Trong quá trình xây dựng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gặp vô vàn trắc trở, chịu nhiều lệnh cấm vận, từng bị đình trệ hơn 1 năm, mới nối lại từ tháng 2/2021. (Nguồn: AFP) |
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ký kết năm 2005, xây dựng và vận hành đường ống chạy dọc đáy biển Baltic, chuyển khí tự nhiên từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức). Công suất 55 tỷ m3/năm, trị giá dự toán 9,5 tỷ Euro.
Dự án là liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom với Tập đoàn Hóa chất đa quốc gia BASF (Đức) và một số tập đoàn lớn của Đức, Hà Lan, Anh, Áo, Pháp…
Trong quá trình xây dựng, dự án gặp vô vàn trắc trở, chịu nhiều lệnh cấm vận, từng bị đình trệ hơn 1 năm, mới nối lại từ tháng 2/2021. Các tập đoàn của Thụy Sỹ, Thụy Điển, Pháp… buộc phải rút khỏi dự án do sức ép lớn.
Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ là điểm nóng trong quan hệ giữa Mỹ, Ukraine, Ba Lan… với Nga; mà còn sinh chuyện trong quan hệ Mỹ-Đức, nội bộ Liên minh châu Âu (EU), nội bộ Mỹ và một số nước thành viên EU.
Vì đâu nên nỗi...
Nga nói rất ngắn gọn, dứt khoát, đó đơn thuần là một dự án kinh tế, không hơn, không kém. Châu Âu có nhu cầu cao về nguồn năng lượng xanh. Nga có thế mạnh khí đốt và sẵn sàng bán giá phải chăng (do giảm phí vận chuyển).
Cung cầu gặp nhau. Nhìn thấy lợi ích lớn, ký kết hợp đồng là chuyện đương nhiên.
Năm 2018, Thủ tướng Angela Merkel, người ủng hộ nhiệt thành dự án khẳng định Dòng chảy phương Bắc 2 “không liên quan đến chính trị”, giúp Đức đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Các tập đoàn châu Âu đầu tư một đống tiền (mỗi đối tác 950 triệu Euro, chiếm khoảng 10% giá trị dự án). Của đau con xót, không dễ gì chịu từ bỏ dự án.
Mỹ thấy khác. Dự án thành công, Nga có con bài khí đốt để chi phối an ninh châu Âu, đe dọa đồng minh của Mỹ, làm suy yếu mặt trận trừng phạt Nga.
Còn một lý do không tiện nói ra, Mỹ sợ mất thị trường cung cấp khí hóa lỏng (LNG) ở châu Âu. Giá cung cấp của Nga thấp hơn hẳn (giá chào năm 2017-2018 khoảng 200/1.000m3 USD so với 260-300 USD của Mỹ). Lợi thế nghiêng về Nga.
Ukraine, Ba Lan và một số nước Baltic phản đối mạnh mẽ. Pháp lúc đầu ủng hộ, sau quay sang phản đối. Nội bộ tiết lộ, Pháp chuyển sang dùng điện hạt nhân; lo lắng quan hệ “gần gũi” giữa Đức và Nga, ngại ảnh hưởng Nga lan rộng ở châu Âu theo dòng chảy khí đốt.
Nếu Dòng chảy phương Bắc 2 thất bại, Ukraine ẵm trọn 2 tỷ USD/năm phí vận chuyển, được cung cấp khí đốt ổn định giá ưu đãi. Nắm độc quyền đường ống, Ukraine có công cụ để làm mình làm mẩy với Nga và cả EU, Mỹ; mặc cả vấn đề bán đảo Crimea, Donbas, gia nhập NATO… Không phản đối mới là lạ.
Cái lý mà Mỹ, Ukraine, Ba Lan… đưa ra là Đức, EU mắc bẫy Nga. Dòng chảy phương Bắc 2 làm EU phụ thuộc vào Nga, an ninh năng lượng, an ninh quân sự bị đe dọa, mất ổn định khu vực…
Ukraine trông đợi Mỹ sẽ là người đóng “cái đinh cuối cùng lên nắp quan tài” đựng Dòng chảy phương Bắc 2!
Không thể cưỡng lại
Xem ra, bè phản đối khá đồng thanh cả trong tuyên bố và hành động. Các cuộc gặp đa phương, song phương giữa các đồng minh sặc mùi dầu khí. Điện đàm Mỹ-Đức nóng đường dây.
Thủ tướng Angela Merkel dành chuyến xuất ngoại cuối nhiệm kỳ đến Washington gặp Tổng thống Joe Biden. Dòng chảy phương Bắc 2 là trọng tâm cuộc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo. Mọi con mắt dõi về Washington. Thỏa thuận Mỹ-Đức về Dòng chảy phương Bắc 2 được ký kết.
Có hai điểm chốt quan trọng. Thứ nhất, Mỹ, Đức thống nhất sẽ áp đặt lệnh trừng phạt, nếu Nga sử dụng khí đốt làm công cụ gây áp lực về chính trị với các đồng minh châu Âu.
Thứ hai, yêu cầu Nga ký thỏa thuận duy trì cung cấp khí đốt qua Ukraine. Ngoài ra, Mỹ, Đức sẽ ưu tiên hỗ trợ Ukraine và một số dự án quan trọng ở Trung và Đông Âu, trong đó có dự án “ba biển”.
Công bằng mà nói, hai điểm chốt trong thỏa thuận gây những trở ngại nhất định. Nói như giới truyền thông, có tác dụng giữ thể diện cho Mỹ, nhưng cái quan trọng nhất là chấp nhận dự án.
Như lời trần tình của Tổng thống Joe Biden: Tôi phản đối dự án. Nhưng lẽ ra phải làm từ trước. Nay đã được 98% rồi (sao ngăn chặn được). Hơn nữa, nếu không đồng ý, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, với đối tác quan trọng nhất là Đức!
Ngay lập tức, Thủ tướng Angela Merkel đích thân gọi cho Tổng thống Putin về Thỏa thuận Mỹ-Đức. Tổng thống Putin chắc chắn sẽ hài lòng và cảm ơn.
Dòng chảy phương Bắc 2 đang nỗ lực thi công những km của 2% cuối cùng của đường ống, trên vùng biển Đức. Dự kiến hoàn thành lắp đặt đường ống xong trước ngày đương kim Thủ tướng Angela Merkel rời nhiệm sở.
Xem ra, Dòng chảy phương Bắc 2 không (hoặc khó) có thể cưỡng lại.
Dòng chảy phương Bắc 2 là trọng tâm cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington ngày 15/7. (Nguồn: AFP) |
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Dự án vẫn còn vài chục km nữa và còn mất thời gian kiểm định, vận hành thử. Quy định về ngăn chặn cái gọi là “công cụ khí đốt” gây áp lực chính trị, an ninh giống một “điều luật khung”.
Mỹ và đồng minh có thể viện ra một lý do nào đó để cản trở việc vận hành vận chuyển khí.
Nga đã quá quen với các lệnh trừng phạt. Chậm vận hành đương nhiên gây thiệt hại kinh tế cho Nga, nhưng vẫn còn hơn phải dừng lắp đặt. Hơn nữa, khó có sự đồng thuận về tiếp tục trừng phạt, khi mà lợi ích đang mở ra trước nhiều nước EU.
Thực sự, Đức mới là bên thiệt hại hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu không đủ khí đốt trong mùa Đông tới, được dự báo là sẽ khắc nghiệt.
Với người dân, khí đốt đến từ đâu không quan trọng bằng chuyện cuộc sống được bảo đảm. Nhiều người Đức đã phản đối mạnh mẽ việc dùng tiền thuế của họ để hỗ trợ cho Ukraine (như nội dung Thỏa thuận).
Trong khi Ukraine không ít lần trì hoãn thanh toán tiền mua khí; tự ý mở đường ống lấy khí đốt dùng; ảnh hưởng đến việc cung cấp cho châu Âu.
Đối với Nga, vấn đề lo ngại hơn là phải tiếp tục ký kết cung cấp khí đốt qua Ukraine thêm 10 năm (tính từ 2024) với những điều khoản ràng buộc khắc nghiệt.
Cuối năm 2019, vì việc xây dựng ngưng trệ, Gazprom đã phải ký thỏa thuận cung cấp khí đốt qua Ukraine đến năm 2024 và phải trả phí cả khi không sử dụng đường ống!
Dù vậy, khi đã hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2, Nga không còn phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine. Đó là lợi thế đàm phán đáng kể.
Một quan chức cấp cao Nga tuyên bố: không cho phép ai can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Nga nói được và làm được.
Chốt lại có thể dùng cái tít của tờ Thời đại (Die Zeit), Đức “Kết thúc trò chơi kéo dài và thắng lợi ngọt ngào của Nga”.
Kết quả chứng tỏ mưu toan cản trở Dòng chảy phương Bắc 2 là hạ sách. Câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” lần này lại đúng.
Giá trị còn hơn một dự án
Cùng với báo Đức, truyền thông châu Âu và Mỹ có những phân tích, bình luận xát muối vào “vết thương” của các bên phản đối.
Ngoài giá trị kinh tế (dù có phần chưa được như mong đợi trong giai đoạn đầu), Dòng chảy phương Bắc 2 còn mang lại những giá trị vô hình và hữu hình lớn, khó đong đếm.
Đó là, Nga củng cố vị thế là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu (tỷ trọng thị phần của Nga ở châu Âu hơn 35%). Thành công của dự án cho thấy việc hợp tác giữa EU và Nga là cần thiết và quan trọng.
Dòng chảy phương Bắc 2 có thể là bước đột phá mở đường cho hợp tác giữa Nga với một số đối tác thuộc EU trong tương lai.
Không ai khẳng định được bao nhiêu phần trăm trong những lo ngại, cáo buộc của Mỹ, Ukraine… là mưu kế của Tổng thống Nga. Nhưng Dòng chảy phương Bắc 2 đã tạo ra những “vết nứt” giữa Mỹ và EU, trong nội bộ EU và nội bộ Mỹ.
Khí đốt có trở thành “công cụ chính trị, an ninh” của Nga như cảnh báo của Mỹ và đồng minh hay không?
Khó mà trả lời chính xác. Đang bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, cô lập, Nga không dại gì phá hỏng nước cờ đang dần xoay chuyển tình thế.
Nhưng biết đâu, khi Mỹ và một số đồng minh cứ cố tình cản trở, trừng phạt, gây sức ép, Nga buộc phải sử dụng công cụ để đáp trả.
Vô hình trung, những cáo buộc, quy kết, hành động của Mỹ và đồng minh, lại khẳng định vị thế, sức mạnh của Nga.
Mỹ và đồng minh vừa lo ngại, vừa cần, đến mức không thể không thảo luận, không tìm cách quan hệ, hợp tác, dù thích hay không.
Đó cũng là điều thú vị!