📞

Đối ngoại trong tuần: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam; Làm sâu sắc tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào

Chu An 13:53 | 01/05/2022
Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong tuần từ ngày 25/4-1/5.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio nằm trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đối ngoại cấp cao

Sáng 1/5, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức (tháng 10/2021).

Chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam cũng như củng cố mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân Thủ tướng Kishida Fumio với các Lãnh đạo Việt Nam, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước trên cơ sở tình cảm, chân thành và tin cậy.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, cùng với lễ đón chính thức và hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Kishida Fumio vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự Hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou đã có chuyến thăm chính thức thành công tới Việt Nam (25-27/4). Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Pany Yathotou đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội đàm với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân


Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith và thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm chính thức Lào từ ngày 27-29/4, kết hợp đồng chủ trì họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 9. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến chào xã giao Lãnh đạo cấp cao Lào; thăm và gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Chiều 29/4, tại trụ sở Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã traoquyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.

Chiều 26/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Tọa đàm về công tác nghiên cứu khoa học của Bộ Ngoại giao năm 2021, đề ra kế hoạch năm 2022 và định hướng công tác này trong thời gian tới.


Ngoại giao song phương

Chiều 29/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tiếp ông Viengxay Phommachanh, Tổng lãnh sự Lào tại Đà Nẵng đến chào kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Ngày 28/4, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Oman tại Hà Nội Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri, thay mặt Chính phủ Vương quốc Oman đã ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu đặc biệt và hộ chiếu công vụ.

Ngày 26/4, tại thủ đô Wellington, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Cao ủy Quần đảo Cook tại New Zealand Elizabeth Wright-Koteka, thay mặt Chính phủ Quần đảo Cook, đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Quần đảo Cook.

Nhân dịp Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou thăm chính thức Việt Nam (25-27/4) và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Lào (27-29/4), Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã chia sẻ về ý nghĩa của việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao lần này, cũng như điểm lại những nét đặc biệt, hiếm có trong quan hệ Việt-Lào.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào, chiều 25/4, tại thủ đô Vientiane, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath tiếp thân mật.


Ngoại giao đa phương

Ngày 29/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Đại hội đồng khoá 76 đã tổ chức Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) (30/4/1982-30/4/2022). Phát biểu tại cuộc họp, đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển (GoF UNCLOS), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ nêu việc UNCLOS được thông qua 40 năm trước với sự ủng hộ rộng lớn đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển lâu dài của luật biển quốc tế nói riêng và việc sử dụng đại dương một cách trật tự và bền vững nói chung.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đoàn kết và hợp tác quốc tế là điều kiện tiên quyết đảm bảo tài chính cho phát triển tại Diễn đàn tài chính cho phát triển diễn ra từ 25-28/4, tại trụ sở LHQ nhằm thảo luận các biện pháp để đảm bảo tài chính cho phát triển và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Ngày 27/4, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức Phiên họp Cấp cao về Tài chính cho Xây dựng hòa bình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng Abdullah Shaid, nhằm thảo luận các biện pháp bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho hoạt động xây dựng hòa bình LHQ.

Ngày 28/4, tại Hà Nội diễn ra phiên họp lần 3 Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Phiên họp được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Tổng vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại EU Gunnar Wiegand.

Ngày 26/4, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và Cuộc họp lần thứ 12 Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN (ACCWG) về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA làm Trưởng đoàn đã tham gia thảo luận tại Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về Luật hạt nhân từ 25-29/4.


Tin Người phát ngôn

Ngày 29/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong 3 tháng tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua. Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông.

Ngày 28/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.


Các hoạt động khác

Ngày 29/4, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Công đoàn Bộ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động phong trào học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ ngoại giao trẻ.

Sáng 28/4, triển khai kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức viên chức của Bộ Ngoại giao, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (FOSET), Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tổ chức Chương trình trao đổi chuyên đề với chủ đề “Phương pháp phân tích, đánh giá tình hình và đề xuất kiến nghị chính sách của ta”.

Chiều 25/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trao quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ cấp Vụ.

(tổng hợp)