Dày 674 trang với 224 bài viết, nhiều người có thể sẽ ngại đọc vì cuốn sách khá nặng ký. Tuy nhiên, lật giở từng phần bên trong cuốn sách, người ta mới dần khám phá được những câu chuyện rất thú vị...
Bức tranh văn hóa “sống”
Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành phần lớn là những chân dung nhân vật. Nói là “sống” vì tác giả đã dẫn dắt người đọc theo chiều dài lịch sử - văn hóa qua hình ảnh những con người cùng thời với ông. Đó là những người ông trực tiếp gặp gỡ, giao lưu hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng cả ở trong và ngoài nước. Sách của Hữu Ngọc khác biệt với những cuốn sách khác bởi sự sinh động trong việc truyền tải thông điệp văn hóa và những thông tin độc đáo riêng mà ông tích lũy được theo thời gian.
Phác họa chân dung những người Việt cùng thời, Chương I của cuốn sách được chia ra nhiều mục bao gồm: Những nhân vật trước năm 1945 thời Pháp thuộc với những người mở đường (Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng...), trí thức mới (các thầy Trường Bưởi “thời Tây”, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn…), những nhà văn hiện đại thế hệ đầu (Tản Đà, Nguyễn Tuân…) và những nghệ sĩ Canh Tân (Nguyễn Đỗ Cung, Phan Khắc Khoan…); Nhân vật Việt Nam từ 1945 với những người cầm bút (Hoàng Cầm, Phạm Hổ…) cùng nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và thế hệ xếp bút nghiên khác…
Hữu Ngọc cũng dành riêng Chương II cho những nhân vật nước ngoài, trong đó có nhà văn Sara Lidman (Thụy Điển) sinh ra để lên án những bất công trong xã hội, nhà Việt Nam học G. Boudarel (Pháp) gắn bó với Việt Nam từ kháng chiến chống Pháp đến hơi thở cuối cùng. Đáng chú ý là câu chuyện về nữ nhà văn Yveline Feray đã bỏ ra nhiều năm trời nghiên cứu, nhập vai, nhập cảnh để viết pho tiểu thuyết Vạn Xuân (Dix milles printemps) dày hơn 800 trang về Việt Nam...
Không chỉ là giới văn nghệ sĩ, những cuộc tiếp xúc của tác giả rộng hơn như với nhà báo nổi tiếng như Burchett, Madeleine Riffaud, nhà sử học Thomas Hodgkin và nhà khoa học xuất sắc như Henri Van Regemorter… Ông cũng chia sẻ bức thư dài xúc động của nữ tu sĩ, nhà báo Pháp nổi tiếng Soeur Francoise Vandermeesch về tình cảm và con đường dẫn bà đến với Việt Nam. Người đọc hoàn toàn có thể tìm thấy ở đây những tính cách, suy nghĩ, câu nói đáng học tập của những trí thức lớn trên khắp thế giới.
Người bắc cầu hai thế kỷ
Hữu Ngọc sinh năm 1918. Ông đã sống gần trọn thế kỷ XX và bắc cầu thế kỷ XX - XXI. Nói như nữ nhà văn Mỹ Lady Borton trong bài mở đầu cho cuốn sách này thì ông vừa là nhân chứng và như các công dân Việt Nam khác là tác nhân ít nhiều của các giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại: thời Pháp với những tàn dư của triều đình Huế, thời Nhật thuộc, thời Việt Minh và Cách mạng tháng Tám dẫn đến Tuyên ngôn độc lập, các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ… tới thời "bao cấp" rồi "đổi mới" và toàn cầu hóa.
Đặc biệt, ở Chương III với Những góc nhìn văn hóa, Hữu Ngọc có nhiều bài bàn về cội gốc, đặc tính của dân tộc như: Tính cộng đồng của người Việt, Từ gia đình đến gia tộc, Đồng bào gốc Hổ, Vang bóng tranh Hàng Trống... Dưới ngòi bút triết lý, hóm hỉnh của tác giả, người đọc cũng cảm nhận văn hóa ở những góc nhìn đa diện. Chẳng hạn, khi kể chuyện về làng cổ Đường Lâm, theo tục lệ làng, không ai được xây nhà cao hơn đình. Nhưng với ông, “Lệ ấy đã nhạt đi, có vài ba nhà tầng cao được xây dựng nhưng không đáng kể. Cái chính ít xây là do dân nghèo” và ông kết luận: “May quá, cái nghèo đã cứu vớt được di sản văn hóa!”.
Trong Chương III, Hữu Ngọc cũng dành riêng một mục viết về văn hóa Việt ở hải ngoại, thể hiện cái nhìn có chiều sâu về các thế hệ Việt kiều và sự hòa nhập và giữ gìn bản sắc của cộng đồng người Việt tại Pháp, Mỹ, Canada, Hungary, Ba Lan… Ở những trang cuối là những bài viết có tính chất tự sự, thể hiện quan điểm riêng của tác giả về thơ và người cao tuổi, bạn cũ, thầy xưa và những vấn đề phong phú của xã hội như văn hóa đám cưới, chuyện phố phường, chuyện lương y thời hiện đại hay giáo dục công dân bằng xe buýt…
Có thể nói, với trí thức sâu rộng và sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán, những tích lũy trong suốt cuộc đời Nhà văn hóa Hữu Ngọc giờ đây đã được chia sẻ giống như một món quà dành tặng cho độc giả.
Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác họa một chân dung, kể lại một sự việc, nêu lên hay thể hiện một vấn đề. Mong các bạn đọc thích thú tìm thấy ở những người cùng thời một bức tranh lịch sử gần trăm năm với những âm hưởng lan tỏa cho đến ngày nay.” Nhà văn Mỹ Lady Borton “Văn Hữu ngọc là một dạng văn đặc biệt. Nghĩa là chữ ít, nhưng lượng thông tin lại nhiều. Đó là loại văn điện tín. Mỗi chữ là một ký tự thông tin. Một lối văn mộc mạc, không son phấn, văn hoa.” Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
AN BÌNH