📞

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người anh, vị Bộ trưởng, nhà lãnh đạo đức tài trọn vẹn (tiếp theo kỳ trước và hết)

09:46 | 11/04/2013
Xuất phát từ tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng và Nhà nước chủ trương đánh đổ địch từng bộ phận, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách.

Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, cũng tại Paris đã diễn ra cuộc đàm phán bốn bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ CMLT CHMNVN) và Việt Nam Cộng hòa để bàn về giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Đoàn đại biểu VNDCCH do Anh Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và Anh Lê Đức Thọ làm cố vấn. Anh Trinh với tư cách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng BNG ở lại trong nước để cùng với các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước theo dõi và chỉ đạo cuộc đàm phán bốn bên trong sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường với bàn đàm phán, giữa mặt trận quân sự và mặt trận chính trị với mặt trận ngoại giao.

Suốt hơn bốn năm diễn ra đàm phán ở Paris, Anh trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị các phương án đàm phán và nội dung hiệp định với sự phối hợp của Anh Lê Đức Thọ và Anh Xuân Thủy từ Paris. Căn cứ các phương án này, sau khi được sự nhất trí của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Anh chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các đoàn ta ở Paris lúc tiếp xúc bí mật, lúc đàm phán công khai cho đến ngày kết thúc. Lúc này các bộ phận công tác trong nước phục vụ cuộc đàm phán ở Paris làm việc cả ngày lẫn đêm, rất ít khi được nghỉ Chủ nhật và ngày lễ. Song lúc nào Anh cũng khoan thai, điềm tĩnh, không hề lộ một chút nào mệt mỏi, mặc dù có lúc họp liên tục ngày này qua ngày khác.

Tháng 10/1972, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở VN cơ bản hoàn thành. Phía Mỹ yêu cầu chậm ký một thời gian để Mỹ trao đổi với Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó lấy cớ Nguyễn Văn Thiệu không đồng ý một số điều, Mỹ đòi ta sửa đổi, ta không chịu. Thế là Mỹ dùng B52 đánh phá miền Bắc (12/1972) hòng gây sức ép với ta. Những đêm B52 ném bom, chúng tôi thức để dự thảo tuyên bố lên án hành động dã man này, vạch trần thái độ tráo trở, xảo quyệt của Mỹ, đưa Anh duyệt trước 5 giờ sáng để kịp phát thanh vào lúc 6 giờ. Những đêm đó điện thành phố tắt, tôi sang chỗ Anh bằng xe ô tô nhưng không được bật đèn, đến cổng không bấm chuông vì không có điện chỉ cần gõ vào cửa ba tiếng, đồng chí bảo vệ đã ra đón dẫn đến chỗ Anh làm việc ở ngay hầm trú ẩn. Vẫn thái độ điềm tĩnh thường ngày, Anh xem ngay và chữa. Khi trao lại, bao giờ Anh cũng với giọng ân cần khuyên về tranh thủ nghỉ để lấy sức tiếp tục công việc. Còn Anh, theo đồng chí bảo vệ cho biết, Anh tiếp tục thức theo dõi tình hình địch đánh phá, chuẩn bị cho cuộc họp của Bộ Chính trị hoặc buổi làm việc của Chính phủ trong ngày.

Thất bại trong chiến dịch dùng B52 đánh phá lại miền Bắc và không ép được ta, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa buộc phải trở lại Paris để kết thúc cuộc đàm phán và chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào ngày 23/1/1973. Với tư cách Bộ trưởng BNG, Anh lên đường sang Paris ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN, kết thúc một giai đoạn đấu tranh cực kỳ ác liệt nhưng cũng vô cùng vẻ vang của dân tộc.

Trên đường về, Anh được lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đón tiếp trọng thị và nhiệt tình ca ngợi thắng lợi của nhân dân ta và của Ngoại giao Việt Nam.

Tôi không bao giờ quên trưa mồng một Tết năm ấy, chúng tôi đón Anh ở sân bay Gia Lâm. Ra đón Anh có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đông đảo nhân dân Thủ đô với rừng cờ xen lẫn những tà áo dài nhiều màu rực rỡ được cất kỹ trong những năm chiến tranh để hôm nay khoe sắc mừng thắng lợi giữa cái Tết đầu tiên trong hòa bình.

Suốt những năm chiến tranh, cùng với việc chỉ đạo cuộc đàm phán ở Paris, Anh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan, nhất là các tổ chức quần chúng của cả hai miền vận động nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ và các tổ chức quốc tế ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, hình thành một mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, mà trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước chưa hề có một phong trào đoàn kết quốc tế nào rộng lớn và tích cực như vậy.

Nắm vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ gắn với đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta, Anh đã trực tiếp góp phần quan trọng duy trì và củng cố tình đoàn kết với Liên Xô cũng như với Trung Quốc trong điều kiện hai nước có bất đồng nghiêm trọng, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của cả hai nước đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Anh tỏ ra là người thấm nhuần và thực hiện xuất sắc chủ trương đoàn kết của Bác Hồ: đoàn kết nội bộ, đoàn kết Bắc – Nam và đoàn kết quốc tế.

Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình được lập lại, dưới sự chỉ đạo của Anh, ngoại giao của hai miền đất nước lại tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống các hành động của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định, đặc biệt là chống các hoạt động lấn chiếm các vùng giải phóng ở miền Nam, đồng thời tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Anh nêu rõ: Đấu tranh thi hành Hiệp định Paris thực chất là đấu tranh làm thất bại âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam; cuộc đấu tranh này gắn liền với cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam Việt Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước khi thực hiện thống nhất hai miền, tại Hội nghị ngoại giao tháng 1/1976, cùng với việc đánh giá sự đóng góp của ngành ngoại giao với tư cách là một mặt trận đấu tranh vào sự nghiệp cách mạng dân tộc, Anh đã sớm nêu ra nhiệm vụ ngoại giao phục vụ nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, đồng thời đề ra vấn đề tổng kết hoạt động ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng ở giai đoạn mới, Anh đã nhấn mạnh phương hướng xây dựng ngành, đặc biệt là xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, một đội ngũ cán bộ có cả đức cả tài trên cơ sở xây dựng một quy hoạch cán bộ dài hạn và tiêu chuẩn hóa cán bộ.

Là một người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, Anh không những chỉ đạo cán bộ thực hiện tốt những nhiệm vụ trước mắt mà còn chuẩn bị cho đội ngũ đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tương lai. Anh rất quan tâm đến công tác nghiên cứu cơ bản và thường nhấn mạnh, nếu không có nghiên cứu cơ bản thì không phán đoán được tình hình, do đó không phán đoán được phương hướng hành động và sẽ bị động khi vận dụng sách lược. Anh còn chỉ rõ: “Dựa vào đường lối đối ngoại đúng đắn và sáng tạo của Đảng, nền ngoại giao của nước ta có khả năng phát huy truyền thống ngoại giao của tổ tiên là “thêm bạn bớt thù”, đồng thời vận dụng sức mạnh của thời đại làm cho công tác tranh thủ bạn bè, củng cố đồng minh có được một nội dung mới, một hiệu lực mới”.

Tháng 7/1976, sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Anh đã cùng Anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực với chính sách bốn điểm nổi tiếng: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không để lãnh thổ của mình cho bất cứ nước nào dùng làm căn cứ xâm lược nước khác trong khu vực; thiết lập quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt, phát triển hợp tác vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, vì độc lập dân tộc, hòa bình, trung lập ở Đông Nam Á.

Trên cơ sở chính sách bốn điểm đó, ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước còn lại trong khu vực và để thúc đẩy quan hệ với các nước ở khu vực, Anh Tô đi thăm các nước Đông Nam Á và Anh Trinh đã đi thăm các nước Nam Á. Chính những cuộc đi thăm có ý nghĩa lịch sử này đã tạo tiền đề cho gần 20 năm sau, qua những thăng trầm của lịch sử khu vực, nước ta gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 1980, sau 15 năm trực tiếp chỉ đạo ngành ngoại giao, theo sự phân công của Bộ Chính trị, Anh đã thôi giữ các chức vụ chính quyền để tập trung vào nhiệm vụ Bí thư Thường trực TƯ Đảng.

Là một người lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước, Anh không bao giờ câu nệ về cương vị của mình, luôn luôn đối xử với mọi người bình đẳng, với tấm lòng rộng mở, chân tình, thương yêu cán bộ, quý trọng bạn bè, gần gũi nhân dân, không nặng lời với bất cứ một ai.

Tôi còn nhớ trong những năm diễn ra cuộc đàm phán ở Paris, mỗi lần Anh Xuân Thủy về nước, Anh đều dẫn chúng tôi đến tận nhà Anh Xuân Thủy làm việc mặc dù với cương vị của Anh, Anh có thể mời Anh Xuân Thủy đến chỗ mình.

Có một hôm, nhân họp Đảng đoàn BNG, anh Hoàng Văn Lợi – Thứ trưởng báo cáo với Anh một sai lầm nghiêm trọng về đối ngoại của Vụ Lễ tân ngay sáng hôm đó mà Bộ đang yêu cầu kiểm điểm. Nghe xong, Anh từ tốn bảo: “Anh em làm bậy quá nhỉ. Dặn anh em nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Tan họp, anh Hoàng Văn Lợi nói với chúng tôi: “Bộ trưởng mình hiền thật, phải ông bộ trưởng khác thì ít nhất cũng được một trận rồi!”.

Trong những năm gần Anh và làm việc với Anh, tôi không hề một lần thấy Anh giận dữ, nói nặng lời chứ chưa nói đến quát mắng cán bộ, nhân viên, có việc gì làm Anh bực mình thì cũng chỉ thấy Anh đỏ mặt một lúc, tiếp đó là một câu nói nhẹ nhàng “Đừng nói như vậy” hoặc “Không nên làm vậy”, có lúc kèm theo một lời giải thích thân tình tại sao không nên. Nhận xét này không chỉ của riêng tôi mà của tất cả những anh chị em làm việc thường xuyên với Anh và cả những người thân của Anh trong gia đình.

Do vậy không một ai từ các nhà lãnh đạo các nước, các bạn bè quốc tế đến những cán bộ Việt Nam có điều kiện gặp Anh hoặc làm việc với Anh lại không cảm thấy gần gũi và quý mến Anh ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Tôi nhớ mãi về Anh bởi những điều tôi học được ở Anh đã giúp tôi rất nhiều trong quãng đời công tác đã qua.

Nguyễn Mạnh CầmNguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bài viết này được đăng trong tác phẩm “Nguyễn Duy Trinh, Người cộng sản kiên cường, Nhà ngoại giao tài năng” (Hồi ký).