Để đưa công tác đối ngoại Đảng lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, đối ngoại Đảng đã xác định năm mục tiêu bao trùm và bốn trọng tâm chính. ____________________________________________ |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong những năm qua, đối ngoại Đảng đã cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tạo ra những chuyển biến có ý nghĩa lịch sử to lớn của đất nước ở từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xác định là một bộ phận gắn bó, thống nhất của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, trong khối hiệp đồng với các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối khác của Đảng đã trực tiếp tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Đảng ta, giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa Đảng ta với Quốc tế Cộng sản và với các đảng cộng sản, công nhân anh em. Chính các hoạt động đó là tiền đề quan trọng để mang lại những thành công của cách mạng Việt Nam. Theo Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, trong những năm qua, đối ngoại Đảng đã không ngừng được mở rộng. Từ chỗ chỉ có quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, phong trào tiến bộ, ta đã mở rộng, phát triển quan hệ với nhiều đảng, diễn đàn đa phương chính đảng, tổ chức, phong trào ở tất cả các khu vực trên thế giới. Từ 206 đảng vào thời điểm năm 2012, đến nay, Đảng ta có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia trên thế giới. Các hoạt động đối ngoại Đảng đã góp phần quan trọng tạo nền tảng chính trị cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương của nước ta với các nước. Về tổng thể, đối ngoại Đảng đã góp phần củng cố, hoặc thiết lập các khuôn khổ quan hệ hợp tác mới với các nước. |
Quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tổng thể sự hợp tác. |
Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tổng thể sự hợp tác, nhất là các cơ chế hội đàm ở cấp cao nhất trên kênh đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp có tính chiến lược, đồng thời, xác định các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác, kịp thời giải quyết các khó khăn trong quan hệ song phương. Quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, các đảng đối lập lớn ở các nước đã góp phần thúc đẩy khuôn khổ quan hệ. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng đã tạo hiệu quả thiết thực, tạo động lực mới đưa quan hệ với các nước đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, nhất là đã nâng cấp, xác lập nhiều khuôn khổ quan hệ mới giữa nước ta với các nước. Các chuyến thăm của các Tổng Bí thư Việt Nam đã trực tiếp nâng cấp khuôn khổ quan hệ với 10 nước lên đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hay đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cũng tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước trên kênh Đảng, đóng góp tích cực vào tăng cường quan hệ Đảng, Nhà nước Việt Nam với các chính đảng và các nước trên thế giới. Qua đó để thấy rằng, các hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo Đảng phát huy hiệu quả rất lớn. Ông Lê Hoài Trung cũng cho rằng, việc mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, diễn đàn đa phương chính đảng, các tổ chức, phong trào tiến bộ đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy gia tăng hiểu biết và gắn kết tình cảm của nhân dân các nước với Việt Nam, qua đó, tạo môi trường chính trị thuận lợi chung thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước. Không chỉ vậy, đối ngoại Đảng đã góp phần tham gia xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước. |
“Từ rất nhiều cuộc trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các chính đảng nước ngoài, Đảng ta tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xây dựng đảng, về lãnh đạo, quản lý đất nước và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa…”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh. Chính vì vậy, theo ông Lê Hoài Trung, kết quả rất quan trọng là đối ngoại Đảng góp phần gia tăng vị thế, uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao tính chính danh và nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Qua các hoạt động đối ngoại Đảng, các nước thuộc các hệ thống chính trị, xã hội khác nhau ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ với Việt Nam. Trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Mỹ, Pháp, các nước này không chỉ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà còn tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. |
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới, đặc biệt là sự xuất hiện của những biến chủng mới nguy hiểm hơn, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, công tác đối ngoại với trọng tâm là ngoại giao vaccine được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, góp phần vào công tác chống dịch trong nước. Cùng đất nước chung tay đối phó với dịch Covid-19, ông Lê Hoài Trung cho biết, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân trong thời gian qua đã nỗ lực đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trên bốn khía cạnh chính. |
Công tác đối ngoại với trọng tâm là ngoại giao vaccine được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, góp phần vào công tác chống dịch Covid-19 trong nước. |
Một là, phát huy thế mạnh của đối ngoại Đảng, tiếp tục thúc đẩy tin cậy chính trị với các chính Đảng cầm quyền tại các nước, góp phần tạo nền tảng chính trị thuận lợi cho công tác ngoại giao vaccine và hợp tác quốc tế phòng chống đại dịch. Hai là, các nội dung về vận động vaccine, thuốc điều trị và các nguồn lực khác đều được chú trọng trong các hoạt động đối ngoại Đảng, nhất là tại các cuộc trao đổi tiếp xúc của Lãnh đạo Đảng với lãnh đạo các đảng các nước, các Đại sứ, góp phần quan trọng trong việc vận động các nguồn vaccine. Đơn cử, trong điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel, Lãnh đạo Đảng ta đã trao đổi thúc đẩy chia sẻ và hợp tác sản xuất vaccine. Hay Lãnh đạo Đảng ta đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev về vấn đề tiếp cận và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V. Ba là, Ban Đối ngoại Trung ương đã tiếp xúc với một số trưởng Cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế (như EU); đề nghị các tổ chức nhân dân Việt Nam thúc đẩy việc vận động các nguồn vaccine; chú trọng nghiên cứu báo cáo, chia sẻ thông tin về công tác chống dịch và bài học kinh nghiệm thành công của một số nước; thúc đẩy tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch với các đối tác, mời các cơ quan liên quan đến dự để nắm bắt, áp dụng phù hợp vào công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Bốn là, trong các hoạt động đối ngoại Đảng, ta đều chú trọng thông tin tình hình về các biện pháp, chủ trương của Việt Nam trong phòng chống dịch, chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất các nội dung nhằm tăng cường hợp tác phòng chống dịch, góp phần thúc đẩy nhận thức chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch. Mặt khác, đảng ta đã hỗ trợ kịp thời một số đảng, đối tác, cả về tài chính và trang thiết bị phòng chống dịch; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức nhân dân có các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ các đối tác tương ứng. “Điều này góp phần gia tăng tình cảm và sự gắn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam với các đảng và nhân dân trên thế giới. Qua đó, nhận được sự hỗ trợ trở lại của các đảng và nhân dân các nước đối với công tác phòng chống dịch của Việt Nam”, ông Lê Hoài Trung khẳng định. |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại dựa trên ba trụ cột chính trị, kinh tế và văn hóa, đồng thời, nêu rõ đối ngoại phải giữ vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao uy tín, vị thế đất nước. Đây không chỉ là nhận thức mới, mà còn là một yêu cầu cao hơn đối với đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nhận thức rõ yêu cầu mới này, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, đối ngoại Đảng xác định mục tiêu bao trùm trong thời gian tới trước hết là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện thắng lợi tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược của đất nước đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra tới các năm 2025, 2030 và 2045. Thứ hai, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ của Việt Nam với các nước. Thứ ba, tạo lập, củng cố sự đồng thuận chính trị và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thứ tư, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và nước ta trên trường quốc tế. Thứ năm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của đảng. |
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh bốn trọng tâm chính để phát triển công tác đối ngoại Đảng trong thời gian tới. Thứ nhất, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, thẩm định, dự báo chiến lược, nắm bắt kịp thời các xu thế lớn trên thế giới. Từ đó, cùng các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách, để phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác đối ngoại, tranh thủ các cơ hội, kịp thời xử lý các thách thức, vấn đề đặt ra để không bị động và bất ngờ. Thứ hai, không ngừng mở rộng và phát triển về chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường sự tin cậy, tạo nên tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương. Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại Đảng để góp đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, là tiếp thu kinh nghiệm trong các vấn đề xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành đất nước, quản lý các vấn đề kinh tế xã hội, môi trường, giáo dục… Thứ tư, chú trọng sự linh hoạt sáng tạo nhạy bén trong tư duy, sự đa dạng, chiều sâu trong nội dung nghiên cứu tham mưu, tính chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại trong biện pháp triển khai các hoạt động đối ngoại. |
Ông Lê Hoài Trung cho biết, Ban Đối ngoại Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại và triển khai các mối quan hệ đối ngoại Đảng; đồng thời là cơ quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân. Thời gian qua, Ban Đối ngoại Trung ương đã luôn coi trọng việc phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Qua đó, góp phần tạo sự gắn bó thống nhất giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp đối ngoại chung của đất nước. Ông Lê Hoài Trung cho biết, Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao có quy chế phối hợp gần 5 năm nay, việc thực hiện quy chế đã góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai bên. “Mỗi năm, sự hợp tác giữa hai cơ quan lại càng sâu hơn, đa tầng nấc hơn và hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công tác nghiên cứu dự báo, đề xuất, tổ chức các hoạt động đối ngoại lớn, xử lý tình huống đối ngoại”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định. Ông Lê Hoài Trung cũng chia sẻ, hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân luôn được sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, với những yêu cầu mới cao hơn của đối ngoại và hướng tới xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, yêu cầu cần phải tăng cường phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn. Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương mong rằng, hai bên đẩy mạnh phối hợp trong công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại. Cùng với đó, yêu cầu đặt ra là Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ trong những công việc sau: (i) Nghiên cứu, tham mưu chiến lược, triển khai các mối quan hệ đối ngoại và xử lý các vấn đề đối ngoại phức tạp nảy sinh; (ii) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách đối ngoại; (iii)Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng. Ba kênh đối ngoại cần phối hợp nhằm hỗ trợ, định hướng, đảm bảo sự tham gia, đóng góp tích cực của cả hệ thống chính trị, bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế. |
Thực hiện: Kim Hồng Ảnh: TTXVN, Ban Đối ngoại trung ương, Nguyễn Hồng... Đồ họa: Nguyễn Hồng |