Bước vào năm 2022 - năm tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành ngoại giao tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới. |
Trên thực tế, đường lối đối ngoại đúng đắn, tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi, huy động tốt các nguồn lực bên ngoài trong mỗi giai đoạn lịch sử, đã cho thấy những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.
Bằng chứng là đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế, không chỉ phát triển quan hệ kinh tế với trên 240 đối tác, chúng ta còn có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế - phát triển hàng đầu.
Từ mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng của thế giới. Mạng lưới FTA cũng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được triển khai chủ động, toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế với các đối tác, tích cực vận động các nước mở cửa thị trường cho hàng hoá và lao động của Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch, vận động các định chế tài chính quốc tế và các đối tác dành cho Việt Nam các điều kiện vốn vay ưu đãi.
Những năm qua, công tác vận động kênh phi chính phủ nước ngoài cũng đã thu hút các chương trình, dự án viện trợ, triển khai ở 63 tỉnh, thành cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nổi bật trong giai đoạn khó khăn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19, thành công ngoạn mục của ngoại giao vaccine đã tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những thời khắc “sinh tử” để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đối mặt với những thách thức, đối ngoại âm thầm đóng góp cho bước chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đưa kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD; năm 2021 lập kỷ lục mới gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.
Bước vào năm 2022 - năm tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành ngoại giao tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là tìm động lực phát triển mới cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hậu Covid-19.
Vai trò tiên phong đặt ra thách thức đối với ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Đó là, đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng bền vững, tận dụng tối đa thành tựu chuyển đổi số để phục vụ phát triển đất nước, như ngoại giao công nghệ, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao y tế...