📞

Đời em trên cát

16:47 | 05/06/2008
Mười hai giờ trưa một ngày tháng 5 nắng như lửa đốt, những đứa trẻ ở đường Vạn Xuân, TP. Huế vẫn hì hục bên những đống cát cao hơn người. 6 đứa trẻ từ 9 đến 13 tuổi, người nhễ nhại mồ hôi xúc từng viên cát thật khó nhọc…

Đời và cát

Một trong 6 đứa trẻ đó có tên Sa cho biết, nhà em có 11 người, nhưng chỉ sống trên một chiếc thuyền. Chiếc thuyền đó vừa là nơi cả nhà nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt, đồng thời cũng là phương tiện làm ăn của cả gia đình.13 tuổi mà Sa như một đứa trẻ lên 6, da đen ngăm, mặt mày lem luốc, nhưng gương mặt em vẫn vui cười khi phải xúc cát giữa trưa hè nóng nực.

Sa kể về công việc hàng ngày của mình thật đáng thương. Mới chỉ học lớp 3, lớp tình thương ở số 1 đường Lê Lợi, TP. Huế. Hàng ngày, đi học về là Sa theo ba mẹ, anh chị lên mãi thượng nguồn sông Hương khai thác cát. Nhỏ làm việc nhỏ. Có thể đãi cát, xúc cát, sàng cát… không thua gì người lớn, có điều, sức có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu nhưng cũng cực khổ vô cùng. Ngày Chủ nhật, Sa từ phường Đúc sang Vạn Xuân, phường Kim Long để xúc cát thuê. Nếu may mắn được người thuê thì cũng kiếm được 10-15.000. Cứ mỗi mét khối cát thì được trả khoảng 2.000-2.500 đồng (tùy từng chủ). Nhưng cũng có trường hợp chủ chỉ trả cho mỗi khối chỉ 1.500 đồng.

Tất cả các em đều là những đứa trẻ thuộc cư dân vạn đò ở TP. Huế. Do gia đình quá khó khăn, nên các em phải vất vả để mưu sinh với cuộc đời. Hầu hết các em đều chỉ được học hết cấp 1 hoặc chỉ học cho biết chữ rồi bỏ. Ông Phan Văn Buộc, tổ trưởng tổ 20 phường Kim Long cho biết “Tổ của tui phụ trách là tổ của những cư dân vạn đò được TP. Huế di dời về đây đã bảy, tám năm nay rồi, nhưng đời sống của bà con còn rất khó khăn. Cả tổ có 62 cháu phải bỏ học giữa chừng khi đang còn học cấp 1 và 2, lên cấp 3 càng hiếm và vô đại học lại càng hiếm hơn ở nơi ni…”.

Bữa ăn trên cát

Hì hục với một xe tải cát khoảng 6 m3 mất gần 2 tiếng. Vừa xúc xong xe cát, chủ xe rút ra tờ 10.000đ, rồi bảo bọn trẻ đổi tiền lẻ mà chia nhau. Mấy đứa trẻ chia nhau mỗi đứa một ít rồi chạy vào bên mái tôn gần đó để đứng cho đỡ nắng và đôi mắt cứ hướng về đống cát để chờ xem có xe nào đến thì chạy tới xin xúc.

Một bà gánh hàng rong đi tới, chúng ùa tới ngay, đó là một bà già, ngày nào cũng có nồi ốc mút và ốc bươu luộc đến đây phục vụ cho những người làm cát. Có lẽ chúng là khách quen của bà. Không rửa mặt mũi, tay chân, chúng quệt ngang rồi vội vã tranh nhau những con ốc bươu vàng đã chặt đít, thêm các gia vị như muối, ớt, sả… tạo nên một thứ mà khi ăn vào ứa cả nước mắt và làm mồ hôi vã ra như tắm. Thế mà bọn trẻ vẫn ăn một cách ngon lành! Bà căn dặn từng đứa một, ăn là phải cẩn thận nếu không thì hóc, rằng ăn phải từ tốn mới ngon và phải nhường nhau, phải chừa lại phần trứng, vì trứng ốc bươu vàng hơi độc…

Thiếu ăn, thiếu mặc…thiếu cả học hành

Nhìn từ cây cầu Đông Ba bắc qua con sông Gia Hội mới thấy toàn bộ quang cảnh cũng như con người nơi đây như thế nào. Những xóm làng xác xơ, xiêu vẹo đang chìm đắm trong một thành phố là di sản của thế giới, thành phố Đô thị loại I. Những con đò bao đời nay vẫn nằm đó: cũ kỹ, rách nát, xiêu vẹo, ọp ẹp, được làm từ tre, gỗ, tôn, nhôm… Nhà khá giả một tý thì tậu được con đò mươi, mười hai triệu, được đóng bằng gỗ, che chắn bằng tôn, đi đứng được thoải mái… Còn những gia đình nghèo thì che bằng những tấm ni lông, những tấm bạt, chiều cao không đủ đứng.

Ăn cũng đó, ngủ cũng đó, bếp núc cũng đó, sinh hoạt cũng là đó. Mỗi con đò tuy bé nhỏ như thế nhưng lại tập trung trên đó khoảng từ 4 cho tới 7, 8 người, thậm chí là 10 người. Họ chen chúc nhau, ngày nắng ngày tốt thì được, còn những ngày mưa bão thì khỏi phải nói đến cảnh khổ cực của những con người đã bao đời lênh đênh trên sông nước này…

Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiền bạc đã đành, lại còn thiếu cả nước, thiếu cả điện… Hàng trăm hộ dày đặc trên sông, nhưng cũng chỉ có mấy vòi nước lèo tèo trên bờ để cho bà con dùng vào ăn uống, những sinh hoạt còn lại thì đã có sẵn… ngay ở dưới mình rồi, còn muốn dùng điện phải câu từ các hộ giàu ở trên bờ, nên phải trả với giá từ 1.500 đến 2.000đ/1kwh. Đã nghèo lại càng vất vả hơn, không có đất canh tác không có vốn liếng gì ngoài chiếc đò, tất cả là nhờ vào những công việc hàng ngày, làm được thì có ăn, những ngày thời tiết bất an thì cả gia đình ăn cháo, nhịn bữa qua ngày. Khổ nhất là thiếu hiểu biết, thiếu cái chữ, thiếu trình độ nên những nhận thức của người dân còn chưa tốt như tỷ lệ sinh còn cao...

Tuy địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên cho những hộ dân trên các khu vực này, nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để tình trạng đó. Nhiều dự án di dời tái định cư cho bà con vạn đò được địa phương triển khai thời gian qua, nhưng vẫn chỉ làm được rất ít, vì nguồn kinh phí hạn hẹp và các nguyên nhân khác. Dự kiến từ nay đến năm 2011, tất cả các hộ cư dân vạn đò sẽ được di dời toàn bộ đến các khu định cư mới, để bà con có cuộc sống ổn định, trả lại cảnh quan thơ mộng cho các dòng sông. Và nhất là sẽ tạo cho những đứa trẻ vốn bao đời khổ cực có tương lai nhiều hứa hẹn tốt đẹp hơn.

Hoàng Quý