Điều đó được khẳng định qua Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15: “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã thật sự là một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển”.
Triển khai đồng bộ các hoạt động
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và sự hợp tác ngày càng hiệu quả, sâu sắc của bạn bè, đối tác quốc tế, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của thành phố.
Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa thành phố với các địa phương bạn trong thời gian qua được tổ chức chủ động, thường xuyên, đạt hiệu quả thực chất. Điển hình, Hải Phòng đón nhiều đoàn cấp cao như: Đoàn Thái tử Bỉ, Chủ tịch Thượng viện Bỉ, Tổng thống Italy, Phó Thủ hiến vùng lãnh thổ Bắc Australia, Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Uruguay, Nghị sĩ Quốc hội Đức, Quốc hội Phần Lan, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Lào,… Ngoài ra, thành phố cũng đón nhiều đoàn Đại sứ các nước, Tỉnh trưởng, Thị trưởng các tỉnh, thành phố bạn tới thăm, tọa đàm, ký kết thỏa thuận hợp tác, xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư…
Ngày 9/11/2015, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và ông Izumiada Hirohiko, Thống đốc tỉnh Niigata (Nhật Bản) ký kết bản ghi nhớ giữa hai địa phương. |
Về quan hệ song phương, đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 19 địa phương thuộc 13 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, năm 2014, thành phố đã nâng cấp quan hệ với Kitakyushu (Nhật Bản) từ quan hệ “hợp tác hữu nghị” lên “thành phố kết nghĩa”, tạo bước ngoặt mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa hai bên và tạo đà triển khai nhiều chương trình hợp tác quan trọng trong xây dựng và triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, bí quyết quản lý, kinh doanh, phát triển nhân lực,…
Năm 2015, thành phố ký kết Bản ghi nhớ giao lưu, hợp tác với chính quyền tỉnh Niigata (Nhật Bản) nhằm thiết lập khung hợp tác song phương trong các lĩnh vực: kinh tế, du lịch, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo nhân lực, truyền thông, thể thao. Thành phố tiếp tục duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Vân Nam, Thiên Tân, Nam Ninh (Trung Quốc) trong khuôn khổ “Hai hành lang - một vành đai kinh tế Việt - Trung”.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng đã tích cực tham gia một số hoạt động với vai trò là thành viên Tổ chức Mạng lưới các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CITYNET); cùng 17 thành phố lớn trên thế giới tham gia Hội đồng thế giới về dữ liệu quản lý thành phố (WCCD) và triển khai áp dụng Bộ chỉ số đô thị toàn cầu theo tiêu chuẩn ISO 37120. Thành phố cũng triển khai và hoàn thành dự án hợp tác với Tổ chức Sáng kiến các thành phố châu Á (CDIA) về nghiên cứu tiền khả thi trong lĩnh vực xử lý nước thải, biến đổi khí hậu; tham gia nhiều hoạt động của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cùng nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế khác...
Ngoại giao văn hóa trở thành một trụ cột của ngoại giao toàn diện, điểm nhấn mở rộng quan hệ quốc tế của thành phố. Thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch số 5403/KH-UBND ngày 23/7/2014 về Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Tiêu điểm của văn hóa đối ngoại trong những năm gần đây là: Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2015) và Lễ hội Hoa phượng đỏ thường niên… thu hút sự quan tâm, tham dự của các đại biểu, nhân dân trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hiệu quả lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển của Hải Phòng ra thế giới.
Công tác đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh, góp phần xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân thành phố và bạn bè thế giới, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý có các hoạt động: Kỷ niệm 40 năm kiến giao Việt - Nhật, Việt Nam - Phần Lan, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào, 45 năm kiến giao Việt Nam - Campuchia, Chương trình Nhịp cầu hữu nghị Hải Phòng, Cuộc thi vô địch tiếng Anh, Cuộc thi Diễn thuyết Tiếng Nhật, Cuộc thi tiếng Hàn, Giải Golf giao lưu hữu nghị Hải Phòng,…
Ngày 24/2/2016, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố tiếp và làm việc với ngài Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. |
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được Thành phố quan tâm triển khai, khuyến khích, động viên kiều bào gắn bó với quê hương, hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước. Hiện nay, thành phố có khoảng 30.000 kiều bào đang sinh sống, kinh doanh tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 12 tổ chức hội người Hải Phòng ở nước ngoài được thành lập tại nước ngoài. Năm 2015, số kiều hối ước đạt 200 triệu USD, với 30 dự án đầu tư của kiều bào.
Công tác lãnh sự, biên giới, hải đảo được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, góp phần giữ vững, ổn định an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sở Ngoại vụ đã chủ trì, giải quyết dứt điểm hàng trăm vụ việc lãnh sự, bảo hộ công dân mỗi năm, triển khai tốt công tác đón tàu hải quân nước ngoài, công tác MIA, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biên giới, lãnh thổ, phát hành và tiếp nhận tài liệu bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Sáng tạo trong thu hút ngoại lực
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Hải Phòng là sự sáng tạo trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế. Thành phố xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của các sở, ban, ngành nói chung. Ngoài việc tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, tích cực giải quyết tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện, không ngừng xây dựng lòng tin đối với các doanh nghiệp trong đó chú trọng đến các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ.
Từ 2012 đến nay, Hải Phòng luôn được đánh giá là điểm sáng khi vươn lên tốp đầu cả nước về thu hút FDI mỗi năm và có nhiều dự án quy mô rất lớn như: LG Electronics và LG Displays (Hàn Quốc), Bridgestone (Nhật Bản),… Thu hút FDI giai đoạn 2010 - 2015 ước đạt 7,63 tỷ USD, bằng 1,5 lần tổng vốn FDI của những năm trước cộng lại. 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2 tỷ USD, đứng đầu cả nước về kết quả thu hút vốn FDI. Tính đến tháng 6/2016, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 470 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12,67 tỷ USD.
Thành phố cũng tập trung hút vốn ODA vào các dự án trọng điểm: Cảng nước sâu Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, Cầu Vũ Yên và Nguyễn Trãi, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, VSIP, Khu đô thị Bắc sông Cấm,…
Công tác viện trợ phi chính phủ đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo “Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ của Hải Phòng giai đoạn 2015 - 2017, định hướng đến 2020”, Thành phố đã thực hiện được một số dự án tiêu biểu như: Chương trình Phát triển vùng đô thị quận Ngô Quyền; thành phố Hải Phòng tăng cường năng lực phòng chống biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai (Tổ chức Tầm nhìn thế giới); Sáng kiến chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai giữa các thành phố kết nghĩa Việt Nam - Hoa Kỳ” (tổ chức Peace Winds America); Nâng cao năng lực vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát nước ở thành phố Hải Phòng; Hỗ trợ xây dựng hệ thống hợp tác nhằm cải thiện môi trường nước tại đảo Cát Bà (JICA); Hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS (VAAC)…
Việc tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế nhằm thu hút các nguồn ngoại lực trên đã góp phần quan trọng để phát triển thành phố nhanh và bền vững; đồng thời giúp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế, uy tín của thành phố, làm tiền đề thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố quốc tế.
***
Trong giai đoạn phát triển mới 2016 - 2020, giai đoạn bắt đầu thực hiện các Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng tiếp tục mở rộng, kiên trì xây dựng lòng tin với bạn bè và đối tác quốc tế, quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng cao; đẩy mạnh các dự án hạ tầng chiến lược, khai trương và khánh thành các dự án đầu tư sản xuất, thương mại lớn... để hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.