Tháng 10/2019, Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo về Thiết kế của UNESCO. Từ đó tới nay, Hà Nội tiến từng bước trên hành trình “nhìn ra thế giới” để học hỏi kinh nghiệm và xây dựng chiến lược “khơi nguồn” dòng chảy văn hóa sáng tạo riêng mình. |
Ra đời vào năm 2004, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố đã chọn sáng tạo làm yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, 246 thành phố đã gia nhập mạng lưới và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đưa công nghiệp văn hóa vào trọng tâm của kế hoạch phát triển ở địa phương và tích cực hợp tác, kết nối trên trường quốc tế. Mạng lưới Thành phố Sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc. Qua đó, các thành phố sẽ phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị cũng như đẩy mạnh các sản phẩm thuộc công nghiệp văn hóa để đóng góp cho nền kinh tế cũng như nâng cao đời sống của người dân. Vào tháng 10 năm 2019, thành phố Hà Nội đã đạt được danh hiệu “Thành phố Sáng tạo về lĩnh vực Thiết kế”. Với tầm nhìn trở thành kinh đô sáng tạo Đông Nam Á, thành phố Hà Nội tận dụng cơ sở thiết kế sẵn có từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, được bồi đắp qua ngàn năm lịch sử và chuyển hóa văn hóa, sáng tạo trở thành “sức mạnh mềm”, “vốn hóa” - nguồn lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, du lịch văn hóa là nhân tố quan trọng để thành phố Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển thành phố bền vững cả về kinh tế và văn hóa - xã hội. |
Phương Tây - Thiên đường của di sản nghệ thuật sáng tạoNhắc đến Thành phố Sáng tạo, không thể không kể đến những thành phố phương Tây tráng lệ. Sở hữu nền văn hóa đặc trưng giàu bản sắc, cùng sự sáng tạo và phát triển công nghệ vượt bậc, những thành phố ấy để lại dấu ấn đậm nét trên bản đồ Thành phố Sáng tạo của UNESCO, cũng như ấn tượng khó phai trong lòng du khách toàn thế giới. Đầu tiên, có thể kể đến Montreal (Canada), thành phố được mệnh danh là “Thành phố của các nhà thiết kế”. Được UNESCO trao danh hiệu Thành phố Sáng tạo về lĩnh vực thiết kế vào năm 2006, tính đến thời điểm hiện tại, Montreal đã tổ chức rất nhiều hội thảo, cuộc thi về thiết kế kiến trúc như Giải thưởng thiết kế thương mại Montreal, Kế hoạch hành động thiết kế Montreal... nhằm tạo sân chơi và thúc đẩy sự hợp tác, tham gia của các kiến trúc sư tài năng. |
Thành phố sáng tạo Montreal - Canada. (Nguồn: Design Cities) |
Montreal cũng nổi bật ở mảng sáng tạo nghệ thuật đường phố. Trong lễ hội bích họa hằng năm, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Montreal để trình diễn kỹ năng vẽ tranh tường điêu luyện của mình ngay trước mắt khán giả. Các ý tưởng thiết kế và nghệ thuật sáng tạo sẽ được trưng bày tại các bảo tàng hàng đầu khu vực như: Bảo tàng Mỹ thuật Montreal, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Montreal. Bên cạnh Montreal (Canada), Italy cũng là một quốc gia đã thể hiện tiềm năng sáng tạo vượt trội thông qua tựa game vừa được ra mắt gần đây “ITALY. Land of Wonders” (“Italy. Vùng đất của những điều kỳ thú”). Sáng tạo về công nghệ, hấp dẫn về đồ họa, “ITALY. Land of Wonders” khắc họa vẻ đẹp truyền thống của đất nước này thông qua trải nghiệm tương tác kỹ thuật số đầy thú vị. Trong cuộc hành trình của mình, người chơi sẽ gặp gỡ 5 Hộ vệ và được hướng dẫn khám phá “Thiên nhiên”, “Ẩm thực”, “Nghệ thuật”, “Trình diễn” và “Thiết kế” - 5 lĩnh vực chính của di sản văn hóa Italy. Mỗi cấp độ tái hiện một địa danh mang tính biểu tượng của Italy dưới hình thức 3D với nhạc nền lấy cảm hứng từ những tác phẩm âm nhạc kinh điển. Ngoài ra, trò chơi trang bị bộ sưu tập 600 bài báo bao gồm những câu chuyện, tin tức và sự kiện nổi bật về nước Italy. “ITALY. Land of Wonders” đóng vai trò như một cẩm nang du lịch trực tuyến, dẫn dắt người chơi tiếp cận và tìm hiểu những nét di sản văn hóa Italy được ẩn giấu đằng sau từng chặng chơi. |
Phương Đông - Khi truyền thống tái sinh trong hiện đạiVới những thành phố sáng tạo ở phương Đông, đặc điểm chung có thể nhận diện chính là chất liệu truyền thống được “tái sinh” dưới hình thức của hiện đại. Sở hữu bề dày về văn hóa qua từng thời kỳ lịch sử, các thành phố đã chuyển hóa những di sản ấy thành không gian sáng tạo phù hợp với nhịp thở của đô thị hiện đại. Họ tận dụng cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến để phát triển du lịch văn hóa ngay trong thời điểm dịch bệnh. The 798 Art Zone (Không gian Nghệ thuật 798) là không gian sáng tạo xây dựng trên nền khu liên hợp nhà máy cũ - tàn dư của ngành công nghiệp từng bị bão hòa tại Bắc Kinh. Tái thiết thành không gian trưng bày sáng tạo nghệ thuật từ các sản phẩm truyền thống như gốm cho đến phong cách nghệ thuật đương đại như graffiti, The 798 Art Zone trở thành điểm đến thu hút đông đảo nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới. Không gian này cũng mang những dấu tích lịch sử với nhiều khẩu hiệu từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. |
The 798 Art Zone - Trung Quốc (Ảnh: Christian Mio Loclair) |
Sức hấp dẫn từ không gian độc đáo, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại từ The 798 Art Zone đã góp phần đưa du lịch văn hóa trở thành mũi nhọn kinh tế của Bắc Kinh. Không chỉ vậy, không gian này còn mở ra cơ hội kinh doanh từ những mặt hàng thuộc công nghiệp văn hóa đến các nhà hàng, cà phê phục vụ nhu cầu ăn uống và mua sắm của du khách. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực du lịch với sáng kiến Phuket Sandbox (Hộp cát Phuket). Trước tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, đảo Phuket và Samui đã thiết kế lộ trình du lịch nội địa gói gọn tại khu vực này. Chính quyền địa phương chủ động nâng cấp hạ tầng, nền tảng kỹ thuật số phục vụ cho các nhu cầu của khách du lịch cũng như đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe trong cộng đồng. Tận dụng ưu thế từ thiên nhiên đến văn hóa truyền thống tại hai hòn đảo nổi tiếng, xứ sở Chùa Vàng khai thác mô hình du lịch mới, mở đường cho du lịch bền vững và toàn cầu hóa hậu đại dịch. |
Dòng chảy văn hóa sáng tạo Hà Nội có gì?Ba năm trở lại đây, Liên hoan Sáng tạo Thiết kế Việt Nam tiên phong trong nỗ lực khẳng định thương hiệu Thành phố Sáng tạo về Thiết kế của Hà Nội nói riêng và Tương lai Sáng tạo Việt Nam nói chung. Liên hoan năm nay được tổ chức bởi Đại học RMIT hợp tác cùng VICAS, UNESCO Vietnam và COLAB Vietnam. Với sự tham gia 35 tổ chức thành viên là những dự án văn hóa, thiết kế tiềm năng như Lộn Xộn, Sáng kiến Văn hóa Việt Nam, liên hoan là cuộc “tổng động viên” của lực lượng sáng tạo nhằm khẳng định thương hiệu văn hóa Việt Nam. |
Liên hoan Sáng tạo Thiết kế Việt Nam (Nguồn: Facebook Vietnam Festival of Creativity & Design) |
Trong khuôn khổ liên hoan, Hanoi Grapevine vinh dự đóng vai trò đối tác truyền thông. Hanoi Grapevine là chuyên trang đăng tin tức về các sự kiện nghệ thuật đương đại diễn ra tại Việt Nam, bao gồm các sự kiện về hội họa, trình diễn, văn hóa, vũ kịch, âm nhạc, điện ảnh và từ thiện cùng các bài phê bình với nội dung song ngữ. Đến nay, Hanoi Grapevine đã hoạt động được 9 năm, bắt đầu từ mục đích thiết thực - chia sẻ các sự kiện với bạn bè thân thiết, mở rộng ra thành mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam bằng cách xây dựng cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả. Trả lời phỏng vấn, chị Trương Uyên Ly - Giám đốc Hanoi Grapevine cho biết: “Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam là một sự kiện ý nghĩa, đáng trân trọng và diễn ra không thể đúng lúc hơn, để tôn vinh và phát triển các tài năng sáng tạo, các các giá trị văn hóa sáng tạo với niềm tự hào “designed by Việt Nam”, chứ không còn là “made in Vietnam”. Đây là sự kết hợp hoàn hảo để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển văn hóa sáng tạo Việt Nam theo hướng trở thành một ngành mũi nhọn, đem lại sự phát triển cân bằng và bền vững giữa kinh tế với văn hoá xã hội, và cả môi trường”. Về tổng thể các dự án trên phông nền văn hóa sáng tạo, chị Uyên Ly chia sẻ thêm: “Điều tôi tự hào nhất về Liên hoan đó là sự cởi mở và các trao đổi chất lượng đa dạng. Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2021 đã tạo ra nền tảng để các cá nhân và tổ chức sáng tạo hợp tác, trưởng thành cùng nhau, gặp gỡ chia sẻ với hàng ngàn khán giả qua hình thức cả trực tuyến và trực tiếp”. |
Trong xu thế Việt Nam đang hội nhập rất nhanh với xu thế văn hóa sáng tạo thế giới, việc tạo ra không gian sáng tạo để các dự án trẻ giao lưu, hợp tác cùng phát triển là vô cùng quan trọng. Với mục đích tương tự Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế, COMPLEX 01 là tổ hợp không gian sáng tạo để các dự án trẻ giao lưu, chia sẻ, thể hiện mình. Sự ra đời của COMPLEX 01 vốn đã là một sáng kiến độc đáo - tái thiết Nhà máy in Công Đoàn, biến không gian công nghiệp bỏ hoang thành tụ điểm giải trí, sáng tạo của giới trẻ yêu nghệ thuật. Về việc phát triển không gian sáng tạo Hà Nội, Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ - Đồng sáng lập COMPLEX 01 chia sẻ: “COMPLEX 01 và rất nhiều không gian sáng tạo khác đang được nhen nhóm trước sự vận động ngày càng nhanh của xã hội Việt Nam. Sự cộng hưởng của chúng sẽ mở ra môi trường mở thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy giới trẻ tham gia không nghiệp sáng tạo; xa hơn là tạo ra cảm hứng thiết kế mới làm điểm nhấn cho cảnh quan đô thị Hà Nội. Xu hướng không gian sáng tạo đã phát triển trên thế giới từ rất lâu, tuy nhiên tại Việt Nam, xu hướng này chỉ mới gia nhập và chưa được hỗ trợ với chính sách rõ ràng”. |
Hòa mình vào dòng chảy văn hóa sáng tạo Hà Nội, Hà Nội Unbox là dự án trẻ chọn du lịch văn hóa làm hướng đi của mình. Nằm trong khuôn khổ chiến dịch Hà Nội Rethink do UNESCO khởi xướng, Hà Nội Unbox đưa ra ý tưởng du lịch hoàn toàn mới với chiếc Hộp văn hóa. Dù chỉ là dự án “tân binh” hòa nhập dòng chảy sáng tạo, chưa thể có tầm như các dự án gạo cội, ý tưởng và nỗ lực của Hà Nội Unbox được đánh giá cao bởi các cố vấn chuyên môn và được người trẻ đón nhận nồng nhiệt. Ý tưởng Hộp văn hóa là sự kết hợp của xu hướng du lịch kỹ thuật số hiện đại từ các Thành phố Sáng tạo nổi tiếng, cùng nét riêng của văn hóa Việt Nam như “học ăn, học nói, học mở” hay việc tặng quà của người Hà Nội. Chiếc hộp vật lý của Hà Nội Unbox độc đáo ở chỗ nó vừa chứa yếu tố văn hóa vật thể - những sản phẩm đồ thủ công truyền thống, vừa chứa yếu tố văn hóa phi vật thể - hành trình khám phá đi sâu vào văn hóa đời sống người Hà Nội như ăn, mặc, đi chùa… Hà Nội Unbox đang từng bước xây dựng nền móng để vươn xa hơn nữa trong tương lai. Dự án ấp ủ mong muốn đưa Hộp văn hóa đến với cộng đồng rộng lớn hơn, và Liên hoan Sáng tạo Thiết kế Việt Nam là điểm đến lý tưởng để Hà Nội Unbox hướng tới. |
Dự án trẻ Hà Nội Unbox trong khuôn khổ chiến dịch Hà Nội Rethink. (Nguồn: Hanoi Unbox) |
Hướng đi nào cho văn hóa sáng tạo Hà Nội?Dõi theo hành trình khẳng định vị thế Thành phố Sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, có thể nhận thấy thành tựu đạt được rất đáng kể. Với quan điểm nhìn ra thế giới và tư duy phản biện tốt, lực lượng phát triển văn hóa sáng tạo Hà Nội nhận thức được những vấn đề tồn đọng và không ngừng tự phản biện, học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn để tự hoàn thiện. Hà Nội không thiếu nhân lực thực hiện, không thiếu chất liệu văn hóa, không thiếu ý tưởng sáng tạo để phát triển văn hóa sáng tạo. Đông đảo các dự án trẻ, hướng tới đa dạng các mảng màu văn hóa thủ đô với cách tiếp cận độc đáo là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng ấy. Những dự án tuy chưa lớn mạnh về quy mô đầu tư, nhưng tiềm năng phát triển và sự độc đáo, có chiều sâu thì không hề kém cạnh so với thành phố nào trên thế giới. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa của thành phố và thể hiện tiềm năng sáng tạo của mình dưới danh hiệu “Thành phố Sáng tạo”. Trước hết, Hà Nội chưa được đầu tư về công nghệ - kỹ thuật số. Trong thời đại 4.0, việc tận dụng được thế mạnh về sức lan tỏa mạnh mẽ thông qua Internet, mạng xã hội hay các hình thức độc đáo, mới lạ như công nghệ 3D, 4D... có thể đem lại tầm ảnh hưởng không nhỏ. Khi đặt Hà Nội lên bàn cân với các dự án sáng tạo lớn như “ITALY. Lands of Wonders” hay “Phuket sandbox”, có thể nhận thấy rằng, thành phố thiếu kế hoạch đầu tư mạnh mẽ, và ý tưởng mới lạ trong áp dụng công nghệ - kỹ thuật số vào chiến dịch quảng bá du lịch văn hóa của mình. Không chỉ thiếu đầu tư, Hà Nội còn gặp khó khăn khi di sản văn hóa chưa được phát triển một cách đồng đều và tổng thể. Là một trong những thành phố có nhiều tài nguyên văn hóa nhất cả nước nhưng các di tích, di sản văn hóa Hà Nội không được chăm sóc và đầu tư ngang nhau; hơn nữa lại chưa phát triển thành hệ thống, không gian văn hóa tổng thể mà mới phát triển rời rạc. Điều này hạn chế tiềm năng sáng tạo và quảng bá du lịch văn hóa Hà Nội đối với cả người dân bản địa lẫn du khách nước ngoài. Dựa trên sự đối chiếu về công cuộc phát triển văn hóa sáng tạo giữa Hà Nội và những thành phố nổi tiếng thế giới, có thể nhận thấy thành tựu - hạn chế mà Hà Nội cần nhận thức để phát huy và khắc phục trong tương lai gần. Văn hóa sáng tạo Hà Nội cần học hỏi công nghệ, cách thức từ nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên phải gìn giữ bản sắc độc đáo của riêng mình thì mới thu được thành quả giá trị. Nguồn đầu tư nhà nước và hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm từ các quốc gia khác không phải là điều có thể thu hút, tạo dựng ngay lập tức. Thế nhưng, nguồn cảm hứng sáng tạo thì luôn chảy sẵn bên trong mỗi người, chỉ chờ để được khai phá. Để Hà Nội vững bước trên hành trình Thành phố Sáng tạo, điều mà mỗi người, mỗi dự án cần làm và có thể làm là để dòng chảy sáng tạo cá nhân hòa vào dòng chảy sáng tạo Hà Nội, hướng tới hình thành cộng đồng sáng tạo bền vững trong tương lai. |
Ủng hộ các dự án văn hóa sáng tạo Hà Nội tại: Liên hoan Sáng tạo Thiết kế Việt Nam - Vietnam Festival of Creativity & Design: https://vfcd.events/ Hanoi Grapevine: https://hanoigrapevine.com/vi/ COMPLEX 01: https://www.facebook.com/complex01.vn/ Hà Nội Unbox: https://www.facebook.com/hanoiunbox/ |
Bài dự thi Cuộc thi Nhà Truyền Thông Tài Ba - IC Master Tác giả: Nhóm pi cát xô |