📞

Đối đầu Israel-Iran: Tránh vượt ngưỡng

Minh Vương 17:19 | 07/08/2024
Đối đầu giữa Nhà nước Do Thái và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể khiến căng thẳng ở khu vực Trung Đông sớm chạm ngưỡng.

Những người ủng hộ lực lượng Houthi cầm súng bên cạnh ảnh của thủ lĩnh Hamas bị ám sát Ismail Haniyeh, trong cuộc diễu hành thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza, tại Sanaa, Yemen (Nguồn: Reuters).

Trong tuần vừa qua, truyền thông quốc tế đã tốn không ít giấy mực để nói về hai vụ ám sát liên tiếp, khiến thành viên số hai của nhóm Hezbollah tại Lebanon, Chỉ huy Fuad Shukr và thủ lĩnh chính trị phong trào Hamas, ông Ismail Haniyeh thiệt mạng. Nhà nước Do Thái đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ ám sát ông Shukr ở Beirut. Tuy nhiên, tương đồng với các vụ tấn công khác nhắm vào Iran, nước này lại “im hơi lặng tiếng” trước thông tin Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đứng đằng sau cái chết thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, bất chấp cáo buộc của chính quyền Iran.

Song câu hỏi được thế giới quan tâm hơn cả những ngày qua là liệu hai vụ việc này có thể dẫn đến các đợt tấn công ăn miếng trả miếng giữa Iran và Israel hay không? Nếu có, chúng sẽ diễn ra vào thời điểm nào, hình thức, quy mô và mục tiêu ra sao?

Căng thẳng bao trùm

Ngay sau vụ ám sát ông Ismail Haniyeh tại Tehran, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nhấn mạnh việc đáp trả là “trách nhiệm” của nước này. Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Iran sẽ “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nhân phẩm, danh dự và niềm tự hào, đồng thời sẽ khiến…(Israel) phải hối hận về hành động này”. Điều này là dễ hiểu, bởi ông Ismail Haniyeh, “vị khách thân yêu” đã thiệt mạng trong chính dịp tham dự Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Pezeshkian. Đồng thời, nó còn cho thấy những sơ hở của Lực lượng vệ sinh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong công tác bảo đảm an ninh cho những yếu nhân trong các sự kiện quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nguồn tin nhận định Iran đang tích cực chuẩn bị tấn công Israel. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời một số quan chức xứ cờ hoa cho biết đã nhận thấy hoạt động di chuyển của nhiều bệ phóng tên lửa và tập trận quân sự ở Iran.

Về thời điểm, ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định Iran có thể tấn công trong 24-48 giờ sau đó. Hiện Iran vẫn chưa thực hiện bất kỳ các hoạt động tấn công quân sự nào như nước này nêu. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Tehran sẽ sớm hành động để truyền tải đầy đủ thông điệp cứng rắn tới Israel và phương Tây.

Về hình thức và quy mô, có ý kiến nhận định Iran có thể triển khai một trong bốn phương án sau: Đầu tiên, đó là tấn công trực tiếp bằng đường không vào mục tiêu quân sự của Israel và Mỹ, trong và ngoài lãnh thổ. Thứ hai, Tehran có thể tấn công bằng hỏa lực rộng vào một số mục tiêu lựa chọn. Thứ ba, nước này có thể phối hợp với Hezbollah triển khai tấn công “phi quy ước”. Cuối cùng, Iran có thể kết hợp giữa phương án tấn công đầu tiên và thứ ba, tạo nên một chiến dịch tấn công toàn diện.

Về mục tiêu, ngày 5/8, hãng tin Defa của các lực lượng vũ trang Iran vừa công bố một loạt các địa điểm tiềm năng ở Israel. Danh sách này bao gồm các căn cứ quân sự, trụ sở làm việc chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tòa nhà Quốc hội (Knesset) ở Jerusalem và 8 căn cứ không quân khắp đất nước Do Thái. Trang này cũng liệt kê tên các địa điểm dân sự trọng yếu khác như sân bay, mỏ khí đốt và nhà máy điện.

Mặc dù vậy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington D.C. (Mỹ), đây cũng có thể chỉ là “nghi binh”: Việc liệt kê danh sách này buộc Israel phải dàn trải lực lượng bảo vệ các địa điểm trên, tạo điều kiện để Iran có thể tập trung hỏa lực vào các mục tiêu thực sự. Theo Chuẩn tướng Zvika Haimovich, nguyên Chỉ huy Lực lượng Phòng không Israel, phía Bắc thành phố Haifa có thể là một trong số đó. Việc tấn công vào nơi vốn đã là điểm nóng Israel-Hezbollah, thay vì tấn công vào Tel Aviv hay địa điểm trọng yếu khác, sẽ góp phần thể hiện sự ủng hộ của Iran với Hezbollah và khiến các đợt đáp trả tiềm tàng của Israel “nhẹ nhàng” hơn, qua đó giữ cuộc đối đầu giữa hai bên trong tầm kiểm soát, tránh lan rộng ra toàn Trung Đông.

Ngoài ra, Iran vừa cảnh báo các hãng hàng không về nguy cơ gián đoạn tín hiệu Định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) trên không phận. Dấu hiệu này được cho là có liên quan tới việc kích hoạt các hệ thống tác chiến điện tử nhằm ngăn chặn vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh của đối thủ. Như vậy, bên cạnh việc tấn công, Iran dường như đang chuẩn bị cho kịch bản đối mặt với khả năng tấn công đáp trả từ phía Israel.

Về phần mình, ngày 4/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập nội các an ninh, đồng thời nhấn mạnh nước này sẵn sàng cho mọi kịch bản, bao gồm “một cuộc chiến đa mặt trận”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cho biết người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto đã chuyển thông điệp từ Ngoại trưởng tạm quyền Iran Ali Bagheri, theo đó Tehran sẽ sớm tấn công đáp trả Nhà nước Do Thái.

Nhiều nước, trong đó có Mỹ và Anh ra cảnh báo công dân nên rời khỏi các điểm nóng ở Trung Đông sau khi thủ lĩnh Hamas bị sát hại ngày 31/7.

Sẵn sàng cho mọi kịch bản

Vậy các nước khác thì sao? Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, đặc biệt quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết đã điều động thêm các tàu tuần dương và khu trục với khả năng chống tên lửa đạn đạo tới Trung Đông. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng một phi đoàn máy bay chiến đấu cũng đang trên đường tới khu vực này.

Trong khi đó, ngày 5/8, New York Times (Mỹ) dẫn lời giới chức Iran cho biết Nga đã bắt đầu chuyển giao các hệ thống phòng không và radar tiên tiến cho Iran, sau khi Tehran yêu cầu để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng của Nhà nước Do Thái.

Trung Quốc khẳng định “vô cùng lo ngại về khả năng gia tăng bất ổn trong khu vực do sự cố này”. Đại sứ nước này Phó Thông, Trưởng Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Đại sứ Algeria Amar Bendjama, Phó Đại sứ Nga Dmitry Polyansky cũng chỉ trích vụ ám sát ông Ismail Haniyeh và kêu gọi các bên kiềm chế.

Bên cạnh các nước trên, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã kêu gọi công dân lập tức rời Israel, Iran và Lebanon, trong bối cảnh bầu không khí xung đột ở khu vực tiếp tục nóng lên, với một số hãng hàng không thương mại đã dừng hoạt động. Như vậy, dường như tất cả các bên đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: Iran tấn công Israel.

Song mặt khác, còn đó một số động thái ngoại giao nhằm hạ nhiệt tình hình, với hy vọng ngăn ngừa các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng từ cả hai nước. Trong đó, các nỗ lực từ Mỹ là nổi bật hơn cả. Một mặt, ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington đã sử dụng kênh ngoại giao để hối thúc các quốc gia gửi thông điệp tới Tehran, nhấn mạnh một cuộc xung đột khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Mặt khác, ngày 5/8, đài truyền hình quốc gia Israel dẫn lời một số quan chức các nước trong liên quân do Mỹ dẫn đầu đã cảnh báo Nhà nước Do Thái không phản ứng thái quá nếu bị tấn công trả đũa.

Về phần mình, trong cuộc gặp với đại diện các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giám (OIC) ở Jeddah, Saudi Arabia, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu đã chuyển lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Iran giảm thiểu thương vong nhất có thể, đặc biệt là đối với dân thường, nếu nước này quyết định tấn công Israel.

Liệu những kêu gọi này có đủ sức ngăn các hành động ăn miếng trả miếng giữa Israel và Iran “vượt ngưỡng”, lan ra toàn khu vực? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Song dù kịch bản nào diễn ra, bầu không khí ngột ngạt ở Trung Đông sẽ còn tiếp diễn.