Những năm qua, đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) vẫn luôn được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bởi vậy, những năm gần đây, qua nhiều mạng lưới, các học giả, nhà khoa học người Việt tại khắp nơi trên thế giới đã kết nối với các nhà khoa học trong nước đóng góp ý kiến, thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về vấn đề phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi số, giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là những cá nhân như PGS.TS Vũ Minh Khương (Singapore), GS.TS Nguyễn Đức Khương (Pháp), TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Mỹ, Canada), nhà phát minh Trần Ngọc Phúc (Nhật Bản).
PGS.TS Vũ Minh Khương. |
Nghĩ về những đại lộ
PGS.TS Vũ Minh Khương hiện là giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore). Sinh ra tại Hải Phòng, ông tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông giành được học bổng chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard vào năm 1992 và tốt nghiệp tiến sĩ ngành chính sách và kinh tế với kết quả xuất sắc trên bảng vàng của Trường Hành chính Kennedy (thuộc Đại học Harvard) vào 2005.
Vào thời điểm này, Vũ Minh Khương là một mẫu hình người trí thức trẻ trong thời kỳ đổi mới, luôn khát khao được thử sức, góp phần xây dựng đất nước, luôn nuôi dưỡng trong tâm trí ước nguyện “góp phần làm người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu”...
Khi trở thành một trong 15 thành viên đóng góp tích cực của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021, PGS. TS Vũ Minh Khương luôn là người đóng góp tích cực trên nhiều diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước về chủ đề phát triển đất nước.
Ông Khương khẳng định, Việt Nam đã đi bước rất lớn và dài trong nỗ lực hội nhập quốc tế với những bất ngờ táo bạo khiến thế giới phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước thách thức làm thế nào để đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh mới, ông cho rằng, người Việt cần tiến bước vượt qua khó khăn, chủ động bước vào các cuộc chơi lớn.
Cũng theo PGS. TS Vũ Minh Khương, muốn đi nhanh và xa hay không, người Việt cần có tâm thế sẵn sàng và nắm bắt xu thế của thời đại để mở đường xây lên những đại lộ đưa Việt Nam đến phồn vinh hùng cường trong 2-3 thập kỷ tới.
Mới đây, ông gây ấn tượng với đề xuất Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm mô hình nghiên cứu cho môn học “Governance Study Project (GSP)”. Kết quả từ việc nghiên cứu và thực tập của các sinh viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu sẽ là một tham khảo tốt để Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác trong cả nước thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh.
GS. TS Nguyễn Đức Khương |
Tin vào sức mạnh tổng lực
Ra đời tròn 10 năm, Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) do GS. TS Nguyễn Đức Khương làm Chủ tịch đã có mặt ở hơn 20 quốc gia trên bốn châu lục và kết nối hơn 10.000 chuyên gia, trí thức.
AVSE Global hiện đang thu hút và gắn kết sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ này qua những báo cáo chính sách, tư vấn chiến lược ở trung ương và địa phương, đào tạo quản lý cấp cao, các diễn đàn chuyên môn và các chương trình nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Tất cả các hoạt động này đều hướng đến mang lại hiệu quả đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam bằng cách tham vấn về những cách làm hiệu quả nhất, những chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tham gia triển khai các chương trình cụ thể.
Với cương vị “thủ lĩnh”, GS. TS Nguyễn Đức Khương cùng các thành viên của AVSE Global cũng đang xây dựng các nền tảng để chuyển hóa tri thức khoa học toàn cầu thành những kiến thức phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh và tiến bộ xã hội.
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm mô hình kinh tế sáng tạo, kết nối vùng miền và các cụm kinh tế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, công nghệ chống biến đổi khí hậu, kinh tế biển và không gian biển, năng lượng tái tạo và hydrogen.
Là Giáo sư tài chính, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng Khoa Tài chính - Kiểm toán - Kế toán tại Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), GS. TS Nguyễn Đức Khương đã thể hiện vai trò tích cực của mình tại Việt Nam khi trở thành thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2020.
Đặc biệt, trong một năm khó khăn qua, AVSE Global luôn hướng về sự phát triển của đất nước bằng việc tổ chức Cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth với mục tiêu tạo ra một sân chơi cho các nhà sáng tạo, kết nối họ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như những bên tìm kiếm giải pháp đổi mới cho Việt Nam.
Mới đây, AVSE Global còn khởi động thực hiện Dự án Tái thiết miền Trung sau thiên tai nhằm nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng miền thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó lấy tỉnh Quảng Trị làm trung tâm phát triển.
Với GS. TS Nguyễn Đức Khương, để phát triển đất nước, sức mạnh đoàn kết của dân tộc là yếu tố khởi nguồn và tin rằng người Việt dù ở bất cứ đâu đều mong muốn một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và tiên phong trong thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên trường quốc tế. Ông cũng cho rằng người dân Việt Nam kỳ vọng lực lượng lãnh đạo sắp tới tiếp tục kiến tạo, lấy lợi ích đất nước làm kim chỉ nam, có năng lực hành động và đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ |
Đừng nghĩ mình là Việt kiều
TS. Nguyễn Thanh Mỹ nổi tiếng trong giới khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với 280 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước trên thế giới. Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, từ năm 2004, ông quyết định trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương (hiện có khoảng 800 nhân viên), xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho y tế, giáo dục..
TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh, mạng lưới máy bán suất ăn nóng thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước thông minh ... Đặc biệt, ông đã sáng lập và đồng sáng lập chín doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có bảy doanh nghiệp tại Trà Vinh.
Với những kinh nghiệm đi đầu trong những công ty công nghệ cao ở Việt Nam, ông cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam đầu tư, đầu tiên đừng có nghĩ mình là Việt kiều: “Hãy nghĩ mình là người Việt Nam. Bởi vì khi nghĩ mình là người Việt Nam thì mọi thứ trở nên đơn giản lắm, mình sẽ sử dụng cái điều kiện, cái tiêu chuẩn của Việt Nam để mình sống, thì nó rất là phù hợp với mình. Kế nữa, anh phải biết là người Việt Nam mình rất thông minh, chỉ thiếu môi trường văn minh để sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta về Việt Nam đầu tư nên mang môi trường văn minh ở nước ngoài về để giúp người Việt Nam mình”.
Ông Trần Ngọc Phúc. |
Người nối nhịp cầu
Cuối tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam, thông tin nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam khiến nhiều người quan tâm. Có lẽ, ít người biết, chiếc máy trợ thở tần số cao là câu trả lời cho nỗ lực và tâm huyết của cả cuộc đời của nhà khoa học này.
Cũng bởi vậy, vào năm 1982, ông Trần Ngọc Phúc đã phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Máy HFO đã vượt qua bảy đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải Nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Mỹ tổ chức cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran và tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty.
Có thể nói, kể từ chuyến về thăm Việt Nam đầu tiên từ năm 1986 đến gần đây, ông Trần Ngọc Phúc trở lại quê hương đều đặn hơn và cũng giúp ông hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn mà đội ngũ y bác sĩ trong nước đang phải đối mặt.
Đáng chú ý, năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở HFO do công ty của ông tài trợ. Mỗi khi quay lại Nhật Bản, bằng uy tín của mình và hiện là Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông luôn làm cầu nối để xin hỗ trợ những thiết bị y tế cho Việt Nam từ các bệnh viện của Nhật Bản.