📞

Đối ngoại Việt Nam: 'Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi'

Vũ Đăng Minh 08:00 | 19/02/2022
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cụ thể hóa thành bảy phương hướng, biện pháp chủ yếu của ngành Ngoại giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khép lại và mở ra

Năm 2021 nhiều thách thức đã khép lại với những thành tựu quan trọng và sự kiện nổi bật. Trong hành trình đó, Ngoại giao Việt Nam đã vượt qua những khó khăn gay gắt chưa từng thấy do đại dịch Covid-19, đóng góp quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế.

Nổi bật là phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong “ngoại giao vaccine”, kết nối chuỗi phân phối, cung ứng sản xuất trong khu vực và trên toàn cầu, hoạt động giao thương với các quốc gia; nỗ lực tăng cường quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, góp phần định vị vững chắc vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Dấu ấn nổi bật trong năm 2021 là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Hội nghị được ví như Hội nghị Diên Hồng thời Nhà Trần trong thời đại mới.

Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết luận tại hội nghị đã khẳng định vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tổng thể Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, hội nghị đề ra các quan điểm, phương châm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng, chương trình hành động của ngành Ngoại giao trong những năm tới, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

Nhìn lại những năm qua, Tổng Bí thư đã đúc kết năm bài học sâu sắc về ngoại giao, đối ngoại trong tình hình mới. Một là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Hai là, kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Ba là, xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bốn là bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Năm là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lí tập trung của Nhà nước.

Quá trình vận động của tự nhiên, nhân loại là vòng tuần hoàn liên tục, khép lại một chặng đường, một giai đoạn, mở ra một chặng đường, một giai đoạn mới. Vượt qua đỉnh cao này, sẽ có những đỉnh cao mới. Cái cũ tạo tiền đề cho cái mới phát triển.

Thành tựu, sự kiện nổi bật năm 2021 là những dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung, ngành Ngoại giao nói riêng. Vượt qua khó khăn, thách thức, sẽ củng cố niềm tin, tạo ra động lực mới, bổ sung hành trang để Việt Nam, ngành Ngoại giao chinh phục những đỉnh cao mới, thực hiện thắng lợi khát vọng, tầm nhìn phát triển đất nước.

Khí thế mới, tâm thế mới, nỗ lực mới

Năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục đan xen phức tạp giữa thời cơ, thuận lợi và khó khăn, sẽ có những chuyển biến nhanh, chưa từng có tiền lệ.

Trong khu vực, trên thế giới, nổi lên mâu thuẫn, cạnh tranh, đối đầu quyết liệt, không loại trừ xảy ra xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia, các tập hợp lực lượng mới. Hội nhập ngày càng sâu rộng, quan hệ với nhiều đối tác, nền kinh có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đứng trước những thách thức mới.

Trong nước, chúng ta phải giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ tiếp tục phòng ngừa, khắc phục hậu quả đại dịch covid-19, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho nhân dân và đẩy mạnh mở cửa, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật mới.

Tình hình mới đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi cao hơn đối với ngành Ngoại giao, công tác đối ngoại. Ngành Ngoại giao phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm, tự tin hơn, khai phá mọi giới hạn, phát huy cao nhất tiềm năng, vị thế đất nước, truyền thống văn hóa, nhân văn, sức mạnh dân tộc, mối quan hệ đối tác; tiếp tục củng cố, khẳng định thế và lực mới, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí ngày 21/1. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, ngành Ngoại giao cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Quan điểm, phương châm, phương hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII và phát biểu chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành là kim chỉ nam cho hành động, hành trang trên con đường đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của ngành Ngoại giao, công tác đối ngoại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Trong đó, nhấn mạnh công tác quán triệt sâu sắc, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục đổi mới tư duy triển khai công tác ngoại giao trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời đề cao chủ nghĩa đa phương, hài hòa lợi ích của các đối tác, theo tinh thần “cương quyết, kiên định, mềm mại, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả”.

Đổi mới tư duy đối ngoại, như chỉ đạo của Tổng Bí thư là “nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.

Đồng thời “mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.

Tư duy ngoại giao tiên phong là chủ động xoay chuyển tình thế, tham gia các hoạt động của thế giới, đóng góp xây dựng cơ chế, thể chế, chuẩn mực ứng xử, trật tự thế giới hài hòa, bình đẳng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, vấn đề tối thượng, phải luôn đặt lên trên hết. Nhưng lợi ích quốc gia của Việt Nam cũng phải dựa trên những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế, kết hợp hài hòa giữa dân tộc và quốc tế, hợp tác cùng có lợi. Chúng ta hành động, ứng xử theo tinh thần đó và cũng đòi hỏi các đối tác khác có tinh thần như vậy.

Công tác đối ngoại, ngoại giao cần quán triệt, thực hiện đúng đắn phương châm chỉ đạo “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”. Phương châm chỉ đạo kế thừa truyền thống dân tộc, quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về “ngoại giao tâm công”. Trong đó, nội dung cốt lõi là phát huy chính nghĩa, truyền thống nhân văn, hòa hiếu, khoan dung; sử dụng lẽ phải, bằng thái độ chân thành, chinh phục trái tim, tình cảm, phân hóa đối tượng…

Trong quan hệ quốc tế, luôn tồn tại sự song trùng và khác biệt lợi ích, cơ hội và thách thức. Cần phải gia tăng sự đồng thuận, song trùng lợi ích, đồng thời thu hẹp khác biệt, tạo sự tin cậy cao. Thực hiện cùng phát triển, hài hòa, chia sẻ lợi ích, trên cơ sở luật pháp quốc tế, chuẩn mực ứng xử quốc tế. Phương châm đó giúp chúng ta xây dựng lòng tin, quan hệ lâu dài, bền vững; thực hiện mục tiêu, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh đối đầu, xung đột, chiến tranh.

Đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành tựu, bài học kinh nghiệm những năm qua là cơ sở cho niềm tin, khát vọng của ngành Ngoại giao, công tác đối ngoại trong giai đoạn mới. Đó là niềm tin vững chắc vào tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế và tiền đồ tốt đẹp của đất nước. Đó là khát vọng cháy bỏng phục vụ mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, sánh vai cùng cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.

Sự tổng hòa của các nhân tối mới sẽ tạo ra khí thế mới, tâm thế mới, vị thế mới, nỗ lực mới, để ngành Ngoại giao đóng góp nhiều hơn, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cụ thể hóa thành bảy phương hướng, biện pháp chủ yếu của ngành Ngoại giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và các bạn bè truyền thống. Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, các cấp, các địa phương. Cần xây dựng, triển khai tốt kế hoạch tổng thể về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng.

Các công chức mới được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ hai, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong mối tương quan chặt chẽ với nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…

Thứ ba, nỗ lực xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển…, tập trung phục vụ các đột phá chiến lược, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, phấn đấu đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước…

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phù hợp với thế và lực mới của đất nước.

Thứ năm, triển khai toàn diện và mạnh mẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030; triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân trong tình hình mới.

Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại.

Thứ bảy, xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh cả về tổ chức và cán bộ…

Các nội dung, biện pháp chủ yếu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là sự quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây Tre Việt Nam”… thấm đậm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc…

Nhiệm vụ của ngành Ngoại giao, công tác đối ngoại trong tình hình mới rất vinh quang nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, ngành Ngoại giao cần “thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động”; quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”.

Cần coi trọng, tiến hành đồng bộ tất cả các nội dung nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, rất quan trọng là xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại gia lại càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ, biện pháp đó. Bởi “mang chuông đi đánh xứ người là một công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức và năng lực, trình độ chuyên nghiệp, hiện đại về phong cách, phương pháp và lề lối làm việc. Kiện toàn bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhất là cơ chế phối hợp đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ giữa ngành Ngoại giao với các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.