Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973. (Ảnh - Lưu trữ Bộ Ngoại giao) |
Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (BNG) lâu năm nhất, Anh nhận nhiệm vụ vào thời kỳ thử thách gay go nhất khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, và cũng là thời kỳ mà cuộc đấu tranh diễn ra trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, đưa đến thắng lợi – ký kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiếp đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây cũng là thời kỳ diễn ra sự bất đồng sâu sắc, sự phân liệt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự chia rẽ trong phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà trước hết và chủ yếu là giữa Liên Xô và Trung Quốc, hai Đảng lớn nhất, hai nước XHCN mạnh nhất.
Đầu năm 1965, là Ủy viên Bộ Chính trị (BCT), Phó Thủ tướng Chính phủ, Anh đang kiêm chức Chủ nhiệm UB Kế hoạch Nhà nước và UB Khoa học Nhà nước thì được Bác Hồ và BCT yêu cầu thôi kiêm chức Chủ nhiệm UB Nhà nước để kiêm chức Bộ trưởng BNG. Sau này, trong thời gian làm việc với Anh, một lần nói chuyện tâm tình, tôi được biết Anh rất thích phụ trách về kinh tế, không muốn chuyển sang ngoại giao, song Bác Hồ và BCT đã phân công, Anh không dám chối từ. Chỉ vài năm Anh điều hành công tác ngoại giao, không riêng gì cán bộ ngoại giao, tất cả các cán bộ, nhân viên biết Anh và có điều kiện tiếp xúc với Anh đều xác nhận việc chọn Anh làm Bộ trưởng BNG là một sự lựa chọn đúng và sáng suốt.
Mặc dù phải trực tiếp lo nghĩ về công tác đối ngoại trong điều kiện quốc tế và trong nước khó khăn, phức tạp, với tư cách là một thành viên của cơ quan lãnh đạo tối cao, một đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Anh vẫn đi sâu, nắm vững tình hình về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Anh không những góp ý kiến, phát biểu ở các hội nghị bàn về kinh tế mà còn viết nhiều bài báo về các vấn đề kinh tế, phân tích sâu sắc, lôgíc trên cơ sở gắn lý luận với thực tế đất nước.
Vào nửa cuối những năm 60 và những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô và một số nước Đông Âu chủ trương cải tổ, chủ yếu là cải cách công nghiệp và xây dựng. Đó là một đòi hỏi khách quan trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đang phát triển, và khi lực lượng sản xuất ở các nước này đang lâm vào tình trạng trì trệ. Lúc bấy giờ, tôi đang công tác tại Đại sứ quán ta ở Liên Xô. Nhân sang thăm Liên Xô, Anh dành hẳn một buổi để nghe tôi báo cáo về chủ trương này và quá trình thực hiện chủ trương của bạn. Anh lắng nghe, suy nghĩ và ghi chép. Một năm sau, trở lại thăm Liên Xô, Anh lại yêu cầu tôi báo cáo tiếp tiến trình cải cách này. Anh đặt ra nhiều câu hỏi rất cụ thể, đặc biệt nhắc lại những số liệu, những vấn đề cụ thể mà tôi đã báo cáo năm trước để đánh giá sự tiến triển qua một năm, thỉnh thoảng gợi lên một số ý về tương lai phát triển kinh tế nước ta sau ngày thắng lợi. Tôi thực sự ngạc nhiên trước trí nhớ tuyệt vời của Anh và sau này một số đồng chí cho tôi biết Anh còn nhớ thuộc lòng từng đoạn quan trọng trong các tác phẩm kinh điển Mác – Lênin, thậm chí nhớ nó ở quyển nào, chương nào. Qua các gợi ý Anh nêu lên trong quá trình nghe báo cáo, tôi hiểu Anh nghe không chỉ để biết mà để suy nghĩ về những gì có thể làm và cần làm cho đất nước ngay trong hoàn cảnh chiến tranh và đặc biệt là sau ngày thắng lợi.
Thời kỳ Anh làm Bộ trưởng BNG, một số năm tôi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tổng hợp. Mỗi lần chuẩn bị hội nghị ngoại giao, Anh đều gọi tôi đến yêu cầu trình bày đề cương báo cáo, trong đó Anh đặc biệt quan tâm đến đánh giá tình hình quốc tế, tình hình Mỹ và phương hướng công tác đối ngoại. Anh lắng nghe ghi chép, sau đó góp ý kiến phân tích rõ ràng điểm được, điểm chưa được và bổ sung những điểm cần thiết. Mặc dù đã góp ý kiến rất kỹ, nhưng sau đó, Anh vẫn yêu cầu tôi trình bày lại với các đồng chí thứ trưởng xem có ý kiến gì thêm không.
Là người phụ trách công tác tổng hợp nên tôi được dự các cuộc họp của Đảng đoàn Bộ. Mở đầu cuộc họp Anh thường thông báo ngắn gọn tình hình trong nước, đặc biệt là tình hình chiến trường với dụng ý giúp các đồng chí trong Đảng đoàn cập nhật tình hình. Tiếp đó Anh mới nêu những vấn đề mà Đảng đoàn cần bàn kèm theo phân tích một số tình hình có liên quan. Khi các đồng chí khác phát biểu, Anh ít khi xen ngang trừ trường hợp người phát biểu nói không đúng số liệu hoặc đi quá xa chủ đề. Anh lắng nghe, ghi chép, cây bút và quyển sổ không bao giờ rời tay trong suốt cuộc họp. Anh không chỉ nghe ý kiến các đồng chí trong Đảng đoàn mà còn yêu cầu các đồng chí được mời đến tham dự cuộc họp góp ý kiến, trong đó có tôi. Sau khi mọi người hoặc phần lớn các đồng chí tham dự cuộc họp phát biểu rồi Anh mới nói ý kiến của mình, nhưng chưa kết luận. Anh trình bày gọn nhưng rõ ràng, phản bác những ý kiến không đồng tình một cách nhẹ nhàng có phân tích, sẵn sàng tranh luận, không nóng nảy, không vội vàng, bình tĩnh bảo vệ ý kiến của mình, song cũng vui vẻ chấp nhận ý kiến người khác khi thấy có lý. Chỉ sau khi không ai có ý kiến gì thêm nữa Anh mới kết luận.
Qua những buổi làm việc và buổi họp đó tôi đã học được rất nhiều: học cách suy nghĩ và phân tích lôgic, học thái độ điềm tĩnh lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng người đối thoại, dù người đó ở cương vị nào.
Thay mặt BCT và Chính phủ chỉ đạo mặt trận đối ngoại, Anh đã hướng dẫn toàn ngành vừa làm nhiệm vụ tham mưu, vừa thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó phần cốt yếu là đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong điều kiện có bất đồng sâu sắc và phân liệt nghiêm trọng trong phong trào cộng sản quốc tế và trong các nước XHCN.
Cuối năm 1965, Hội nghị TƯ lần thứ 12 khóa III ra Nghị quyết về vấn đề áp dụng sách lược vừa đánh vừa đàm; và tháng 1/1967, Hội nghị lần thứ 13 ra Nghị quyết về việc đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ yếu tấn công địch phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Thực hiện hai nghị quyết này của TƯ, vào đầu năm 1967, khi Mỹ sa lầy ở miền Nam Việt Nam do bị thất bại hai mùa khô liên tiếp, đồng thời bị tổn thất nặng nề về không quân ở miền Bắc và bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ - ta nhận định đây là thời điểm thích hợp để mở đợt tấn công ngoại giao. Ngày 28/01/1967, với tư cách Bộ trưởng BNG, khi trả lời nhà báo Úc BớSét, anh tuyên bố: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) thì VNDCCH và Mỹ mới có thể nói chuyện được”. Lời tuyên bố đó đã làm chấn động dư luận quốc tế đang theo dõi với mối quan tâm sâu sắc diễn biến cuộc chiến ở VN, tiếp thêm căn cứ cho dư luận đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, đồng thời hé mở cho Mỹ cánh cửa xuống thang trong ném bom bắn phá để cho bớt tổn thất, tạo điều kiện chuyển đổi hình thái đấu tranh từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao.
Tiếp đó, sau khi BCT ra Nghị quyết (4-1967) khẳng định “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận đấu tranh quan trọng có ý nghĩa chiến lược”, ngày 29/12/1967, nhân buổi chiêu đãi đoàn Mông Cổ tại Hà Nội, Anh lại tuyên bố: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống VNDCCH, VNDCCH sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề có liên quan”.
Như vậy tuyên bố cuối năm so với tuyên bố đầu năm đã có một ý khác, một ý mới: không còn là “mới có thể nói chuyện” mà là “sẽ nói chuyện”.
Sau cuộc tấn công táo bạo Tết Mậu Thân đầu năm 1968 của Quân giải phóng miền Nam VN, trước những khó khăn ngày càng chồng chất, Mỹ đã đáp lại lời tuyên bố đó bằng việc chấm dứt một phần các cuộc ném bom đánh phá miền Bắc (từ Cầu Bùng – Diễn Châu – Nghệ An trở ra) và đề nghị thương lượng với ta. Trong tình hình đó, để đẩy Mỹ xuống thang hơn nữa, ta một mặt đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc rồi mới bàn các vấn đề liên quan, mặt khác chấp nhận đàm phán tay đôi giữa VNDCCH và Mỹ để bàn về vấn đề Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Cuộc đàm phán hai bên giữa VNDCCH và Mỹ mở ra tại Paris tháng 5/1968 đã dẫn đến việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom bắn phá miền Bắc từ ngày 1/11/1968. Cuộc đàm phán cũng đánh dấu việc mở đầu một thời kỳ mới “vừa đánh vừa đàm” như ta đã chủ trương, và rõ ràng Mỹ đã phải xuống thang chiến tranh một bước quan trọng.
Nguyễn Mạnh CầmNguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
(Còn nữa)