Kể từ năm 2016 đến nay, bối cảnh quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp và rất khó lường. Đặc biệt là sự điều chỉnh chính sách của các nước, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao, các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ và bóng ma chiến tranh thương mại đã tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, các xu hướng phát triển công nghệ, hình thái kinh tế mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức chưa từng có và nếu không bắt kịp thì nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.
Từ “tham gia tích cực”
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã phát huy tốt các cơ chế đa phương để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình cũng như tham gia giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận “Triển vọng địa chính trị châu Á” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), ngày 13/9/2018. |
Hơn hai năm qua đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, chúng ta đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Bằng chứng tiêu biểu là với Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi là nơi hội tụ của toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…Điều đáng nói ở chỗ, đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ Cấp cao APEC mới có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy. Điều đó khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ nổi lên mạnh mẽ, với tư cách chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, thể hiện vai trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hoà khác biệt, thúc đẩy điểm đồng giữa các thành viên để tạo đồng thuận chung. Với việc các nhà lãnh đạo APEC cam kết “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.
Phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trên kênh nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã được Diễn đàn Nghị viện châu Á -Thái Bình Dương (APPF) và các Nghị viện thành viên tin tưởng giao đảm nhiệm tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF hồi tháng 1 vừa qua. Đề xuất của Quốc hội Việt Nam về Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng vì đây là cách kết nối chặt chẽ giữa APPF và APEC để cùng hỗ trợ APEC thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Hội nghị APPF-26 đã thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam vốn luôn quan tâm tới sự phát triển chung của ngoại giao nghị viện, tham gia định hướng phát triển của các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế trong bối cảnh mới.
Đến “chủ động đóng góp xây dựng”
Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017 và Hội nghị APPF-26, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) cuối tháng 3/2018 tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực. Điều đặc biệt là Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN…, cùng sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự - quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017. Thành công đó đánh dấu sự chủ động và tích cực của Việt Nam cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế dự WEF ASEAN 2018, sự kiện đối ngoại đa phương lớn tổ chức tại Việt Nam. |
Là một trong ba sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) hồi tháng 9 mới đây được đánh giá là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua khi quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác, khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự. Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam còn trở thành tâm điểm chú ý xuất hiện liên tục trong dòng chảy thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng nghìn bài viết, thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội…Thành công đó không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN 2018 đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung của khu vực cũng như thế giới, mà còn khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam.
Tâm thế và tầm vóc mới
Bên cạnh Năm APEC 2017, Hội nghị APPF-26, GMS 6, CLV 10, WEF ASEAN 2018, giai đoạn 2016-2018 còn chứng kiến dấu ấn của đối ngoại đa phương Việt Nam thông qua việc được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 7/2017 tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Canada tháng 6/2018, hay việc tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) mới đây. Tất cả đã cho thấy sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu.
Những kết quả đạt được trong hơn hai năm qua của đối ngoại đa phương đã góp phần giúp Việt Nam khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế. Đây cũng chính là hành trang để Việt Nam tự tin tiến lên với tâm thế và tầm vóc mới, đảm nhận những trọng trách lớn của quốc tế trong những năm tiếp theo, trong đó có việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.