Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai bên trong chuyến thăm Vương quố |
Về quan hệ song phương, ta đã chú trọng đưa quan hệ đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực với một số nước đối tác chủ chốt, bên cạnh việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước đối tác khác. Trao đổi đoàn cấp cao luôn được quan tâm thúc đẩy nhằm tăng cường nhận thức chung về các vấn đề cùng quan tâm cũng như xây dựng và duy trì sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng được ký kết, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động ĐNQP (chỉ trong năm 2013, ta đã ký được 18 văn bản hợp tác quốc phòng với 10 nước đối tác); các cơ chế đối thoại cấp Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tham vấn cấp làm việc tiếp tục được thiết lập nhằm trao đổi quan điểm, thống nhất và hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã được ký kết. Cùng với việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, ta đã chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương khu vực, thế giới và nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế.
Kết quả đáng ghi nhận
Thứ nhất, ĐNQP đã góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ XHCN. Xác định được tầm quan trọng đặc biệt của ĐNQP trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trong những năm qua, quan hệ quốc phòng với các nước đối tác cả trên bình diện song phương và đa phương, nhất là với các nước trong khu vực, được ta triển khai một cách đồng bộ và chủ động. Hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng có biên giới liền kề luôn được ta chú trọng phát triển và ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thân thiện và tin cậy lẫn nhau cũng như trong việc bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia. Các hoạt động tuần tra chung trên bộ, trên biển, giao lưu, kết nghĩa giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu, xâm nhập biên giới trái phép… đã được ta và các nước bạn phối hợp triển khai hiệu quả.
Với Lào và Campuchia, xác định giúp bạn là tự giúp mình, ta đã triển khai hợp tác ở nhiều nội dung, ở nhiều cấp độ với các hình thức linh hoạt, qua đó đóng góp cho sự phát triển, duy trì an ninh của mỗi quốc gia, góp phần làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch hòng chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Lào-Campuchia, đồng thời giữ vững được vành đai an ninh phía Tây của Tổ quốc.
Với Trung Quốc, trên tinh thần 16 chữ và 4 tốt, quan hệ hợp tác quốc phòng luôn được chú trọng và thúc đẩy nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai bên. Trên thực tế, có thời điểm quan hệ hai nước căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển, song quan hệ quốc phòng giữa ta và bạn vẫn được duy trì và thúc đẩy, góp phần từng bước giải quyết những tồn tại, bất đồng và tác động tích cực đến quan hệ đại cục giữa hai nước, qua đó khẳng định hợp tác quốc phòng luôn là một trong những trụ cột trong quan hệ hữu nghị Việt - Trung.
Với các nước khác trong khu vực, quan hệ quốc phòng đã được triển khai một cách có hiệu quả theo các Thỏa thuận đã được ký kết, tạo sự ủng hộ của bạn bè đối với lợi ích chính đáng của ta. Thông qua các cơ chế đa phương về an ninh, quân sự quốc phòng nhất là trong khuôn khổ ASEAN, ta đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các nước về quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC.
Thứ hai, ĐNQP góp phần xây dựng, củng cố lòng tin với các nước và các tổ chức quốc tế; nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước và Quân đội; góp phần duy trì môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, ĐNQP đã chủ động mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, không phân biệt về chế độ chính trị, và thúc đẩy quan hệ thông qua việc tham gia cơ chế đối thoại cấp nhà nước (đối thoại Ngoại giao-Quốc phòng), cũng như thiết lập và triển khai kênh Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tham vấn cấp làm việc.
Bằng việc triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại thực tiễn nêu trên, có thể khẳng định, giai đoạn 2011 - 2013, ĐNQP Việt Nam đã có bước chuyển biến về hội nhập quốc tế rất đáng ghi nhận và đạt được những thành tựu nổi bật. |
Thứ ba, ĐNQP góp phần tăng cường các nguồn lực xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hợp tác quốc phòng, ta đã tranh thủ và tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài để góp phần xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác đào tào, huấn luyện với bạn, ta đã có một số lượng lớn cán bộ được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự làm nòng cốt cho các đơn vị trong toàn quân khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại, từng bước tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước. Hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển, các nước bạn bè truyền thống cũng được ta quan tâm thúc đẩy bằng nhiều nội dung, phương thức hợp tác mới, qua đó tranh thủ được các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến... nhằm từng bước tự chủ, bảo đảm trang bị, vũ khí, khí tài hiện đại cho Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các giải pháp hội nhập thành công
Tuy đạt được những thành tựu như trên, song ĐNQP của ta mới chỉ đi được một chặng đường đầu của quá trình hội nhập quốc tế. Để hội nhập thành công, kịp thời thích ứng với những diễn biến mới của khu vực và thế giới, đặc biệt là để phù hợp với bối cảnh ASEAN trở thành Cộng đồng sau năm 2015, ĐNQP cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
1. Tận dụng triệt để các cơ hội trong quá trình hội nhập, đồng thời đề cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN của đất nước.
2. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương với các nước có biên giới liền kề, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể quan hệ quốc phòng song phương với các đối tác quan trọng, trong đó chú trọng hợp tác trao đổi trong công tác nghiên cứu chiến lược, hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.
3. Chủ động tham gia và đóng góp sáng kiến cho các cơ chế hợp tác quốc phòng của ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, đồng thời tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế về quốc phòng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị Quân đội với các cơ quan Đảng, Nhà nước, địa phương trong quá trình triển khai các hoạt động ĐNQP.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ĐNQP, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với chủ trương hội nhập quốc tế về quốc phòng của Đảng; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương hội nhập quốc tế về quốc phòng, chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự vệ của Việt Nam đến các đối tác và cộng đồng quốc tế.
6. Chủ động, tích cực chuẩn bị các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người để sẵn sàng HNQT về quốc phòng ở cấp độ sâu hơn, cao hơn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Có thể khẳng định, chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng tại Đại hội XI đã được Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo sâu sát và đạt hiệu quả thiết thực cả trong hoạch định chính sách và triển khai các hoạt động đối ngoại thực tiễn. Với những thành tựu nổi bật trên đây, ĐNQP đã và đang trở thành một phương thức bảo vệ Tổ quốc hữu hiệu bằng biện pháp hòa bình, là một trong những trụ cột của mối quan hệ giữa ta với các nước. Đây là cơ sở quan trọng để ĐNQP của chúng ta tiếp tục có những bước phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.
Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng
Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng