Ngày 25/10, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức “Diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển”.
Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, chủ trì.
Tham gia hội thảo còn có các ủy viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đại diện các Bộ, ngành, các ủy viên của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đại diện Nhóm các đối tác thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), các Đối tác phát triển quốc tế, đại diện các Đại sứ quán và các cơ quan báo chí.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thỏa thuận Paris về Khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại Hội nghị COP21 tháng 12/2015, sau đó được 180 nước ký tháng 4/2016 tại New York. Hiện Thỏa thuận Paris đã được 83 quốc gia phê chuẩn hoặc phê duyệt, và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.
Vấn đề khẩn thiết
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một vấn đề khẩn thiết của nhân loại. Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp ứng phó thông qua việc xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược Phòng chống thiên tai, và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.
“Việt Nam cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ của quốc tế,” Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, các đóng góp của Việt Nam, cùng với các quốc gia khác, đã góp phần tạo nên thành công của Hội nghị COP21.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam đòi hỏi công tác ứng phó với biến đổi khí hậu chuyển sang một giai đoạn mới, bên cạnh việc ứng phó để tồn tại, phát triển, còn là để thực hiện các đóng góp mang tính ràng buộc pháp lý cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn IPCC đã hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam trong việc cập nhật các thông tin khoa học mới nhất làm cơ sở cho các cấp phía Việt Nam ra quyết định. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cảm ơn các nước, các tổ chức trong và ngoài nước đã luôn đồng hành và có những hỗ trợ quý báu vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, cho biết dữ liệu của IPCC và của Việt Nam cho thấy nguy cơ Việt Nam phải hứng chịu các nạn mưa, bão, lũ lụt, hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng.
Bà khẳng định, Việt Nam cần xem xét những ảnh hưởng lâu dài của việc sử dụng than cho phát điện và trong các ngành công nghiệp, đồng thời bắt kịp với sự bùng nổ toàn cầu về năng lượng tái tạo (gió và năng lượng Mặt Trời).
"Việt Nam đang đứng sau hầu hết các quốc gia trong khu vực về khai thác điện từ năng lượng Mặt Trời và gió, mặc dù hai nguồn năng lượng này đã được chứng minh có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi tình trạng thiếu điện đang bắt đầu xảy ra" - bà Pratibha Mehta cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Chánh văn phòng của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Tấn cho biết: Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 sẽ là một trong những phương tiện quan trọng để thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.
Giai đoạn 2009-2015, Chương trình đã thực hiện được hơn 300 nội dung chính sách, huy động hỗ trợ quốc tế được hơn 1 tỷ USD.
Giai đoạn 2016-2020 tập trung vào thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, với nguồn vốn huy động dự kiến cho các năm 2016, 2017 và 2018 là gần 500 triệu USD.
Nội dung Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu có sự tham gia của các Bộ, ngành, đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học và đối tượng khác.
Nội dung Kế hoạch đang được triển khai phù hợp với điều kiện và ưu tiên của Việt Nam và có sự linh hoạt để điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết, ông Tấn cho biết.