📞

Đợi một tiếng còi tàu

16:12 | 20/09/2015
Người dân hai miền Triều Tiên luôn mong ngóng sẽ lại nhìn thấy những chuyến tàu lăn bánh từ nhà ga Dorasan – biểu tượng của ý chí thống nhất.
Hai bức tranh thể hiện nỗi đau ly tán trong một gia đình được treo ở nhà ga Dorasan.

Tham gia một chương trình trao đổi giáo dục, tôi đặt chân đến xứ sở kim chi đúng dịp nhân dân hai miền Triều Tiên kỷ niệm 70 năm giành độc lập (15/8/1945-2015). Bảy thập niên trước, người ta vẫn có thể đi từ Nam xuống Bắc mà không hề bị ngăn cách bởi một biên giới quốc gia hay trạm kiểm soát như ngày nay.

Tôi được Jeongmin Son – sinh viên Đại học Nữ sinh Sookmyung dẫn đi thăm nhà ga Dorasan. Từng đến nhiều di tích nhà ga cổ kính trăm tuổi nên tôi rất tò mò vì sao cô bạn Hàn Quốc lại đưa một người nước ngoài đến thăm công trình mới được xây dựng 15 năm trước...

Biểu tượng thống nhất

Cách Seoul 56km và Bình Nhưỡng 205km, Dorasan nằm ngay sát khu vực phi quân sự DMZ, kết nối hai miền Triều Tiên. Vào năm 2000, trong không khí tích cực và thân thiện của quan hệ liên Triều thời đó nhờ chính sách Ánh Dương, hai bên đồng ý nối liền bán đảo bằng đường ray Gyeongui. Tất cả mìn và hàng rào thép gai được dỡ bỏ để phục vụ việc xây dựng ga và đường ray.

Sau hai năm thi công, Dorasan chính thức mở cửa vào 11/4/2002, là biểu tượng của sự hòa hợp, ý chí thống nhất. Nhưng mãi năm năm sau, ngày 11/12/2007, những chuyến đi liên Triều mới được nối lại sau khi bị tê liệt từ năm 1953. Chuyến tàu chở hàng đầu tiên gồm mười toa khởi hành từ Dorasan qua biên giới tới ga Panmun (Triều Tiên) rồi quay trở lại.

Từ đây, hàng ngày, các đoàn tàu đưa hàng hóa, nguyên liệu từ miền Nam sang khu công nghiệp chung Keasong ở miền Bắc. Sau đó, công nhân xử lý và các đoàn tàu lại đưa thành phẩm về nơi xuất phát. Mỗi hành trình kéo dài khoảng 16km. Jeongmin nói rằng thời gian đó nếu nhìn vào hoạt động ở đây, chẳng ai có thể nghĩ những người trong cùng một “dây chuyền” này mang hai quốc tịch!

Đáng tiếc, sự liên kết này không tồn tại được bao lâu. Đầu tháng 12/2008, phía Bình Nhưỡng quyết định chấm dứt giao thương để phản đối chính sách đối đầu của Seoul. Điều này trùng hợp với cuộc bầu cử lập pháp Hàn Quốc cùng năm, Chính phủ mới có nhiều điều chỉnh về chính sách với Triều Tiên. Từ đó đến nay, chưa có chuyến tàu nào đi sang phía “bên kia” cả. Jeongmin tâm sự rằng nhân công ở đây buồn không phải vì mất việc mà vì biên giới trở về trạng thái căng thẳng, không còn không khí làm việc hăng say như trước.

Bao giờ tiếng xình xịch trở lại...

Khi tôi đến, nhà ga vẫn mở cửa phục vụ du lịch. Du khách bị thu hút bởi kiến trúc hiện đại, bề thế, mái vòm lượn sóng. Tôi ấn tượng mãi hai bức tranh được treo trên tường. Một bức vẽ đầy đủ thành viên trong gia đình trước năm 1953, bức còn lại đã khuyết đi nhiều gương mặt. Nỗi đau chia ly quá lớn với nhân dân hai miền.

Đã lâu, Dorasan không còn tiếng xình xịch của tàu hỏa nhưng người ta vẫn bán tấm vé mang dòng chữ “Đến Bình Nhưỡng” với giá khoảng 1,5 USD cho ai muốn mua làm kỷ niệm. Bạn cũng được đóng dấu trên bàn soát vé.

Tôi lên xe về Seoul lúc chập choạng tối, ánh nắng leo lắt như hy vọng thống nhất lúc nào cũng cháy nhưng mong manh. Lúc đó, bất giác tôi hạnh phúc khi nghĩ về quê hương Việt Nam – mảnh đất từng trải qua hoàn cảnh tương tự nhưng đã kiên cường đấu tranh thống nhất đất nước.

Chia cắt đất nước không phải là lỗi của một cánh rừng, dòng sông hay một vĩ tuyến… Jeongmin nói rằng cả hai Chính phủ đều tuyên bố quyết tâm thống nhất. Nhưng ai cũng biết đó không phải là một việc dễ dàng. Trong quan hệ liên Triều, những nỗ lực thường nhanh chóng bị đình trệ bởi các xung đột bất ngờ.

Trở lại Việt Nam, tôi hạnh phúc khi Jeongmin thông báo dịp Trung thu năm nay, hai Chính phủ sẽ tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh (1950-1953). Chẳng biết khi nào một đoàn tàu xuyên qua biên giới mới có thể khởi động lại nhưng tôi tin rằng tiếng còi thúc giục ý chí thống nhất luôn văng vẳng trong tâm trí mỗi người dân hai bên vĩ tuyến 38.

Khánh Toàn