếp tục diễn ra các dịch chuyển về tập hợp lực lượng, nhưng xu hướng chung của các nước là linh hoạt, dựa trên lợi ích quốc gia và không muốn bị kẹt vào bẫy cạnh tranh nước lớn. Các nước trong khu vực vẫn có không gian để tự quyết và có tiếng nói của mình. Không chọn bên, nhưng các nước vẫn cần và phải có tiếng nói về những vấn đề đúng sai ở khu vực, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực. Thứ năm, đã có và sắp tới có thể còn tiếp tục xuất hiện, các cơ chế nhỏ nhiều bên, ví dụ như Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS), hay nhóm Bộ tứ (Quad). Nhưng trong khu vực, ASEAN và các cơ chế liên quan, tuy phải đối diện với các thách thức mới, nhưng sẽ vẫn có vai trò và phát huy được giá trị của mình, với tư cách là cơ chế duy nhất kết nối được với tất cả các nước lớn, các đối tác hàng đầu và được các nước này công nhận, ủng hộ. Cuối cùng, hiện ở khu vực cũng đang có xu hướng gia tăng về năng lực quốc phòng, với nhận thức khác nhau về các thách thức mới về an ninh, từ các diễn biến phức tạp ở khu vực và trên thế giới (như Nhật Bản, Australia, hay Philippines, Indonesia…). Rõ ràng, ở khu vực trong thời gian qua, đã có những diễn biến mới về điều chỉnh chính sách và về tập hợp lực lượng, phức tạp hơn. Nhưng các nước nhìn chung, nhất là các nước ASEAN đều chung quan điểm về không muốn chọn bên và muốn tranh thủ quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh về luật pháp quốc tế, lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực, trong đó có việc củng cố, tăng cường tính thích ứng và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác chung ở khu vực. Với Việt Nam, chúng ta nhất quán chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, nhấn mạnh lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, chúng ta đã và cần tiếp tục chủ động tranh thủ các cơ hội, đi đôi với phòng ngừa rủi ro, trong đó đặc biệt nắm bắt được các cơ hội chiến lược, phục vụ cho lợi ích về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam. Theo đó, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước, nhất là khu vực và các nước lớn, các đối tác hàng đầu, tăng cường các khuôn khổ quan hệ ổn định và lợi ích đan xen, đồng thời phát huy vai trò và vị thế trong ASEAN và khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Thực hiện: Phương Hằng | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: TTXVN, TG&VN... |